Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh).
Cụ thể, một số mục tiêu UBND TP. Hà Nội đề ra trong năm 2025 bao gồm: Tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 100 hợp tác xã, 2 Liên hiệp hợp tác xã; Số hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã hoạt động loại tốt, khá chiếm từ 65 - 70%; Doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt 3 tỷ đồng/năm; Thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã là 65 triệu đồng/năm; Lãi bình quân của hợp tác xã khoảng 220 triệu đồng/năm.
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay Thành phố có 1.297 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, phần lớn đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất của các hộ thành viên. Các hợp tác xã không chỉ tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp mà còn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần gia tăng giá trị kinh tế.
Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh), cho biết hiện hợp tác xã này đang cung cấp gần 10 dịch vụ hỗ trợ thành viên, bao gồm bảo vệ mùa màng, dự báo sâu bệnh, công tác khuyến nông và liên kết tiêu thụ nông sản. Để đáp ứng nhu cầu thành viên, hợp tác xã đã xây dựng đơn giá dịch vụ hợp lý, đảm bảo chi phí quản lý nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, hoạt động của các hợp tác xã trong thời gian qua đã giúp gắn kết người dân với ruộng đồng, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất canh tác, qua đó duy trì diện tích gieo trồng và đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm cho Thủ đô.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, nhiều hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Một số lượng lớn các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, thậm chí nhiều hợp tác xã đã ngừng hoạt động nhưng gặp khó khăn trong việc giải thể.
Để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là các hợp tác xã, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đã ký ban hành Kế hoạch số 325/KH-UBND với mục tiêu phát triển kinh tế tập thể đến năm 2025. Kế hoạch này tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, từ đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thành viên hợp tác xã, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội.
Hà Nội đặt mục tiêu củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã để họ có thể đóng góp tích cực vào tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội. Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND TP. Hà Nội đã đưa ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được nhấn mạnh là đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Luật hợp tác xã năm 2023. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ quản lý Nhà nước phụ trách hợp tác xã.
UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Liên minh hợp tác xã và các sở ngành, địa phương tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế tập thể.
Theo Phó chủ tịch Liên minh hợp tác xã Thành phố Nguyễn Trung Thành, thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, tăng cường phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện nhằm hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Đồng thời, Liên minh hợp tác xã sẽ chủ động đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra đến năm 2025.