Hạ lãi suất, chứng khoán chưa lên

Hạ lãi suất, chứng khoán chưa lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index thường tăng mạnh sau các đợt giảm lãi suất điều hành, nhưng tình hình thị trường năm nay có vẻ khác lạ.

Nới lỏng chính sách tiền tệ

Ngày 23/5/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định hạ lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25/5/2023. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ trung tuần tháng 3/2023 tới nay, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành, hai lần trước là ngày 14/3 và 31/3 (có hiệu lực từ ngày 15/3 và 3/4).

Có thể thấy, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã đổi chiều từ thắt chặt sang nới lỏng.

Thị trường chứng khoán vẫn “ì”

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, khi chính sách tiền tệ chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng, thị trường chứng khoán sẽ đi lên. Thế nhưng, từ giữa tháng 3/2023 đến nay đã ba lần thông tin hạ lãi suất điều hành được công bố, tại sao thị trường chưa tăng mạnh?

VN-Index thường tăng mạnh sau các đợt giảm lãi suất điều hành.

VN-Index thường tăng mạnh sau các đợt giảm lãi suất điều hành.

Có thể lý giải thực tế này dưới nhiều góc nhìn như kết quả kinh doanh quý I/2023 sụt giảm, triển vọng quý II/2023 tiếp tục khó khăn, kinh tế chậm lại làm dòng tiền e ngại…

Về kết quả kinh doanh, thống kê của Wigroup cho thấy, quý cuối năm 2022 và quý đầu năm 2023 đều rất tiêu cực. Cụ thể, quý IV/2022, tổng lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp giảm 30%; quý I/2023 tiếp tục gây thất vọng khi lợi nhuận giảm 21,3% so với cùng kỳ.

Trong quý I/2023, tổng lãi ròng các nhóm ngành đạt 89.700 tỷ đồng, giảm 19,6% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành ngân hàng giảm 4,8%, hóa chất giảm 62,9%, dịch vụ tài chính giảm 62,1%...

Theo dự phóng của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, phải sang nửa cuối năm 2023, tình hình lợi nhuận các doanh nghiệp mới tích cực trở lại.

Bản chất của thị trường chứng khoán là giá của cổ phiếu tăng xuất phát từ tăng trưởng trong doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong bối cảnh kết quả kinh doanh đi xuống, dù lãi suất điều hành giảm thì dòng tiền vẫn e ngại, thiếu động lực để chảy vào kênh đầu tư chứng khoán.

Khi kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại, dòng tiền mới có khả năng sẽ chảy vào thị trường chứng khoán. Kỳ vọng, thời điểm đó là cuối năm 2023 và năm 2024, xuất phát từ hai yếu tố: kết quả kinh doanh hồi phục và tăng trưởng trở lại cùng môi trường lãi suất thấp.

Chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, hiện tại, VN-Index đang đi tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, với biên độ hẹp dần. Thị trường đang ở cận trên của kênh dao động, cùng với việc khối ngoại có động thái bán ròng nên dòng tiền trên thị trường khá yếu, chỉ số khó có thể bứt phá.

Cơ hội theo nhóm ngành và kỳ vọng chu kỳ lớn

Việc hạ lãi suất sẽ có tác động tích cực tới một số nhóm ngành như doanh nghiệp bất động sản vay nhiều có điều kiện để giảm chi phí vốn vay, nhóm đầu tư công có đặc thù là tỷ lệ đòn bẩy cao giảm được áp lực nợ vay, ngành chứng khoán được hưởng lợi khi xu hướng thị trường tích cực hơn lúc lãi suất cao. Ngược lại, trong ngắn hạn, nhóm ngân hàng gặp bất lợi là biên lãi ròng có thể bị thu hẹp.

Thị trường đang lình xình, nhưng các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội sinh lời an toàn không nên nhìn ngắn hạn, mà hãy nhìn dài hạn và nhìn vào chu kỳ thị trường. Khi lãi suất giảm, thị trường sẽ tăng nếu xét đến dài hạn. Trong ngắn hạn, các thông tin lãi suất giảm không giúp thị trường bật tăng ngay một phần là do thông tin đã được dự báo và lan truyền trên thị trường từ trước, khiến nhà đầu tư cảm thấy bình thường khi thông tin được công bố chính thức.

Nhưng để hiểu được thị trường sẽ ra sao khi lãi suất giảm, không chỉ xem một hai phiên và vội đi đến kết luận, mà cần làm hai việc: một là, xem lại quá khứ các lần giảm lãi suất trước đó; hai là, xác định thị trường đang ở đâu trong chu kỳ lớn.

Biến động lãi suất điều hành và diễn biến VN-INdex.

Biến động lãi suất điều hành và diễn biến VN-INdex.

Nhìn lại 5 đợt giảm lãi suất trong giai đoạn 2012 - 2020, ký hiệu lần lượt là A, B, C, D, E.

(A): từ tháng 11/2012 đến tháng 5/2013, lãi suất chiết khấu giảm từ 8%/năm xuống 5%/năm. Thị trường tạo đáy dài hạn vào tháng 11/2012 và tạo đỉnh vào tháng 8/2014, đạt mức tăng 70%.

(B): tháng 3/2014, lãi suất chiết khấu giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm, thị trường đến tháng 8/2014 tăng 7%.

(C): tháng 7/2017, lãi suất chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm, thị trường đến tháng 4/2018 tăng 57%.

(D): tháng 9/2019, lãi suất chiết khấu giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm, thị trường gần như đi ngang cho đến hết năm 2019. Đây là lần duy nhất việc tăng lãi suất không có ảnh hưởng tích cực tới thị trường chứng khoán.

(E): tháng 3, tháng 5 và tháng 10/2020, lãi suất chiết khấu giảm từ 4%/năm xuống 2,5%/năm, thị trường tạo đáy vào cuối tháng 3/2020, sau đó có sóng tăng mạnh mẽ, ghi nhận mức tăng 130% cho đến tháng 4/2022. Không ít cổ phiếu như HPG, SSI, TCB… tăng bằng lần.

Có thể thấy, tương quan giữa việc hạ lãi suất điều hành và VN-Index tăng là khá tương đồng.

Lợi nhuận sau thuế toàn thị trường chứng khoán theo quý. Nguồn: Wigroup.

Lợi nhuận sau thuế toàn thị trường chứng khoán theo quý. Nguồn: Wigroup.

Để hiểu thông tin ảnh hưởng lên thị trường ra sao, chúng ta phải nhìn theo chiều dài của thị trường, có nghĩa là thông tin lãi suất sẽ ảnh hưởng tới thị trường theo tháng hoặc năm, chứ không chỉ dừng lại ở một vài phiên. Trong dài hạn từ 1 - 2 năm, lãi suất giảm luôn là yếu tố giúp thị trường chứng khoán đi lên.

Nhìn vào chu kỳ lớn của thị trường, kinh tế Việt Nam đang ở cuối chu kỳ suy thoái, thể hiện qua các tiêu chí như hoạt động kinh tế suy yếu, thị trường bất động sản “đóng băng”, thất nghiệp tăng, tín dụng tăng chậm, lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống…

Xét chu kỳ thị trường, theo Dragon Capital, thị trường chứng khoán Việt Nam sau giai đoạn giảm giá và tạo đáy đã bước đầu bước sang giai đoạn phục hồi, nhưng chưa có kỳ vọng lợi nhuận rõ nét nên VN-Index chưa tăng điểm.

Tin bài liên quan