Đại học VinUni tại Vinhomes Ocean Park.
196 trường học các cấp đã được xây dựng
Những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở đã làm thay đổi diện mạo đô thị trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại, văn minh.
Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển và khai thác, sử dụng các công trình trường học trong các khu đô thị, khu nhà ở vẫn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức.
Mặt khác, theo quy chuẩn chung, mỗi phường có không quá 20.000 người, nhưng thực tế một số phường ở Hà Nội như: Định Công, Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai); Mai Dịch, Trung Hòa (quận Cầu Giấy); Minh Khai, Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm)… có dân số gấp từ 2 đến 4 lần.
Qua rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội, Thành phố hiện có 78 dự án khu đô thị mới có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học. Đến nay, hơn 60 dự án được đầu tư xây dựng với 196 trường học các cấp (42 trường công lập và 154 trường tư thục), cung cấp chỗ học cho 24.836 học sinh.
Có 36 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình công cộng với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; 27 dự án có tiến độ xây dựng các công trình công cộng theo quy hoạch.
Tuy nhiên, còn 15 dự án đầu tư xây dựng chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.
Khu đô thị mới Phùng Khoang, khu nhà ở Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì, dự án chức năng đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm); khu đô thị thành phố giao lưu, khu Ngoại giao đoàn, khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); khu chức năng đô thị Ao Sào (quận Hoàng Mai); khu nhà ở Vĩnh Hoàng (huyện Thanh Trì); khu đô thị Nam Cường (quận Hà Đông)... là những dự án vẫn còn các ô đất quy hoạch mà chủ đầu tư chưa xây trường học.
Những điều trên dẫn đến tình trạng thiếu trường, lớp học trên địa bàn, đặc biệt là ở địa bàn các khu đô thị mới, đồng thời dẫn đến quá tải cho các trường công lập khu vực lân cận.
Đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, việc quá tải tại nhiều trường công lập trên địa bàn Thủ đô hiện nay là do một số khu đất để xây dựng trường học trong các khu đô thị mới gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học quá nhanh tại một số phường, quận dẫn đến quá tải số học sinh/lớp, số lớp/trường,...
Để giải quyết bài toán thiếu trường học trong các khu đô thị mới, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐNH Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, rất cần Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, tham mưu choUBND Thành phố Hà Nội điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học các cấp.
Trên cơ sở đó, HĐND Thành phố Hà Nội sẽ bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới trường học, bổ sung thêm phòng học và cải tạo trường, lớp học.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần tập trung phân luồng học sinh nhằm điều hòa số học sinh/lớp giữa các trường cùng cấp trong khu vực lân cận; chú trọng giải pháp giảm sĩ số học sinh, gắn với việc nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường này.
Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu với UBND Thành phố Hà Nội có kế hoạch đầu tư công xây dựng mới trường học các cấp tại các địa bàn thiếu trường, lớp học.
Đồng thời, đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội, tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, giảm gánh nặng ngân sách.
Đối với Sở Tài chính, cần ưu tiên ngân sách để đầu tư xây dựng mới trường học tại các điểm quy hoạch ở các quận, huyện, thị xã với mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu trường học, thiếu lớp học.
Đối với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, khi lập quy hoạch cải tạo các khu chung cư, tập thể cũ, phải lưu ý ưu tiên dành quỹ đất để phát triển các trường học công lập đang thiếu trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu học tập trong khu vực. Đồng thời, cho phép nâng tầng và tăng mật độ xây dựng đối với các trường học không còn quỹ đất.
Liên quan đến vấn đề này, UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định 3383/QĐ-UBND ngày 19/9/2022 ban hành Chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại các khu đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025".
Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá thực trạng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn; trên cơ sở thực trạng, nhu cầu và quỹ đất hiện có, đề xuất địa điểm, nguồn vốn, cơ chế chính sách.
Báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định nhằm đẩy mạnh việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn, sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng và các công trình công cộng khác trên địa bàn.
UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì rà soát lại việc bố trí các quỹ đất xây dựng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trong các đồ án quy hoạch chi tiết của các dự án khu đô thị, khu nhà ở đã được phê duyệt, đối chiếu với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được duyệt, các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước và quy định pháp luật liên quan.
Từ đó nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung các quỹ đất này (trong trường hợp còn thiếu), báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư khi tham mưu cho UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở phải xác định cụ thể danh mục các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình công cộng thuộc trách nhiệm đầu tư của chủ đầu tư hoặc ngân sách.
Xác định cụ thể tiến độ chi tiết đầu tư xây dựng, thời gian hoàn thành bảo đảm đồng bộ với các công trình nhà ở trong dự án, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện...