Giá cả tăng là sức ép cho sản xuất kinh doanh và cho cả nên kinh tế

Giá cả tăng là sức ép cho sản xuất kinh doanh và cho cả nên kinh tế

“Hạ nhiệt” giá tiêu dùng như thế nào?

(ĐTCK-online) Giá cả tăng đang là sức ép lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như đối với đời sống nhân dân hiện nay. Khai thác mọi biện pháp để “hạ nhiệt” giá cả tiêu dùng là đòi hỏi cấp bách trong thời gian tới, góp phần hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007.

Giá tăng như dịp Tết

Đó là câu nói cửa miệng của các bà nội trợ ở Hà Nội, vì giá nhiều mặt hàng thực phẩm, nhất là thịt lợn, hiện đã cao như trong những ngày Tết Nguyên đán. Điều đó cho thấy, tình trạng giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ thực sự đang là nỗi lo của người dân hiện nay.

Trong 3 tháng vừa qua, giá tiêu dùng toàn xã hội đã liên tục tăng ở hầu hết các nhóm hàng hoá và dịch vụ. Cụ thể, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng từ 0,5% trong tháng 4 lên 0,85% trong tháng 6 - cao gấp đôi so với mức tăng 0,4% trong tháng 6 năm 2006.

Tuy nhiên, đó là mức tăng bình quân trong cả nước, còn ở khu vực thành thị, chỉ số này cao hơn nhiều. Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 6 ở khu vực thành thị đã tăng 0,97% so với tháng trước, riêng ở vùng Đông Nam Bộ, CPI tăng 1,20%, thậm chí tại TP.HCM - tăng tới 1,27%. Đáng chú ý là, CPI thực phẩm tăng 1,55%, CPI nhà ở - vật liệu xây dựng tăng 1,90%, CPI văn hoá - thể thao - giải trí tăng 2,50%... Vì vậy, so với thời điểm tháng 6 năm 2006, CPI ở khu vực thành thị đã tăng bình quân 8,57%, nghĩa là cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước (8%).

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự tăng giá mạnh như vậy tại khu vực thành thị đang là nguy cơ làm tăng chi phí đầu vào trong sản xuất, kinh doanh và hạn chế khả năng cải thiện sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, do khu vực thành thị là nơi tập trung hầu hết các cơ sở kinh tế hàng đầu của đất nước, nơi tạo ra hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

 

Nguyên nhân và giải pháp “hạ nhiệt”

Tháng 6/2007, chỉ có CPI nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình  không tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, do quỹ tiêu dùng của người dân phải ưu tiên dành cho những nhu cầu thiết yếu khác trong bối cảnh giá cả đắt đỏ hơn. Vì vậy, để “hạ nhiệt” giá tiêu dùng hiện nay, không thể chỉ đưa ra biện pháp giảm tăng đối với một vài nhóm hàng - dịch vụ, mà cần có biện pháp tổng thể để hạn chế tăng giá trong tất cả các nhóm hàng - dịch vụ thiết yếu.

Dịch cúm gia cầm hiện nay và hậu quả của dịch lở mồm, long móng gia súc mấy tháng trước là một nguyên nhân làm cho giá thực phẩm tăng cao. Nhưng đây chưa phải là tác nhân duy nhất, mà cả nhà ở - vật liệu xây dựng, phương tiện đi lại, giáo dục, dược phẩm - y tế, văn hoá - giải trí... cũng là những yếu tố đang đẩy giá tiêu dùng ngày càng gia tăng do giá xăng dầu, giá điện, giá than, giá nước sinh hoạt... đều tăng.

Theo dự báo của các chuyên gia, việc tăng giá sinh hoạt, dần dần tiến tới hội nhập mặt bằng giá khu vực và thế giới là xu thế khách quan đối với một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, để giảm tốc tăng giá, có lợi cho sản xuất, kinh doanh, không có con đường nào khác là phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cả trong sản xuất, kinh doanh và cả trong sinh hoạt công cộng. Tối ưu hoá chi phí sản xuất, kinh doanh cần được đề cao lên hàng đầu, đồng thời cần đổi mới mạnh mẽ các cuộc lễ hội và liên hoan công cộng. Đó là giải pháp có tầm quan trọng không kém so với các giải pháp phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông - vận tải...