Vẻ đẹp tâm linh thanh tịnh
Cách Hà Nội chỉ 60 km, Hà Nam được mọi người biết đến chủ yếu do vị trí nằm cạnh Quốc lộ 1A với hai đặc sản nổi tiếng là bánh cuốn Phỷ Lý và cá kho làng Vũ Đại.
Tuy mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt khách du lịch, nhưng nếu được hỏi về lộ trình, hẳn mọi người chỉ kể được một vài địa danh khá thân quen của mảnh đất này. Bởi đa phần du khách tới đây mới chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” trong thời gian ngắn, chứ chưa thực sự nhìn thấy những sản phẩm du lịch độc đáo khác của Hà Nam.
Vì văn hóa có nhiều nét tương đồng với các vùng khác trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, nên khoảng 10 năm gần đây, tỉnh Hà Nam đã xây dựng hướng đi riêng của mình trong việc phát triển du lịch. Và hiện giờ, du lịch tâm linh chính là thế mạnh để thu hút du khách nội địa của cả vùng.
Khu du lịch Tam Chúc (Kim Bảng) với diện tích lên tới 5.100 ha chính là một điển hình. Nhiều nhà nghiên cứu phong thủy tới đây đều phải trầm trồ về thế lưng tựa vào dãy núi Thất Tinh trùng điệp, còn mặt nhìn ra hồ Tam Chúc với những đầm sen thơm ngát của vùng đất địa linh nhân kiệt này. 6 ngọn núi giữa hồ tượng trưng cho 6 tháp chuông lục nhạc kết hợp với tượng Thích Ca 2.500 tấn và chùa sen rát vàng tạo nên khung cảnh kỳ vĩ vô cùng khác biệt.
Trong tương lai, Tam Chúc sẽ kết hợp với chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Hương (Hà Tây) để tạo thành “tam giác vàng” du lịch tâm linh lớn nhất cả nước. Từ đó, tạo bước đột phá cho sự phát triển nền kinh tế của Hà Nam.
Chuyến hành trình của tôi bắt đầu với ba cụm núi nổi tiếng là núi Ngọc, núi Cấm và Bát cảnh sơn. Núi Ngọc nằm tách mình khỏi sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống để hòa mình vào tự nhiên thuần khiết. Còn núi Cấm là một ngọn núi hoang sơ đúng nghĩa, vì không có bất kỳ sự can thiệp, chặt phá nào của con người.
Nhưng nổi bật hơn cả vẫn là Bát cảnh sơn, nghĩa là dãy núi 8 cánh với 8 ngôi chùa và một ngôi đền được xây theo thuyết bát quái ngũ hành. Tiếc rằng, cho đến nay, 6 trong 8 ngôi chùa kể trên đã không còn. Tuy vậy, thế địa linh của Bát cảnh sơn vẫn chưa bị mất đi hoàn toàn. Khi những ngôi chùa còn lại hiện nay đều được cả người dân và chính quyền ra sức khôi phục và gìn giữ.
Với người dân Hà Nam, chùa Ông, chùa Tam Giáo, đền Tiên Ông linh thiêng không chỉ được nhìn nhận ở góc độ tôn giáo, tín ngưỡng, mà còn là linh hồn của lịch sử. Bởi thông qua các nét chạm khắc, sơn thếp của từng ngôi chùa, miếu, đền mà thế hệ sau mới biết được niên đại, từ niên đại suy ra cách ứng xử với thần linh của người thời xưa. Hơn cả, nó minh chứng cho ước vọng người Việt từ muôn đời.
Vì vậy, đến với các khu du lịch tâm linh của Hà Nam, nhìn chùa thấy đẹp, thấy linh thiêng là chưa đủ. Phải có người nói cho du khách về cả khía cạnh văn hóa, nghệ thuật, lịch sử nữa. Từ đó, du khách mới có thể tự đi tìm những ước vọng xa xưa của tổ tiên. Chính ước vọng ấy sẽ nhắc nhở chúng ta rằng, có tôn trọng quá khứ mới tới được tương lai.
Quần thể Bát cảnh sơn nếu được khai thác đúng hướng chắc chắn sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái - văn hoá hấp dẫn trên đất Kim Bảng, Hà Nam.
Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, ẩm thực tinh túy
Sau khi khám phá hết những điểm du lịch tâm linh trọng điểm, tôi không quên ghé vào Hang Luồn - Ao Dong, nơi được mệnh danh Tam Cốc - Bích Động của Hà Nam.
Hang Luồn - Ao Dong còn được biết đến với tên gọi là Động Thuỷ, bởi không chỉ nằm gọn trong một thung lũng nhỏ được những dãy núi xanh ngút ngàn bao bọc, mà nơi đây còn nhiều hang động huyền ảo, rộng mở theo con nước vơi đầy.
Con thuyền nhẹ nhàng trôi đưa chúng tôi đến với cửa Hang Luồn - nơi có hai quả núi đứng đối nhau thành cổng chào. Vào trong hang, có thể thấy rất nhiều khối nhũ đá với hình thù đa dạng. Cùng với tiếng róc rách của những dòng nước nhỏ chảy ra từ các vách núi, tôi có cảm giác như đang lạc vào hang động kỳ thú nào đó của Hạ Long, hay của Phong Nha - Kẻ Bàng.
Qua Hang Luồn là đến Ao Dong rộng chừng 300 mẫu (1 mẫu bằng 3.600 m2), nơi sông nước mây trời quyện vào nhau không rời. Nước Ao Dong trong vắt một màu. Do đó, ngồi trên thuyền tôi cũng có thể thấy rõ từng đàn cá tung tăng bơi lội và các thảm thực vật nhiều màu sắc kỳ lạ dưới đáy ao. Hang Luồn - Ao Dong quả là một bức tranh sơn thủy hoang sơ mà lãng mạn. Chả trách, ba bốn năm gần đây, địa điểm này dần trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách, đặc biệt từ Hà Nội.
Ngoài những hang động, những ngọn núi hùng vĩ và các ngôi chùa linh thiêng, Hà Nam còn được biết đến với món cá kho niêu đất mang tên “Cá kho làng Vũ Đại”. Sở dĩ món cá có cái tên như vậy, vì nó xuất phát từ làng Đại Hoàng, nơi sinh của nhà văn Nam Cao và cũng là quê hương của cặp nhân vật Chí Phèo - Thị Nở trong tác phẩm văn chương ăn khách của ông.
Món cá kho này có thương hiệu từ hàng trăm năm, bởi cách kho cổ truyền độc đáo chỉ làng Vũ Đại mới có, khiến thịt cá có vị thơm ngon đặc trưng, khác hẳn các vùng miền khác. Theo các hộ gia đình làm nghề, cá để kho phải là trắm đen trên 3 kg, niêu phải mua ở Nghệ An, vung niêu ở Thanh Hóa và nước mắm thì mua ở Hải Phòng.
Cá sau khi ẩm ướp những nguyên liệu gia truyền sẽ được đun liên tục bằng củi nhãn trong thời gian từ 12 - 14 tiếng. Đến khi thịt cá “đủ độ chín”, ăn thấy mềm, xương tan, không phải bỏ đi bất cứ thứ gì là hoàn thành.
Vì cầu kỳ và thanh sạch như vậy, nên cá kho ở đây không bán quá đại trà. Khách tham quan hay khách buôn bán muốn có nhiều thì phải đặt từ trước. Tôi tranh giành mãi cũng chỉ mua được 5 niêu làm quà.
Tìm hướng đi khác biệt
Nhờ có vị trí địa lý rất gần Thủ đô, chỉ mất từ 45 - 60 phút di chuyển, lại sở hữu nhiều tài nguyên du lịch phong phú như các di tích lịch sử, đền chùa, ẩm thực mang dấu ấn vùng quê chiêm trũng..., mà Hà Nam hiện còn rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch khác.
Tuy nhiên, vì chọn du lịch tâm linh làm điểm nhấn, một đặc điểm mà 2 tỉnh cận kề là Ninh Bình và Nam Định cũng đã có, nên Hà Nam cần phải xây dựng thêm du lịch thành hành trình khám phá mang dấu ấn địa phương theo cả chiều sâu và chiều rộng, để mở rộng khả năng thu hút các đối tượng khách du lịch khác.
Có như thế, những tiềm năng, vẻ đẹp tiềm ẩn của Hà Nam mới được khai thác một cách hiệu quả, qua đó thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương. Không những thế, thông qua du khách thập phương, hình ảnh Hà Nam cũng sẽ được quảng bá rộng rãi hơn, giúp địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com