
Phối cảnh tổng thể Thành cổ Sơn Tây sau tu bổ, phục dựng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây cho biết dự án có tổng mức đầu tư 218,704 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố hỗ trợ, ngân sách thị xã và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Chia sẻ về dự án, ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP. Hà Nội cho rằng, việc cải tạo, tu bổ Thành cổ Sơn Tây sẽ là nền móng quan trọng để đưa di tích này phát triển thành trung tâm sáng tạo, trung tâm di sản của thị xã Sơn Tây, từ đó từng bước kết nối các giá trị lịch sử - văn hóa của cả vùng xứ Đoài vào không gian du lịch liên kết.
Dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ từ người dân địa phương mà còn từ giới chuyên gia, các nhà khoa học, tổ chức văn hóa - di sản. Đây được xem là bước đi mang tính chiến lược trong định hướng phát triển Sơn Tây trở thành đô thị văn hóa, lịch sử mang bản sắc riêng biệt của Thủ đô Hà Nội.
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây, Dự án Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị Thành cổ Sơn Tây sẽ được triển khai theo hai giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2024 - 2027): Thực hiện phục dựng Khu Tổng đốc phủ, nhà binh và hệ thống sân vườn; phục dựng Cổng Đông và xây mới cầu qua Cổng Tây.
Giai đoạn 2 (2025 - 2028): Phục dựng Án sát phủ, Bố chánh phủ cùng các hạng mục cảnh quan, sân vườn và không gian kết nối tổng thể bên trong khu thành.
Bên cạnh công tác phục dựng kiến trúc, dự án cũng chú trọng cải tạo không gian công cộng xung quanh di tích. Một tuyến phố đi bộ dài khoảng 820m sẽ được hình thành, trải dài từ phố Phó Đức Chính (gần trụ sở UBND thị xã) đến cầu Cửa Tiền (ngã ba Quang Trung - Nguyễn Thái Học), với diện tích sử dụng lên tới hơn 34.550 m2.
![]() |
Một góc thành cổ Sơn Tây sau phục dựng (ảnh phối cảnh) |
Đáng chú ý, phần lối tiếp cận với hào nước quanh Thành cổ sẽ được chỉnh trang, tạo các điểm nhìn, bậc thang hướng về phía không gian di sản, kết hợp với thiết kế lát nền mới và cảnh quan cây xanh nhằm tăng tính tương tác với du khách, đồng thời tạo ra những không gian dừng chân, tham quan và trải nghiệm di tích.
Ngoài ra, khu vực bãi đậu xe cạnh sân vận động cũng sẽ được cải thiện để trở thành điểm đón, trả khách du lịch từ Hà Nội và các vùng lân cận, phục vụ nhu cầu tham quan trong tương lai gần.
Tại hội nghị lấy ý kiến chuyên gia do Ban Quản lý Dự án tổ chức, nhiều nhà khoa học, kiến trúc sư, nhà sử học uy tín đã thể hiện sự đồng thuận cao đối với định hướng phục dựng Thành cổ Sơn Tây.
Nhấn mạnh vai trò của việc bảo tồn gắn với phát triển, GS.TS Hoàng Đạo Kính, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Nên bảo tồn, phục dựng Thành cổ theo hướng tạo ra sự cộng sinh giữa cấu trúc đô thị truyền thống và hiện đại. Thành cổ có thể trở thành một công viên văn hóa - lịch sử, trong đó, bảo tồn mở là cách làm hiệu quả để di sản không chỉ tồn tại mà còn sống, phát triển như cách Hà Nội đã làm với Hoàng thành Thăng Long.”
Trong khi đó, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề xuất: “Bên cạnh phục dựng các hạng mục kiến trúc, nên tính đến việc sản xuất các thước phim 3D về quá trình khai quật, phục dựng và lịch sử Thành cổ. Đây sẽ là sản phẩm du lịch có giá trị, giúp du khách hình dung được chiều sâu lịch sử của công trình này.”
Ngoài việc bảo tồn công trình kiến trúc, dự án còn mang tầm nhìn dài hạn nhằm đưa Thành cổ Sơn Tây trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo kết hợp di sản, một mô hình phát triển văn hóa, du lịch bền vững mà Hà Nội đang khuyến khích tại các địa phương giàu tiềm năng.
Ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội khẳng định: “Việc tu bổ, phục dựng Thành cổ không chỉ để gìn giữ ký ức lịch sử, mà còn là nền tảng để hình thành các không gian sáng tạo mang bản sắc Sơn Tây. Chúng tôi kỳ vọng, nơi đây sẽ là điểm kết nối du lịch vùng xứ Đoài, gắn kết các giá trị lịch sử - văn hóa tự nhiên trong một hệ sinh thái phát triển du lịch thông minh và bền vững.”