Từ đầu năm 2014 đến nay, Hà Nội hầu như không có dự án căn hộ cao cấp mới nào được khởi công

Từ đầu năm 2014 đến nay, Hà Nội hầu như không có dự án căn hộ cao cấp mới nào được khởi công

Hà Nội đang cạn nguồn cung căn hộ cao cấp

(ĐTCK) Thời gian qua, rất ít dự án căn hộ cao cấp tại Hà Nội được mở bán, giao dịch của phân khúc này chủ yếu diễn ra ở thị trường thứ cấp. Một số dự án có tiến độ tốt, mức tiền chênh tiếp tục gia tăng.

Sau 4 - 5 năm thị trường bất động sản Hà Nội khó khăn, phần lớn dự án căn hộ cao cấp trên địa bàn Thành phố đã không thể tiếp tục triển khai, nhiều dự án được chủ đầu tư “hạ cấp” xuống trung cấp, thậm chí bình dân để dễ dàng bán hàng hơn.

Bên cạnh đó, quyết định tạm dừng các dự án nhà thương mại trong nội đô trong giai đoạn từ 2012 - 2015 cũng khiến phân khúc này tại Hà Nội cạn dần nguồn cung.

Cụ thể, theo Chương trình phát triển nhà ở Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, trong giai đoạn từ 2012 - 2015, TP. Hà Nội phải tạm dừng phát triển các dự án nhà ở thương mại trong khu vực nội đô đối với các dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ đầu tư.

Việc dừng cấp phép mới và tạm dừng chấp thuận đầu tư đối với các dự án nhà thương mại trong nội đô, đã có tác động không nhỏ đối với phân khúc căn hộ cao cấp. Cụ thể, trong năm 2014, Hà Nội hầu như không có dự án mới được khởi công, kể cả khu vực bên ngoài nội đô. Các dự án căn hộ cao cấp có tiền chênh từ đó cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn, nhất là tại những dự án có tiến độ tốt, hoặc đã hoàn thiện.

Các dự án căn hộ cao cấp tại Hà Nội có tiền chênh cả trăm triệu có thể kể đến như Dự án Mandarin Garden, có mức chênh phổ biến lên đến khoảng 600 triệu đồng/căn hộ; Dự án Trung Yên Plaza, hay Lancaster trên phố Núi Trúc có mức chênh trên dưới 200 triệu đồng/căn. Các dự án đang triển khai, nhưng có tiến độ tốt như Diamon Flower, N04 Trần Duy Hưng tại khu Trung Hòa - Nhân Chính cũng có mức chênh lên đến 200 triệu đồng mỗi căn hộ. Trong khi đó, hàng loạt dự án căn hộ cao cấp đã mở bán trong thời gian qua như Discovery Complex, Thăng Long Number One... cũng có kết quả tốt.

Ngay như Dự án Vinhomes Royal City và Time City, được cho là rất kén khách, với mức giá bán khoảng 40 triệu đồng/m2 cả VAT, nhưng cũng có kết quả khả quan bất ngờ.

Cụ thể, theo đơn vị phân phối Đất Xanh Miền Bắc, đã có 60 căn được khách hàng đặt cọc mua chỉ sau 1 tuần giới thiệu, dù đơn vị này chưa chính thức mở bán. Trong khi tại đợt mở bán trước đó không lâu, Vingroup cũng đã bán hết 600 căn hộ tại Dự án Vinhomes Times City chỉ trong 2 ngày, trong đó có nhiều nhà đầu tư mua căn hộ với mục đích sang tay để “ăn” tiền chênh.

Trao đổi với Đầu tư Bất Động sản, ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc Him Lam Thủ đô cho rằng, nguồn cung căn hộ cao cấp hiện nay đang khá hạn chế, nhất là tại khu vực nội đô. Trong thời gian ngắn tới đây, tình trạng này cũng chưa thể khắc phục, bởi quy định không cấp phép cho dự án nhà ở thương mại trong nội đô. Theo ông Kiên, chính vì nguồn cung hạn chế đã dẫn tới việc một số dự án có tiến độ tốt, vị trí thuận lợi đã xuất hiện tiền chênh.

Cùng quan điểm, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, Hà Nội hầu như không có dự án căn hộ cao cấp mới nào được khởi công, trong khi nhu cầu đối với phân khúc này vẫn có, thậm chí gia tăng khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Vì thế, một số dự án có vị trí, tiến độ tốt đã được nhiều nhà đầu tư mua vào, nay bán ra với giá chênh kiếm lời.

Thời gian gần đây, trong khi phân khúc căn hộ tầm trung được các chủ đầu tư đua mở bán, thì có rất ít dự án căn hộ cao cấp được mở bán mới, chủ yếu là mở bán tiếp, nhưng khá nhỏ giọt.

Một đại diện đơn vị phân phối có tiếng tại Hà Nội cho rằng, việc mở bán căn hộ cao cấp từ nay đến cuối năm còn ít hơn, bởi thị trường không có dự án căn hộ cao cấp mới triển khai, trong khi lượng tồn kho cũng đã giảm bớt.

Tin bài liên quan