Hà Nội được vinh danh là Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
Sáng ngày 30/11, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức lễ vinh danh và trao Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2023 lần thứ IV.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh, khích lệ các tỉnh, thành phố, nhà đầu tư bất động sản, các doanh nghiệp công nghệ với những giải pháp giúp các đô thị phát triển thông minh, bền vững hơn, mang lại tiện ích cho người dân.

Đồng thời tạo cơ hội kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng, phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phát biểu tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phát biểu tại buổi lễ.

Sau gần 3 tháng triển khai kể từ ngày 20/7/2023, Giải thưởng nhận được 100 đề cử. Qua 3 vòng đánh giá, Hội đồng với 20 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực như quy hoạch, kiến trúc, công nghệ, quản lý nhà nước… đã lựa chọn, trao 32 giải gồm: 7 giải thưởng cho 4 đơn vị quản lý đô thị, một giải thưởng dành cho bất động sản công nghiệp và 24 giải thưởng dành cho các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc, từ 19 doanh nghiệp. Trong đó, Thành phố Hà Nội được trao Giải thưởng "Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng nhận Giải thưởng “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng nhận Giải thưởng “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Hà Nội đã đưa cụm từ "thông minh" vào trong Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên mới. Đồng thời, Hà Nội cũng đang tập trung triển khai hạ tầng số và Trung tâm dữ liệu để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV/2023.

Thành phố Đà Nẵng đã vinh dự nhận giải thưởng trong các lĩnh vực Thành phố điều hành, Quản lý - Hạ tầng - Dịch vụ công thông minh, Thành phố Quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch, Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Đà Nẵng được tôn vinh là Đơn vị xuất sắc trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam 2023.

Tỉnh Tây Ninh được vinh danh với hạng mục Thành phố điều hành, Quản lý thông minh (IOC), và TP.HCM là đơn vị có Các ứng dụng thông minh đang được triển khai, áp dụng thực tế đem lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng, xã hội.

Ngoài ra, 24 giải pháp số được trao giải thưởng thành phố thông minh từ 19 doanh nghiệp, nổi bật trong số này, nền tảng Beca Smart City của Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam, Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp đã nhận Xếp hạng 5 sao từ ban tổ chức trong lĩnh vực Giải pháp quản lý, điều hành đô thị thông minh (IOC).

Đại diện các tỉnh, thành nhận Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2023.

Đại diện các tỉnh, thành nhận Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2023.

Tại buổi lễ, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để phát triển thành phố thông minh, bền vững, chính quyền đô thị trong khu vực và thế giới đang hướng tới xây dựng, chuẩn hóa hạ tầng dữ liệu số thống nhất và xuyên suốt với: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, kiến trúc dữ liệu hoàn chỉnh; danh mục và tiêu chuẩn kết nối được chuẩn hóa; cơ chế thu thập, khai thác dữ liệu minh bạch, hiệu quả.

Theo đại diện VINASA, hiện nay Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố triển khai đề án phát triển đô thị thông minh. Trong đó, hơn 40 địa phương đã triển khai IOC (trung tâm điều hành thông minh) cấp tỉnh và gần 100 IOC cấp huyện.

Các đô thị hiện tại triển khai phát triển hệ thống IOC và các tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.

Có thể thấy, chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất sẽ tạo điều kiện xây dựng các đô thị thông minh, phát triển bền vững trong dài hạn dù có bất cứ sự thay đổi về cơ chế quản lý, nhà cung cấp giải pháp, hay các chỉ tiêu phát triển.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: “Phát triển đô thị thông minh phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.

Trong đó, người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa. Cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế, xã hội.

Tin bài liên quan