Doanh nghiệp hiến kế giải pháp hút khách du lịch
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2024 diễn ra ngày 18/10/2024, các doanh nghiệp lữ hành đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng và mang tính thực tiễn cao nhằm thúc đẩy quá trình thu hút đầu tư vào du lịch của tỉnh, góp phần cải thiện hạ tầng và dịch vụ du lịch.
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó tổng giám đốc Công ty GBest nhận xét rằng, Hà Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là về hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch. Cụ thể, tỉnh còn đang thiếu khách sạn, nhà hàng… cũng như các dịch vụ du lịch bổ trợ.
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó tổng giám đốc Công ty GBest. |
Tương tự, có ý kiến cho rằng, hiện nay, phần lớn du khách đến Hà Nam chủ yếu là người miền Bắc. Do đó, tỉnh cần triển khai các chính sách mới nhằm thu hút khách du lịch từ các khu vực khác, mở rộng đối tượng du khách đến từ cả trong và ngoài nước.
Đánh giá về tiềm năng của các vùng nông thôn tại tỉnh, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Travel cho rằng, Hà Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái, đặc biệt là ở vùng trung du Bắc Bộ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ như công ty của ông vẫn gặp khó khăn do hạn chế về quy mô và tiềm lực tài chính.
Ông Tài cho biết các chính sách về đất đai và pháp luật liên quan đến việc sử dụng đất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch hiện nay còn nhiều vướng mắc, khiến doanh nghiệp khó đầu tư vào các dịch vụ du lịch như nông trại sinh thái, cắm trại hay điểm check-in thôn quê. Ông mong rằng, Hà Nam sẽ có những điều chỉnh trong quy định và chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đầu tư khai thác tiềm năng du lịch của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Travel. |
Về du lịch golf, theo quy hoạch, Hà Nam sẽ có 4 sân golf, đại diện doanh nghiệp lữ hành đặt câu hỏi trong thời gian tới, Hà Nam có kế hoạch và định hướng như thế nào để sẵn sàng đón tiếp khách du lịch golf, du lịch chất lượng cao, cũng như thu hút những dòng khách có mức chi tiêu lớn.
Giải đáp những thắc mắc, ý kiến của doanh nghiệp, đồng thời thông tin thêm về tiềm năng du lịch của tỉnh, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết vào tháng 10 này, Quốc hội sẽ thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM, trong đó có một ga đường sắt tốc độ cao đặt tại địa bàn Thành phố Phủ Lý. Việc di chuyển từ Hà Nội về Hà Nam khi đó chỉ mất khoảng 12 - 15 phút, đây là một cơ hội rất lớn để phát triển du lịch cho Hà Nam.
Một điểm nữa theo quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, dự kiến sẽ đầu tư sân bay quốc tế thứ hai của Hà Nội ở phía Nam, dự kiến đặt tại huyện Phú Xuyên hoặc Mỹ Đức, gần với tỉnh Hà Nam. Theo đó, Hà Nam được kết nối bằng các tuyến đường quốc gia và cao tốc như Quốc lộ 1, đường sắt, và đường vành đai 5 vùng Thủ đô, dự kiến sẽ triển khai vào đầu năm 2026.
Đoàn đại biểu khảo sát chùa Cây Thị. |
Chìa khóa thu hút nhà đầu tư
Về tiềm năng du lịch, Hà Nam nổi bật là một trung tâm du lịch tâm linh không chỉ ở miền Bắc mà còn ở cả Việt Nam. “Chúng tôi có nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng như chùa Tam Chúc, chùa Bà Đanh - một ngôi chùa đẹp nổi tiếng nằm bên bờ sông Đáy, và chùa Long Ngọa Sơn có từ thời Lý, nằm bên sông Châu. Bên cạnh đó, có những ngôi chùa mới như chùa Địa Tạng Phi Lai Tự, chùa Cây Thị, chùa Tiên ở khu vực Thanh Liêm.
