Những con số biết nói
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” diễn ra sáng nay (ngày 25/7) tại Hà Nội, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh cầu thế giới giảm và những khó khăn nội tại của nền kinh tế… Do vậy, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của ngành Ngân hàng ở mức thấp mặc dù NHNN và cả ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
“Có thể kể đến một loạt các giải pháp NHNN và ngành Ngân hàng đã triển khai nhằm kiểm soát lạm phát ở mức thấp, giảm mặt bằng lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các TCTD”, ông Tú nói.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN phát biểu tại sự kiện |
Minh chứng cho nhận định của Phó Thống đốc thường trực, ông Đinh Ngọc Dũng, Phó giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp SHB cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, SHB đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể, SHB đã và đang triển khai nhiều giải pháp tài chính toàn diện như chương trình tín dụng với tổng quy mô lên đến 6.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp 2023 - 2024 có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh với ưu đãi giảm lãi suất đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Bên cạnh đó là sản phẩm cho vay gián tiếp nguồn vốn từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức lãi suất ưu đãi 2,16%/năm đối với vay ngắn hạn và 4,0%/năm đối với vay trung - dài hạn. Hay như sản phẩm tài trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ, là chương trình ưu đãi đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp nữ làm chủ phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
“SHB hỗ trợ 6 tháng lãi vay lên đến 10 nghìn USD đối với các doanh nghiệp có khoản vay cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Hỗ trợ 100% phí cam kết rút vốn, lên đến 10 nghìn USD đối với doanh nghiệp vay mới”, ông Dũng cho biết.
Bên cạnh giảm lãi suất, ông Dũng chia sẻ thêm, SHB còn miễn/giảm phí trả nợ trước hạn, ưu đãi các phí dịch vụ, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo thuận lợi, giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn vay ưu đãi, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
“Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay và có những trải nghiệm tốt nhất trong hành trình sử dụng sản phẩm dịch vụ tín dụng, SHB đã thiết kế các sản phẩm mới, cải tiến các sản phẩm hiện hữu phù hợp với từng ngành nghề, từng nhóm khách hàng với các tính năng nổi trội”, ông Dũng nói.
Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank thông tin, Ngân hàng đã triển khai các chương trình như hỗ trợ lãi suất cho 893 khách hàng với 7.041 giải ngân theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ. Liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 của NHNN, bà Bình thông tin, dư nợ của các giải ngân được cơ cấu là 20.187 tỷ đồng cho 474 khách hàng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Agribank đã thực hiện 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Lãi suất các khoản cho vay thông thường phát sinh mới của Agribank giảm từ 2-4%/năm so với đầu năm. Điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn. Điều chỉnh giảm tối thiểu 0,5% lãi suất cho các khách hàng hiện có dư nợ trung dài hạn bằng VND tại Agribank
Lãnh đạo BIDV thông tin, tăng trưởng tín dụng của BIDV 6 tháng đầu năm đạt 7%, hoàn thành 50% định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 được NHNN phân giao, cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng là 4,73%. Trong đó, tín dụng doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng 7,3%, tương ứng với tăng tuyệt đối 60.000 tỷ đồng. Dư nợ DNNVV chiếm 40% tổng dư nợ KHDN và cũng đạt mức tăng trưởng 7,2% trong 6 tháng đầu năm.
Cần các chính sách hỗ trợ khác thúc đẩy
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) đánh giá cao một loạt những động thái tích cực mà ngành Ngân hàng đã triển khai, thể hiện trách nhiệm và sự đồng hành với khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian qua. Các NHTM, dưới sự chỉ đạo của NHNN, cũng đã và đang có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm mặt bằng lãi suất, đưa ra các gói tín dụng ưu đãi kích cầu, thủ tục vay cũng nhanh chóng hơn nhờ đẩy mạnh số hoá...
“Những hỗ trợ thiết thực, nhất là trong lúc doanh nghiệp đang gặp khó khăn thật vô cùng cần thiết và đáng trân quý, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tiếp tục phục hồi, duy trì mọi hoạt động đầu tư, tái thiết hệ thống sản xuất kinh doanh. Bởi nguồn vốn ví như máu chảy trong cơ thể con người, máu lưu thông tốt thì cơ thể mới thực sự khoẻ mạnh và phát triển. Doanh nghiệp cũng vậy, nguồn vốn có lưu thông tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh của họ mới trơn tru, hiệu quả”, ông Vân nói.
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã đánh giá rất cao nỗ lực ngành Ngân hàng, đặc biệt là NHNN: “Phải khẳng định rằng, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, ngành Ngân hàng với Hiệp hội DNNVV đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ và tích cực trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Ông Thân cho biết, sự hỗ trợ tích cực được thể hiện ở chỗ Hiệp hội đã tham mưu và đề xuất với ngành Ngân hàng đưa ra rất nhiều chính sách, thông tư, văn bản rất cụ thể để hỗ trợ DNNVV như hoãn, giãn nợ, khoanh nợ xấu, giảm lãi suất; đồng thời đề xuất phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các chương trình hỗ trợ miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí. Có thể nói, các chính sách của ngành Ngân hàng đã đánh đúng và trúng vào những điểm nghẽn khó khăn của doanh nghiệp, sát sườn nhất đó là việc hỗ trợ nguồn vốn đối với doanh nghiệp.
“Tính hiệu quả của hoạt động này rất cụ thể khi trong số hơn 6 triệu tỷ đồng cho vay toàn nền kinh tế, thì dư nợ cho vay DNNVV đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng. Xét về tỷ lệ cho vay thì dư nợ tín dụng năm sau cao hơn năm trước”, ông Thân nói.
Tuy nhiên, ông Vân cho rằng, vấn đề đối với doanh nghiệp hôm nay không còn dừng ở bài toán nguồn vốn nữa mà điều quan trọng hơn là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, là vấn đề thị trường, đầu ra cho sản phẩm… Điều doanh nghiệp cần hiện nay, bên cạnh hỗ trợ tiếp sức từ ngân hàng, là các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hoá, sản phẩm. Đặc biệt với những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới…
Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Vân mong muốn trong điều hành chính sách tài khóa sẽ có thêm sự chủ động, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra. Ngoài ra, chính sách tài khóa phối hợp với chính sách tiền tệ nhuần nhuyễn hơn để vừa kiểm soát lạm phát, vừa tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho chính sách tiền tệ.
"Qua đó giúp doanh nghiệp cùng hệ thống ngân hàng thương mại phát triển bền vững, góp phần xây dựng đất nước ngày thêm hùng cường, cùng “qua cơn bĩ cực để tới hồi thái lai”, ông Vân nói.
Đồng quan điểm, ông Thân nhấn mạnh thêm: “Chính sách tài khoá cần phải có quy định rất rõ ràng, mạch lạc. Việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của hoạt động “hậu kiểm” vẫn có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn. Do vậy, để DNNVV tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách dễ dàng, thuận lợi hơn thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán.