Giảm lãi suất: Cần nhưng chưa đủ với doanh nghiệp lúc này
Gián tiếp tạo vốn rẻ để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho rằng: “Hạ lãi suất điềuhành là động thái cần thiết vào lúc này. Mục đích quan trọng nhất là hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng có nguồn lực tài chính để khoanh nợ, giãn nợ, cho vay lãi suất thấp với doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch cúm Covid – 19. Dù hạ lãi suất có ý nghĩa nới lỏng, song tác động nới lỏng không lớn.
Trên thực tế, vì tăng trưởng tín dụng 2 tháng chỉ tăng 0,1%, thanh khoản của các ngân hàng dồi dào, lãi suất liên ngân hàng rất thấp. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang giảm nên giảm lãi suất điều hành thời điểm này không nhằm mục đích kích cầu mà chủ yếu là để gián tiếp tạo nguồn vốn rẻ cho ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn khó khăn này. Nói cách khác, hạ lãi suất không tác động tiêu cực đến vĩ mô, không làm tăng lạm phát".
Thực tế, sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại chỉ giảm nhẹ. Đồng thời, các ngân hàng cũng đang tích cực triển khai các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid -19.
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng- dù giảm lãi suất điều hành, song cơ bản, NHNN vẫn duy trì quan điểm thận trọng, lấy ổn định vĩ mô làm đầu.
NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ tổ chức tín dụng trong trường hợp cần tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát, NHNN giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (lãi suất trên 6 tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận) sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn, qua đó, tổ chức tín dụng thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
- Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN
“NHNN giảm mạnh lãi suất tái cấp vốn cho thấy nhà điều hành sẵn sàng cung ứng nguồn vốn chi phí thấp hơn để các NHTM mạnh dạn hơn trong cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới. Tuy nhiên, mức giảm cho thấy NHNN vẫn thận trọng với kiểm soát lạm phát, vẫn để lại ra dư địa nhất định để kiểm soát tình hình, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”, TS. Võ Trí Thành nhận xét.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng khẳng định: “Quan điểm điều hành của NHNN là hỗ trợ giảm lãi suất đối với các nhu cầu vay vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng”.
Chính sách tài khóa cần ra tay mạnh hơn
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mức độ giảm lãi suất hiện nay của NHNN là hợp lý, vừa đảm bảo lãi suất thực dương song vẫn hỗ trợ tối đa thanh khoản cho các ngân hàng. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ luôn cần độ trễ để tác động đến doanh nghiệp trong khi nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng mất thanh khoản tạm thời, cần "cấp cứu" ngay.
Chính vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngay lúc này, bên cạnh giảm lãi suất, cần thêm sự trợ lực của chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
“Cần có những gói cứu trợ nhanh, mạnh hơn từ tài khóa, không chỉ giãn thuế, giảm thuế. Vì hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang cần gấp nguồn tiền để trả lương cho người lao động, thanh toán cho đối tác, trả nợ ngân hàng và hàng loạt chi phí khác”, ông Hiếu nói.
Chung nhận định, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, ảnh hưởng bởi Covid 19 có thể sẽ nghiêm trọng hơn khủng hoảng năm 2008. Do đó, ông Tín cho rằng, bên cạnh giảm lãi suất, cần tiến hành ngay các giải pháp tài khóa – vốn có tác dụng tức thì- để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid 19.