Ngoài các chùa, chúng tôi còn có các đền nổi tiếng như đền Lê Chân, đền Trần Thương, đền Quan Lớn Đệ Tam, gắn với các nhân vật lịch sử và truyền thống văn hóa tâm linh của vùng”, ông Huy cho hay.
Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam. |
Đặc biệt, khu quần thể quốc gia Tam Chúc không chỉ nổi bật về du lịch tâm linh, mà còn có khu bảo tồn loài voọc mông trắng cùng các loài sinh vật cảnh khác, với diện tích lên tới 3.182 ha. Đây là một trong những loài động vật quý hiếm đang được bảo tồn nghiêm ngặt. Ngoài ra, vào những buổi chiều mùa thu và mùa đông, du khách có thể ngắm nhìn hàng vạn con cò bay về tổ tại khu vực này.
Về phát triển du lịch sinh thái, Hà Nam có nhiều ngọn núi đẹp, không khác gì vùng Tây Bắc, rất thích hợp cho phát triển du lịch leo núi và du lịch mạo hiểm.
Liên quan đến việc phát triển sản phẩm du lịch, ông Huy cho biết tỉnh đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến đường vành đai 5, nối khu du lịch quốc gia Tam Chúc với khu du lịch Long Ngọa Sơn, Hưng Yên, Quảng Ninh, và Hải Phòng. Đây là một tuyến đường rộng tới 331m, với hai dải đường được đào rộng ít nhất 50m để trồng các loài hoa và cây xanh, tạo cảnh quan nên thơ cho Hà Nam.
“Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam đã thông qua dự án này, và chúng tôi dự kiến khởi công vào tháng 11 năm nay, với mục tiêu hoàn thành vào giữa năm 2026. Con đường này sẽ tạo nên một cảnh quan kết nối giữa Tam Chúc và Long Ngọa Sơn, giúp phát triển du lịch đồng thời cải thiện môi trường sinh thái và khí hậu của tỉnh”, ông Huy tự hào nói.
Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 - 2026. Đến mùa xuân năm 2027, du khách sẽ chứng kiến một con đường kết hợp giữa cây xanh, mặt nước, hoa và hệ thống giao thông đồng bộ.
Về sản phẩm du lịch, tỉnh đang triển khai xây dựng các khu du lịch, khách sạn, resort cao cấp với sự tham gia của các tập đoàn lớn như Sun Group, Flamingo, BRG. Dự kiến đến năm 2026, các khu lưu trú này sẽ hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Hà Nam sẽ trở thành điểm đến đầy hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong thời gian tới. |
Về du lịch thể thao, tỉnh hiện có hai sân golf 36 hố, và sắp tới sẽ xây dựng thêm hai sân golf nữa. Chúng tôi cũng đang phát triển du lịch leo núi mạo hiểm tại khu vực Tam Chúc.
Ngoài ra, Hà Nam đang tập trung phát triển kinh tế đêm tại khu đô thị sườn chùa Tam Chúc, với các khu vui chơi, công viên ánh sáng, công viên nhạc nước, và khu ẩm thực hoạt động xuyên đêm, phục vụ cho du khách từ Hà Nội và các vùng lân cận.
Tỉnh Hà Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch. Hỗ trợ, kết nối và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tổ chức nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin, xu hướng của khách du lịch; xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp từng giai đoạn, đối tượng khách, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế.
Ngoài ra, Hà Nam cũng chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch sẽ được chú trọng thực hiện.
“Chúng tôi luôn mong đón nhận sự quan tâm và đầu tư từ các doanh nghiệp vào tỉnh Hà Nam để cùng phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, từ du lịch văn hóa, thể thao, tâm linh cho đến các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp.”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam kỳ vọng.
Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Nam với các nhà đầu tư, tập đoàn kinh doanh du lịch: Tập đoàn Sun Group; Công ty cổ phần Flamingo Redtours; Tổng công ty Du lịch Hà Nội; Công ty TNHH NN MTV Du lịch Công Đoàn Hà Nội; Công ty Du lịch Vietravel, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội; Công ty TNHH Sự kiện và Lữ hành CỘNG; Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội; Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam với Sở Du lịch Bình Định và Sở VHTTDL Hà Giang.