Một khu chung cư ở Hà Nội. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)
Ủy ban Nhân dân thành phố vừa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Tổng nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 khoảng 437.000 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng nhà ở thương mại khoảng 250.000 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ do dân tự xây khoảng 65.000 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 12.500 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở tái định cư khoảng 9.500 tỷ đồng.
Dự kiến nguồn vốn có khoảng 5.800 tỷ đồng vốn ngân sách, trong đó khoảng 283 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội; khoảng 223,9 tỷ đồng để hoàn thành và điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê, chuẩn bị đầu tư hạng mục nhà A4 thành nhà ở xã hội cho thuê tại dự án này; khoảng 47,5 tỷ đồng để thực hiện chuẩn bị đầu tư đối với 5 khu nhà ở xã hội tập trung và 2 dự án nhà ở công nhân.
Trong nguồn vốn ngân sách có khoảng 4.860 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới 5 dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư.
Thành phố bố trí vốn ngân sách để mua lại các căn hộ phục vụ tái định cư tại các dự án nhà ở thương mại đặt hàng tái định cư, nhà ở thương mại và hoàn trả chi phí xây dựng các căn hộ phải bàn giao lại cho thành phố tại một số dự án nhà ở thương mại có quỹ nhà tái định cư phải bàn giao cho thành phố.
Khoảng 641,3 tỷ đồng để tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu, nhà chung cư cũ; kiểm định và lập đề xuất chủ trương đầu tư phục vụ cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn.
Thành phố huy động nguồn vốn xã hội (ngoài ngân sách) đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà ở tái định cư băng nguồn vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng...; đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, ngân hàng chính sách xã hội...; nhà ở riêng lẻ tự xây của các hộ gia đình được xây dựng bằng nguồn vốn tích lũy thu nhập của các hộ gia đình.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phát triển nhà giai đoạn 2021-2030 để xác định mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố 29,5 m2/người; trong đó, khu vực đô thị đạt 31 m2/người và khu vực nông thôn đạt 28 m2/người; diện tích nhà ở tối thiểu phấn đấu đạt 10 m2/người.
Về tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 44 triệu m2 sàn nhà ở; trong đó, về nhà ở xã hội phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu.
Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.
Về nhà ở tái định cư, phát triển mới khoảng 0,555 triệu m2 sàn nhà ở.
Về nhà ở thương mại, phát triển mới khoảng 19,73 triệu m2 sàn nhà ở; tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đảm bảo tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu 5% và nhà ở cho thuê mua đạt tối thiểu 5% trên tổng diện tích sàn nhà ở chung cư tại dự án.
Triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp), các khu chung cư, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quy định và các khu chung cư, nhà chung cư khác có tính khả thi, đủ điều kiện để triển khai theo quy định.
Một khu chung cư cũ ở Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+). |
Về nhà ở riêng lẻ, thành phố Hà Nội dự kiến phát triển mới khoảng 22,5 triệu m2 sàn (khoảng 4,5 triệu m2 sàn/năm).
Về chất lượng nhà ở, thành phố tiếp tục thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà đơn sơ gắn với tái thiết, chỉnh trang đô thị; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố đạt 90%, trong đó khu vực đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn đạt 85%.
Về kế hoạch phát triển nhà ở thương mại đối với 155 dự án đang triển khai với khoảng 42.475.000 m2 sàn nhà ở và 132 dự án đang chuẩn bị đầu tư với khoảng 22.110.000 m2 sàn nhà ở.
Tập trung hoàn thành 109 dự án có khả năng hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 19.430.000m2 sàn.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp khi triển khai các dự án phải phù hợp nội dung Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt. Công tác phát triển nhà ở phải tuân thủ pháp luật về nhà ở, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành.
Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đưa ra nhiều giải pháp như thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở; thực hiện cập nhật, điều chỉnh kế hoạch theo quy định đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.
Xây dựng cơ sở dữ liệu nhà ở toàn thành phố; quản lý danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong kế hoạch phát triển nhà ở thành phố 5 năm và hàng năm làm cơ sở để chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư. Xây dựng, ban hành kế hoạch phát triển các loại hình nhà ở (nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, tạm cư...).
Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các cấp tuân thủ kế hoạch phát triển nhà ở trong quản lý phát triển nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị có nhà ở từ giai đoạn lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết, chủ trương đến khi sản phẩm nhà ở được phép kinh doanh để kiểm soát, điều tiết đảm bảo cân đối cung-cầu nhà ở nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nhà ở đã đề ra.
Tăng cường chức năng quản lý nhà nước về nhà ở của các cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở cấp thành phố và cấp huyện.
Thành phố sẽ nghiên cứu, xây dựng quy định việc phân cấp, ủy quyền trong quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sau đầu tư đối với các dự án khu đô thị, khu nhà ở; có cơ chế, chính sách để kiểm soát, cũng như tạo điều kiện cho việc phát triển đồng bộ các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố.
Rà soát, sửa đổi bổ sung, ban hành các văn bản quy định theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực nhà ở và quản lý đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trong đó quy định rõ về: trách nhiệm đầu tư, chế tài xử lý, phân công theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư gắn với trách nhiệm, đảm bảo đúng quy định; hoặc kiến nghị các cơ quan Trung ương hướng dẫn, xem xét, giải quyết những nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyên.
Thành phố cũng sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu nhà ở xã hội độc lập, khu nhà ở tái định cư tập trung theo hướng văn minh, hiện đại nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống và giảm giá thành nhà ở cho người dân.
Nghiên cứu, xây dựng các quy định để nâng cao chất lượng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư.