Hà Nội cần cơ chế đặc thù, không phải đặc quyền, đặc lợi

Đại biểu quốc hội cho rằng, trong thời gian qua, có quá nhiều đặc thù, ít nhiều đã gây ra sự hiểu lầm như kiểu đặc quyền, đặc lợi.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu tại hội trường.

Chỉ có 3 đại biểu đăng ký phát biểu, phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội cuối tuần qua gói gọn trong 20 phút.

Không nên dùng từ đặc thù

Báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu tại 19 tổ được Tổng thư ký Quốc hội phát hành trước phiên thảo luận toàn thể cho thấy, cả 9 nội dung tại Dự thảo Nghị quyết đều được quan tâm thảo luận.

Có ý kiến cho rằng, Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết cho phép thí điểm tại TP.HCM và Đà Nẵng. Vì vậy, lần này, đề nghị cho thực hiện thí điểm luôn cả 3 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại là Hà Nội, Hải Phòng và Cần Thơ, trong đó, mỗi địa phương có những cơ chế đặc thù riêng.

Đăng đàn đầu tiên tại hội trường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, ông Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đồng tình với sự cần thiết thực hiện cơ chế chính sách riêng cho Hà Nội.

Ông Cương cho biết, có ý kiến đại biểu cho rằng, chỉ nên dành cơ chế đặc thù cho tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn để giúp các tỉnh đó vươn lên, nhưng theo ông, cơ chế đặc thù cho Hà Nội vẫn là cần thiết để bổ khuyết và cho phép địa phương năng động hơn về cơ chế chính sách để phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn.

“Tuy nhiên, trong thời gian qua, có quá nhiều đặc thù, ít nhiều đã gây ra sự hiểu lầm như kiểu đặc quyền, đặc lợi. Vì thế, không nên dùng từ đặc thù trong Dự thảo Nghị quyết”, ông Cương góp ý.

Việc bỏ hai chữ đặc thù, theo đại biểu Cương, cũng không ảnh hưởng đến nội dung của chính sách và cũng không phải sự né tránh.

Đồng tình tăng phí, lệ phí

Giao HĐND TP. Hà Nội quyết định bổ sung danh mục, điều chỉnh mức thu phí là một trong những đề xuất được Chính phủ xem xét lần này.

Nhưng khi thảo luận tổ, một số đại biểu cho rằng, quy định về tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí trong Dự thảo Nghị quyết là không phù hợp trong bối cảnh người dân đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh hiện nay.

Trong khi đó, đa số ý kiến tán thành với đề xuất mới nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong việc điều chỉnh chính sách về phí, lệ phí, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước trên địa bàn, phục vụ mục tiêu phát triển của Thủ đô.

Theo đại biểu Cương, giao HĐND Thành phố quyết định điều chỉnh phí mà không quy định mức trần là phù hợp, nhiều nước đã thực hiện việc này. Quan trọng là cân nhắc mức phí cao một cách hợp lý để có sự đồng thuận của người dân.

Đồng tình với đại biểu Cương, ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) nhấn mạnh, việc xác định phí, lệ phí phụ thuộc vào phát triển dịch vụ công và khả năng chi trả. Ở các thành phố lớn, khu đô thị hiện đại, thì phí cũng cao hơn, như phí dịch vụ an ninh, vệ sinh môi trường... tại Phú Mỹ Hưng, Ecopark cao hơn hẳn các khu đô thị khác và cảnh quan môi trường, dịch vụ ở đây cũng tốt hơn.

Là đại biểu lên tiếng cuối cùng, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) băn khoăn khi Hà Nội xin cơ chế được quyền tự quyết khoản thu phí, lệ phí. “Đưa ra đề xuất này đã đánh giá tác động tới doanh nghiệp, người dân trên địa bàn hay chưa? Với cơ chế này, Hà Nội có tiếp tục được coi là điểm đến hấp dẫn hay không?”, ông Nhưỡng nói.

Trao quyền không có nghĩa là tùy tiện

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên hành lang Quốc hội ngay sau phiên thảo luận ngắn kỷ lục của Quốc hội, TS. Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhìn nhận, tuy ít đại biểu tham gia thảo luận, nhưng cũng đã phản ánh quan điểm chung của nhiều người. 

Đó là việc Quốc hội xem xét vấn đề này không phải cho Hà Nội cơ chế để người dân Hà Nội đã sướng rồi còn sướng hơn, mà là tạo cơ hội để Thủ đô thể hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa đối với cả nước. 

Tức là, quyết định cơ chế riêng để Hà Nội trưởng thành, phát triển một cách đột phá, xứng đáng là trái tim của cả nước, dẫn dắt không những về chính trị, mà còn cả văn hóa, kinh tế, khoa học - công nghệ. TP.HCM cũng đã được quyết định cơ chế tương tự, nên cần tránh hiểu lầm đây là cơ chế xin - cho.

Liên quan việc giao HĐND TP. Hà Nội điều chỉnh mức thu phí, ông Khải cho rằng, những gia đình trung lưu trở lên ở Hà Nội có ô tô thì có thể nộp phí cao hơn, trong điều kiện mật độ dân số cao và không gian Thủ đô rất nhạy cảm với ô nhiễm. Thu nhập nhiều hơn thì chi phí dịch vụ cao hơn và được hưởng chất lượng dịch vụ cao hơn. Như vậy là hợp lý.

“Cho quyền không có nghĩa là có thể tuỳ tiện, bởi còn có HĐND, lãnh đạo Thành phố, Bí thư là Ủy viên Bộ Chính trị, nên sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, có trách nhiệm với xã hội”, ông Khải nêu quan điểm.

Tin bài liên quan