Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, giảm lãi suất là mục tiêu đặt ra trong 2 năm nay của NHNN, tuy nhiên, việc giảm tới đâu còn phụ thuộc vào diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô. Hiện tại, cứ 10-15 ngày, NHNN lại phân tích đánh giá một lần về tình hình lãi suất, nên bất kỳ khi nào có cơ hội, sẽ tiến hành giảm lãi suất, song cũng tránh tình trạng giật cục, gây mất ổn định cho nền kinh tế.
“DN hãy yên tâm, tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là thị trường tín dụng, sẽ tiếp tục ổn định ít nhất là trong năm nay. Theo đó, mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định. Nếu có điều kiện, lãi suất cho vay trong từng lĩnh vực khác nhau sẽ giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm, có lĩnh vực từ 1 - 2 điểm phần trăm, làm sao để cả năm có thể giảm được từ 1,5 - 2 điểm phần trăm đối với mặt bằng lãi suất cho vay của các loại kỳ hạn”, Thống đốc nhấn mạnh.
Trước thông điệp này, khá nhiều ý kiến băn khoăn về việc hạ lãi suất cho vay, không hạ lãi suất huy động, liệu có phải là nhiệm vụ bất khả thi của hệ thống ngân hàng. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank nêu quan điểm: “Nếu không hạ lãi suất huy động nhưng vẫn hạ lãi suất cho vay thì: thứ nhất, các ngân hàng tiếp tục tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào khác; thứ hai, tăng cường thu dịch vụ khác để bù đắp nguồn thu; thứ ba, hạ chỉ tiêu lợi nhuận…”.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT SeABank cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay là điều kiện quan trọng để hỗ trợ DN và tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đều mong muốn có được các khách hàng tốt, có năng lực sản xuất - kinh doanh. Các ngân hàng sẵn sàng áp dụng một biên lãi suất thấp để tạo điều kiện cho DN ổn định duy trì, phát triển kinh doanh.
“Nếu các quý vị đại biểu tại Hội nghị có các khách hàng tốt, xin hãy giới thiệu cho SeAbank, chúng tôi sẵn sàng cho vay từ 8 - 10%/năm là tối đa”, bà Nga nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho rằng, hạ lãi suất cho vay mà không hạ lãi suất huy động sẽ khiến các ngân hàng ít lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, chủ trương hạ lãi suất cho vay của NHNN sẽ áp dụng cho một số lĩnh vực ưu tiên, còn về tổng thể phải theo thị trường
Thực tế, tại Hội nghị, Thống đốc NHNN cũng đã cho biết, lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao so với khả năng của DN, tuy nhiên, hoạt động của cả hệ thống NHTM đều phải theo cơ chế thị trường. Do vậy, đòi hỏi các cấp chính quyền cần có thêm chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN, làm sao có thể đẩy mạnh các chương trình kết nối giữa DN với chính quyền địa phương và tổ chức tín dụng đang trực tiếp hỗ trợ DN đó.
“Tại TP. HCM, nhiều DN có triển vọng vẫn kêu lãi suất cao, muốn hạ nhưng ngân hàng không thể hạ thêm được nữa. Trước tình hình này, ngay lập tức, chính quyền địa phương ra quyết định hỗ trợ thêm 2 - 3 điểm phần trăm lãi suất, như vậy, DN mới có thể tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất”, ông Bình cho biết.
Ông Nguyễn Đức Hưởng cảnh báo, nếu không tiết kiệm tối đa chi phí, tăng cường thu dịch vụ khác, hạ chỉ tiêu lợi nhuận, sẽ dẫn đến những khó khăn buộc các NHTM phải hạ lãi suất huy động. Tuy nhiên, lãi suất huy động hạ đến mức người gửi không quan tâm nữa thì rất dễ xảy ra tình trạng bẫy thanh khoản, một chu kỳ xấu thường gặp ở hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua.
“Dư luận vẫn ngộ nhận lãi suất cho vay cao là vấn đề chính ảnh hưởng đến DN, nhưng thực tế, nút thắt chính là đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp, là vấn đề kích cầu”, ông Hưởng nhấn mạnh.
Để tăng sức cầu trên thị trường, bà Nguyễn Thị Nga kiến nghị, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư của Nhà nước, nhất là những dự án sử dụng trái phiếu chính phủ, như một động lực của nền kinh tế trong ngắn hạn, từ đó kéo theo các nhu cầu đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách DN nhà nước gắn với việc tăng cường năng lực tài chính, xử lý nợ xấu ở các ngân hàng.