Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội (Ảnh: Tiền Phong).

Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội (Ảnh: Tiền Phong).

Hà Nội: Không được quay phim, ghi âm cán bộ tiếp dân khi chưa có sự đồng ý

“Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” là quy định đối với công dân khi đến làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân TP.Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố.

Quyết định nêu trên được căn cứ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân và đề nghị của Trưởng Ban Tiếp công dân Thành phố có hiệu lực từ ngày 3/1 vừa qua.

Nội quy kèm theo Quyết định số 12 cho biết, cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân số 34 phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) và số 20 Hoàng Diệu (quận Hà Đông) có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội…

Nội quy cũng quy định rõ, đối với công dân khi đến Trụ sở Tiếp công dân Thành phố làm việc “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Trao đổi với PV Dân trí chiều 7/1, ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cho biết, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng ban hành quy định không được quay phim, chụp ảnh tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương khi chưa được sự đồng ý của người phụ trách trụ sở. “Quy chế này thực ra có từ lâu rồi”-ông Điệp nói.

Trước thắc mắc về việc khi quay phim, chụp ảnh phải xin phép khiến quyền giám sát của người dân bị ảnh hưởng, ông Điệp cho rằng quy chế không cấm quay phim, chụp ảnh mà trước khi làm việc đó phải xin phép và được sự đồng ý từ người có thẩm quyền.

Theo Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, điều quan trọng nhất là thái độ của cán bộ, công chức khi làm việc với người dân. Qua tiếp xúc, người dân nhận thấy cán bộ cư xử đúng mực sẽ cảm thấy việc ghi âm, ghi hình là không cần thiết.

“Khi bà con xin phép ghi âm, ghi hình thì cứ cho chứ có sao đâu. Nhưng mà cho với mục đích xây dựng, cùng với nhau hợp tác để cùng giải quyết công việc chứ không phải cứ đến cổng là lập tức đưa máy lên quay hết mọi thứ mà không tập trung vào mục đích chính của mình. Gây mất thời gian của công dân khác, ảnh hưởng tới Trụ sở” - ông Điệp nói.

Tin bài liên quan