Quyết định hạ trần lãi suất huy động đầu tuần trước của NHNN được thị trường đón nhận khá bình thản bởi cơ sở để giảm trần lãi suất đã xuất hiện từ năm ngoái. Tuy nhiên, cũng có ý kiến quan ngại về việc người dân bị thiệt khi gửi tiền tiết kiệm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB phân tích, chỉ số CPI toàn phần đã giảm từ mức 5,5% xuống còn 4,6%. Thông thường nhu cầu đối với thực phẩm, vận chuyển và hàng gia dụng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên Đán nhưng năm nay chỉ có giá cả thực phẩm mới tăng trong khi đa số các mặt hàng cơ bản khác lại giảm nhẹ, trong đó có một số giảm mạnh. Lạm phát cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái đã hạ nhiệt từ mức 6,5% trong tháng trước xuống còn 5,9% trong tháng Hai.
“Như vậy, với tình hình giá cả thị trường và lạm phát như hiện nay, người dân không bị thiệt nếu lãi suất huy động giảm 6%/năm”, ông Tùng nói.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích: tính giới hạn tiền gửi cho đến 6 tháng, nếu người dân có số tiền nhỏ từ 5 - 10 triệu đồng sẽ không ảnh hưởng nhiều. Gửi tiết kiệm 100 triệu đồng thì 1 năm người gửi sẽ thiệt hại khoảng 1 triệu và chia cho 12 tháng là khoảng 90.000 đồng/tháng. Tương tự, nếu không hoạt động kinh doanh mà gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng sẽ thiệt 1 tháng khoảng 900,000 đồng và với 10 tỷ đồng sẽ thiệt khoảng 9 triệu đồng.
“Vấn đề ở đây là người dân có ngồi yên để mình chịu thiệt? Tôi cho rằng không. Người dân sẽ có phương án khác để bù trừ, ví dụ, chuyển sang những kỳ hạn khác cao hơn cả 7% như 18 tháng hay 24 tháng, hoặc chuyển sang kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, hiện các kênh đầu tư khác không hấp dẫn như gửi tiền tiết kiệm, bởi vàng, bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ đều có những rủi ro”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: “Thời gian vừa rồi, chúng ta chứng kiến chứng khoán tăng rất tốt nhưng hơi quá đà và quan trọng đây là cuộc chơi không dành cho người nghiệp dư”.
“Trong Báo cáo về kinh tế vĩ mô Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 3/2014, HSBC đã hạ dự báo chỉ số lạm phát năm 2014 từ mức 7,3% xuống còn 6,5% do giá cả một số mặt hàng cơ bản đang giảm và giá năng lượng tăng nhẹ. Bên cạnh đó, cũng trong tháng 3/2014, tại Cần Thơ, Thống đốc đưa ra mức dự báo lạm phát cả năm khoảng 6%. Như vậy, nhiều khả năng lạm phát sẽ ở mức 6%. Do đó, lãi suất huy động giảm 1% không không ảnh hưởng lớn tới thị trường. Có thể có sự chuyển dịch dòng tiền nhưng có lẽ chỉ chuyển dịch trong hệ thống và nếu chuyển ra lĩnh vực khác cũng không đáng kể”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc Trung tâm Quản lý nguồn SCB nêu quan điểm: “Lạm phát mục tiêu mà NHNN đề ra cho năm 2014 là 7%, nhưng CPI 2 tháng đầu năm tăng khá thấp, lạm phát cả năm có thể thấp hơn kỳ vọng. Như vậy, mức trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng hiện nay là khá phù hợp. Trong trường hợp muốn hưởng mức lãi suất cao hơn, khách hàng hoàn toàn có thể gửi các kỳ hạn dài trên 6 tháng”.
Trao đổi với ĐTCK, một số lãnh đạo ngân hàng trên địa bàn Hà Nội cho biết, sau 1 tuần hạ lãi suất huy động, tiền gửi vào ngân hàng không suy giảm nhiều mà quan trọng là có sự dịch chuyển sang các kỳ hạn dài hạn.
“Gửi tiền trên 12 tháng, lãi suất hơn 7%/năm, vẫn phù hợp cho những người có nguồn tiền gửi dài hạn và nguồn vốn này có tốc độ tăng trưởng tốt”, ông Nguyễn Tiến Đông, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết.
Báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn Hà Nội quý I/2014 cho biết, trong quý, mặc dù lãi suất huy động VND giảm nhưng dự kiến, đến 31/3/2014, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng trên 3% so với ngày 31/12/2013. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng xấp xỉ 0,2%, phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh gần 81%.
“Trong quý I, công tác huy động vốn trên địa bàn gặp nhiều thuận lợi hơn, huy động vốn thị trường I của các TCTD chiếm tỷ trọng lớn (gần 95% tổng nguồn vốn huy động) tiếp tục có xu hướng tăng mạnh so với cuối năm 2013”, lãnh đạo NHNN Chi nhánh Hà Nội nói.
Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc NHNN Việt Nam, nếu lãi suất giảm, người gửi tiền không gửi vào cũng có. Nhưng với phân tích đầy đủ của NHNN, các điều kiện của thị trường, lạm phát, đặc biệt về kỳ vọng lạm phát và khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ, mức lãi suất này vẫn khuyến khích người gửi tiền.
“Số dư tiền gửi vẫn tiếp tục gia tăng, mặc dù NHNN đã chính thức ra quyết định hạ lãi suất. Trong bối cảnh hiện nay, việc gửi tiền VND vào ngân hàng vẫn là kênh an toàn hiệu quả. Xu hướng này có thể vẫn được xã hội chấp nhận”, ông Tiến nhấn mạnh.