Dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20%.
Đó là thông tin được Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ tại hội nghị “Nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới và phát triển thương hiệu trên nền tảng số”, ngày 21/10, do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội tổ chức.
Số doanh nghiệp đạt doanh thu trực tuyến cao ngày càng tăng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh thông tin: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đã trở thành động lực cho thương mại điện tử của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
“Thương mại điện tử xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc”, bà Mai Anh nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Giám đốc HPA, thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thời gian qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nỗ lực, tận dụng cơ hội, không ngừng tìm kiếm giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi, đẩy mạnh phương thức kinh doanh trực tuyến trong mùa dịch.
“Con số những doanh nghiệp đạt doanh thu trực tuyến cao ngày càng tăng và phần lớn các doanh nghiệp đã có mặt trên hầu hết các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước”, bà Mai Anh chia sẻ và cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới ngày nay đã trở thành phương thức mô hình kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ rất hiệu quả, bền vững đến các khách hàng quốc tế thông qua hình thức online: Website, cửa hàng trực tuyến hay các sàn thương mại điện tử.
Thực tế, việc tham gia kênh phân phối thương mại điện tử quốc tế thực sự là cơ hội cho doanh nghiệp trong việc tiêu thụ, tiếp cận thị trường xuất khẩu, giao thương kết nối và tiếp cận số lượng đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến một cách hiệu quả.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong suốt 7 năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16 - 30%. Dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20%.
Vì vậy, việc phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung... một cách bài bản, đúng quy trình sẽ tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho rằng, hiện dư địa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn, nhất là khi các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được thực thi với nhiều ưu đãi thuế quan.
Đặc biệt, cơ hội sẽ rộng mở với các doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường nhập khẩu, tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử để thâm nhập vào các thị trường “khó tính”, với nhiều rào cản về thủ tục và chi phí.
Ông Vũ Thế Tùng, đại diện Alibaba Việt Nam cho biết, Alibaba.com luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hàng triệu nhà nhập khẩu và nhà cung cấp toàn cầu giao thương trực tuyến với nhau. Thời gian qua, Alibaba.com đã tiến hành các hoạt động tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử nhằm tìm kiếm các cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Với thế mạnh là sàn bán sỉ (B2B) có lượng người mua sỉ lớn nên một số ngành như nông sản, thực phẩm chế biến - đóng gói, thủ công mỹ nghệ, may mặc, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, bao bì đóng gói… của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên sàn Alibaba.com về chi phí giá thành.
Tại sự kiện, bà Thanh Hải, Trưởng phòng Kinh doanh và Quan hệ đối tác khối khách hàng nước ngoài của Clever Group đã chia sẻ các bước cũng như kinh nghiệm xây dựng thương hiệu trên nền tảng số cho doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng từ việc nghiên cứu thị trường, đối thủ cũng như khách hàng mục tiêu để hiểu rõ vị thế của mình, xác định nền tảng, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển từ hình ảnh doanh nghiệp, nội dung sản phẩm đến việc kết hợp các hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu đa nền tảng như mạng xã hội.
Cùng với đó, các diễn giả đã chia sẻ, giới thiệu nhiều nội dung hữu ích trong lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số như: Tổng thể các chương trình, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam; hướng dẫn kinh doanh và vận hành thành công trên sàn thương mại điện tử quốc tế; tích hợp các giải pháp tài chính số tiếp sức kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử…
Với những kiến thức được chia sẻ, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao được năng lực cạnh tranh, ứng dụng các giải pháp công nghệ số khi tham gia kênh thương mại điện tử tại thị trường, bao gồm cả thương mại điện tử xuyên biên giới, kênh xuất khẩu tiềm năng và là xu hướng tất yếu mà doanh nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang hướng tới.