Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu, nhằm giảm giá phân bón trong nước.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó dự kiến đề xuất điều chỉnh thuế suất MFN đối với một số mặt hàng cho phù hợp thực tiễn.
Đối với mặt hàng phân bón, theo Bộ Tài chính, thời gian qua, giá phân bón trong nước và thế giới luôn biến động và có xu hướng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thị trường phân bón, đồng thời, Bộ cũng nhận được một số kiến nghị về điều chỉnh thuế đối với mặt hàng này.
Giá các loại phân bón thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao do hầu hết nguyên liệu phải nhập khẩu và tăng giá mạnh thời gian qua. Thêm vào đó, việc khan hiếm container rỗng và thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất (như thiếu quặng apatit tuyển để sản xuất phân bón NPK) khiến giá phân bón tăng cao.
Trên thực tế, giá phân bón đã tăng cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và hàng chục triệu nông dân trong nước.
Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện, căn cứ khung thuế suất quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.
Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu sẽ có mức thuế tăng từ 0% lên 5%.
Đối với mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế xuất khẩu 5% như hiện hành.
Riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản nên Bộ Tài chính đề xuất giữ mức thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành.
Bộ Tài chính cho hay, phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính do doanh nghiệp và hải quan phải xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất thuế xuất khẩu với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu phân bón.
Năm 2021, nước ta xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón, thu về 560 triệu USD nhưng cũng chi tới 1,45 tỷ USD để nhập về 4,54 triệu tấn phân bón các loại, gấp 3 lần xuất khẩu.
Giá phân bón xuất khẩu quý I/2022 đã tăng hơn 230 USD/tấn so với giá xuất khẩu trung bình cả năm 2021, đạt 647,3 USD/tấn, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời cơ này để tăng xuất khẩu.
Thống kê của Hải quan cho thấy, 3 tháng qua, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 474.268 tấn, tăng 42,2% so với quý cùng kỳ, thu về 306,97 triệu USD, tăng 198,5%.