Hà Nội đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Trung Tự

Năm 2023, quận Đống Đa sẽ kiểm định 138 nhà chung cư, đồng thời tiến hành khảo sát, đo vẽ hiện trạng,quy hoạch chi tiết Khu tập thể Khương Thượng và 3 Khu tập thể Kiêm Liên, Trung Tự và Khương Thượng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao đổi với các đồng chí lãnh đạo về công tác chỉ đạo, triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn quận Đống Đa. (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao đổi với các đồng chí lãnh đạo về công tác chỉ đạo, triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn quận Đống Đa. (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)

Theo tin từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố vừa giao Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa lập kế hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Trung Tự và vùng phụ cận để đẩy nhanh tiến độ triển khai cải tạo chung cư cũ.

Với tổng dự toán hơn 800 triệu đồng, phạm vi lập quy hoạch chi tiết thuộc địa giới hành chính phường Trung Tự và vùng lân cận, quận Đống Đa; có quy mô 11ha, giới hạn bởi phía Đông Bắc giáp khu dân cư hiện hữu, phía Đông Nam giáp phố Phạm Ngọc Thạch, phía Tây Bắc và Tây Nam giáp phố Đặng Văn Ngữ.

Ranh giới, quy mô cụ thể sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập nhiệm vụ và lập đồ án quy hoạch.

Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn quận Đống Đa cho biết tại quận này hiện có 20 khu tập thể cũ với 507 nhà chung cư (khoảng hơn 20.000 căn hộ).

Theo kế hoạch, năm 2023, quận Đống Đa sẽ kiểm định 138 nhà chung cư do quận thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, tiến hành khảo sát, đo vẽ hiện trạng, lập chỉ giới, ranh giới nghiên cứu quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết Khu tập thể Khương Thượng (dự kiến hoàn thành quý 3/2023) và quy hoạch tổng thể ba Khu tập thể: Kim Liên (42 nhà chung cư), Trung Tự (29 nhà chung cư) và Khương Thượng (23 nhà chung cư) trong quý 4/2023.

Cụ thể, Khu tập thể Kim Liên đã hoàn thành kiểm định 17 nhà; Khu tập thể Trung Tự hoàn thành kiểm định 19 nhà; Khu tập thể Khương Thượng kiểm định xong một nhà.

Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa tiếp tục phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội và các sở, ngành lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, cải tạo lại nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D tại số 51 phố Huỳnh Thúc Kháng.

Đến nay, quận Đống Đa đã hoàn thành di dời các hộ dân và tổ chức ra khỏi số nhà này.

Đáng chú ý, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa đã đề xuất thành phố cho thực hiện cải tạo ngay đối với Khu tập thể Khương Thượng, do khu tập thể này nằm trong khu vực giao thông thuận lợi, chỉ có 16 hộ dân xen kẹt giữa các nhà chung cư.

Phương thức thực hiện theo hình thức cuốn chiếu cải tạo bốn nhà B trước (B1, B2, B3, B4) để xây dựng một nhà chung cư mới, sau đó tái định cư tại chỗ và các nhà khu A, sau đó tiếp tục thực hiện phần còn lại.

Một số hộ dân sống tại một khu tập thể cũ trên địa bàn quận Đống Đa. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Một số hộ dân sống tại một khu tập thể cũ trên địa bàn quận Đống Đa. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ngoài ra, 5 chung cư cũ có điều kiện thuận lợi để triển khai trước, gồm: Tập thể 60 ngõ Thổ Quan (phường Thổ Quan), tập thể số 26-28-30-32 phố Láng Hạ (phường Láng Hạ), tập thể 163 phố Thái Hà (phường Láng Hạ), tập thể G1 Học viện Ngân hàng (phường Quang Trung); tập thể G1-G2-G3-G4-G5C Hào Nam (phường Ô Chợ Dừa).

Năm 2023, thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở, Hà Nội đặt chỉ tiêu diện tích nhà bình quân đầu người đạt 28,2 m2/người; tổng diện tích sàn nhà ở đạt khoảng 6,9 triệu m2; trong đó, dự kiến chỉ tiêu phát triển nhà ở riêng lẻ đạt 4,5 triệu m2, chỉ tiêu phát triển nhà ở theo dự án khoảng 2,465 triệu m2 gồm 2,339 triệu m2 sàn nhà ở thương mại; khoảng 0,032 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; khoảng 0,094 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, việc đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, xây nhà ở tái định cư là nhiệm vụ mà Hà Nội đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao đời sống, tạo điều kiện an cư lạc nghiệp cho người dân.

Liên quan đến cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong Kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định các nhà chung cư cũ, Hà Nội phấn đấu hoàn thành việc kiểm định tất cả chung cư cũ trước quý 4/2023; Kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ cũng phấn đấu hoàn thành trước quý 4/2023; Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ (đợt 1), tập trung di dời các hộ dân và khẩn trương xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; phấn đấu cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sau 2 năm triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô, Sở đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định 1.022 nhà chung cư thuộc các quận, huyện: Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm.

Hiện đã 8 quận, huyện tổ chức lựa chọn được đơn vị kiểm định gồm: Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Đông Anh, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình.

Theo Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, với 6 đợt triển khai thì đợt 1 ưu tiên thực hiện đối với 10 khu chung cư, gồm 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận Ba Đình (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp) và 6 khu chung cư có tính khả thi cao (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân).

Đề án và các kế hoạch triển khai được phê duyệt đã xác định các giải pháp để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện.

Thành phố đã ban hành các quyết định tạm cấp và cấp kinh phí cho một số quận, huyện để thực hiện công tác kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo lại các chung cư cũ. Ủy ban Nhân dân các quận, huyện đang tập trung triển khai lựa chọn nhà thầu thực hiện kiểm định, lập quy hoạch.

Đơn cử tại quận Ba Đình, trong tổng số 217 nhà chung cư cũ, 86 chung cư đã có kết quả kiểm định, cần rà soát, đánh giá; 74 chung cư cũ thuộc trách nhiệm tổ chức kiểm định của Ủy ban Nhân dân quận.

Quận đã lập nhiệm vụ kiểm định và được Sở Xây dựng phê duyệt; tổ chức đấu thầu và lựa chọn xong đơn vị tư vấn kiểm định.

Đến nay, quận Ba Đình cũng chủ động tổ chức triển khai đo đạc, lập xong bản đồ hiện trạng 1/500 các Khu tập thể: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh và hoàn thành di dời các hộ dân khỏi 2 nhà nguy hiểm cấp D là đơn nguyên 1,3 tập thể Bộ Tư pháp, đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh.

Hiện, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình vẫn đang tổ chức tuyên truyền, vận động di dời các hộ dân còn lại tại các nhà nguy hiểm cấp D; đồng thời, xây dựng kế hoạch cưỡng chế nếu các hộ cố tình chống đối.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có 1.579 chung cư cũ có tuổi thọ hơn 50 năm, chủ yếu được xây dựng vào giai đoạn 1960-1990 của thế kỷ trước, tập trung tại khu vực 4 quận nội thành. Sau khi rà soát, phân loại, có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D.

Trước đó, tại buổi kiểm tra thực địa về triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình và quận Đống Đa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của thành phố trong lộ trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, ổn định đời sống cho nhân dân.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ cho thấy sự quyết tâm chính trị cao của thành phố trong công tác này.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các quận trong triển khai, nhất là việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại kéo dài.

Đồng thời, tăng cường tiếp xúc đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Tin bài liên quan