Báo cáo kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm của Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia (UBGS) được công bố mới đây cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong tháng 7 vẫn ở mức dồi dào. Điều này thể hiện ở mặt bằng lãi suất liên ngân hàng qua đêm tính đến ngày 18/7 là 1,11%, giảm 0,14 điểm % so với tháng 6. Đây là mức lãi suất qua đêm thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hút ròng hơn 26.000 tỷ đồng trong khoảng 3 tuần, từ ngày 1-22/7.
Nguyên nhân thanh khoản dồi dào cũng được một quan chức cao cấp của UBGS cho biết, huy động tăng cao so với cùng kỳ (tính đến cuối tháng 6/2016 tăng 10,2% so với đầu năm, cùng kỳ 2015 chỉ tăng 6%), trong khi tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương (tính đến 30/6/2015, tăng trưởng tín dụng đạt 8,16% so với đầu năm, cùng kỳ năm 2015 là 7,86%). Ngoài ra, cung tiền tăng khá mạnh (tính đến 31/5/2016, tiền gửi tiết kiệm-M2 tăng 6,77% so với cuối năm 2015, cùng kỳ 2015 tăng 3,8%) do NHNN đã bơm vào hệ thống khoảng 180.000 tỷ đồng thông qua việc mua ngoại tệ, trong khi tính đến 22/7/2016 hút ròng khoảng 116.000 tỷ đồng.
Thanh khoản dồi dào, lý do chính được thị trường cho rằng, là vì giảm được mặt bằng lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng một yếu tố song hành cũng được đề cập đến, đó là tỷ giá. Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh Ngoại hối và trái phiếu của HSBC cho biết, cơ chế tỷ giá trung tâm đã đáp ứng được mục tiêu ổn định tỷ giá và chống tình trạng “đô-la hóa”. Với sự kiện Brexit, người dân Anh ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu, tỷ giá nhanh chóng tăng lên cao, nhưng thời điểm đó, NHNN đã kịp thời đưa ra quyết sách hút bớt thanh khoản VND trên thị trường thông qua việc phát hành tín phiếu, nhằm ngăn chặn những hành vi đầu cơ trên thị trường ngoại hối. Biện pháp này nhanh chóng giúp giảm và ổn định tỷ giá.
“Với chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới dự báo có nhiều biến động như vậy, tôi cho rằng, NHNN vẫn sẽ có những biện pháp và công cụ phù hợp, nhằm đảo bảo sự ổn định của tỷ giá và nằm trong tầm kiểm soát”, ông Khoa nói.
Đặc biệt, áp lực huy động trái phiếu chính phủ là không lớn. Đến ngày 25/7, giá trị trái phiếu chính phủ huy động đạt gần 85% kế hoạch sau điều chỉnh (250.000 tỷ đồng), trong đó trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm phát hành đạt 93,2% kế hoạch (145.000 tỷ đồng) sẽ giảm thiểu gây áp lực tăng lãi suất. Trong khi đó, lạm phát được dự báo tăng so với năm trước, nhưng dự báo cả năm vẫn ở mức thấp (3,5-4%).
Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á Ngân hàng Standard Chartered dự đoán: “Lạm phát sẽ gia tăng trong 6 tháng cuối năm nay và trong năm tới. Theo dự báo của chúng tôi, so với cùng kỳ năm trước, lạm phát sẽ tăng trung bình 2,6% năm 2016 và 4% năm 2017. Chúng tôi dự đoán, lạm phát trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tăng trung bình 3,6% so với cùng kỳ, một phần do nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ và mức lạm phát thấp hồi năm ngoái. Việc giả cả hàng hóa gia tăng cũng có thể thúc đẩy lạm phát. Tuy nhiên, chúng tôi không quá quan ngại đối với việc lạm phát gia tăng trong ngắn hạn”.
Các điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho thấy đang có nhiều yếu tố thuận lợi, tuy nhiên, phải rất cẩn trọng, ông Khoa nêu quan điểm, để giảm được lãi suất cho vay, cần giảm được chi phí đầu vào. Để giảm chi phí đầu vào, cần có nguồn lãi suất thấp hơn để hạ bình quân giá vốn, hoặc giảm được nợ xấu. Về nguồn lãi suất, NHNN đang cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động hiện tại để tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong 6 tháng cuối năm nay. Theo Báo cáo của UBGS, mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng khoảng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm đã duy trì ổn định và từ tháng 4 đã từng bước được điều chỉnh giảm, dự kiến tiếp tục ổn định những tháng cuối năm.
“Nhưng chỉ trông chờ vào vốn lãi suất thấp là chưa đủ. Để giảm lãi suất cho vay bền vững và an toàn, cần giảm được nợ xấu, vốn đang được tính vào chi phí hoạt động và là một gánh nặng chi phí lớn. NHNN đang thực hiện những biện pháp linh hoạt để thực hiện hai điều này, nhưng không thể có kết quả trong một sớm một chiều, mà cần có lộ trình và thời gian”, ông Khoa nhấn mạnh.