Phát huy những thành tựu đã đạt được, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển các ngành công nghiệp-dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, văn minh, hiện đại.
Hình thành các vùng sản xuất lớn
Sau khi Nghị quyết số 26 ra đời, Hà Nội đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, cũng như các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của Thủ đô. Cùng đó, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng-vật nuôi, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gắn với khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.
Mặc dù là huyện có tốc độ đô thị hóa rất cao, tỷ lệ cơ cấu ngành nông nghiệp giảm mạnh, sản xuất phi nông nghiệp tăng nhanh, song với quyết tâm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, huyện Gia Lâm đã tổ chức dồn điền đổi thửa 1.174 ha đất nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đạt 100% cho các hộ nông dân.
Huyện đã hình thành 17 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và 18 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như rau an toàn, cây ăn quả các loại; cấp giấy chứng nhận vùng quả theo tiêu chuẩn VietGAP cho xã Kiêu Kỵ, Kim Sơn.
Ông Lê Anh Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm cho biết, huyện đã chủ động hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ đầu tư hạ tầng về giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; đồng thời tập trung chỉ đạo phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Cùng đó, huyện triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm; mô hình liên kết chuỗi nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân như vùng sản xuất rau, quả an toàn trên 2.000 ha tại các xã Văn Đức, Đặng Xá, Yên Thường…
Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 1,18%/năm; trong đó, giá trị canh tác trên 1ha đất nông nghiệp đạt 212 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng/ha so năm 2015.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, ông Vương Văn Bút cho biết, huyện đang ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất, bảo quản, chế biến nấm ăn, nấm dược liệu; hình thành năm khu sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao ứng dụng sản xuất trong nhà lưới; hình thành 32 vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nhiều mô hình cho giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, thành phố Hà Nội hiện đã có 4/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2018, thành phố chỉ đạo và giao chỉ tiêu cho bốn huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai đạt chuẩn nông thôn mới. Với 297/386 xã đã đạt chuẩn, Hà Nội được Trung ương đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Giải pháp đồng bộ
Những thành tựu nổi bật đã đạt được là minh chứng rõ nét nhất cho tính đúng đắn của việc ban hành Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X của Đảng về chính sách "Tam nông."
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Đó là thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp; hạ tầng kinh tế-kỹ thuật nông thôn được đầu tư chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ...
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, cho biết để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng ứng dụng công nghệ cao, từ năm 2012-2015, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành một số Nghị quyết và sau gần bảy năm, các chính sách đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn mới.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, các Nghị quyết có một số nội dung cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp của thành phố và các chính sách mới của Chính phủ.
Theo đó, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết với 12 nội dung chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn Hà Nội. Cụ thể là có chính sách hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; hỗ trợ đào tạo nghề và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích đầu tư sản xuất giống.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng đưa ra chính sách đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản; đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; đầu tư thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm...
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển các ngành công nghiệp-dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, văn minh, hiện đại. Đổi mới cơ chế, chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn.
Tiếp tục thúc đẩy phát triển nông thôn gắn với xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc…
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, các bộ, ngành cần nghiên cứu, sớm sửa đổi Luật Đất đai nhằm tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất hiện nay.
Cùng với đó, có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo sự thông thoáng, cũng như trao quyền chủ động hơn cho người dân được giao đất, thuê đất, tạo đòn bẩy cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh quy mô lớn.