Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Hạ lãi suất cho vay, không cần cho tất cả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh giảm lãi suất cho vay với hạn mức khác nhau đối với từng loại hình doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng còn cơ cấu lại khoản nợ, khoản lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ, nhưng các doanh nghiệp vẫn cần nhiều hơn thế!

Giảm lãi suất cho vay đạt khoảng 18.830 tỷ đồng

Đầu tháng 8/2021, một ngân hàng lớn có vốn nhà nước đã có công văn gửi nội bộ về việc hạ “lãi suất đầu nguồn” 0,2 điểm phần trăm/năm. Động thái này được nhìn nhận nhằm hỗ trợ các chi nhánh trong việc hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp. Nói cách khác, ngân hàng trao quyền cho giám đốc các chi nhánh xem xét, quyết định, chịu trách nhiệm về việc hạ lãi suất cho vay tới khách hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng thương mại cho biết, các ngân hàng có sẵn biểu lãi suất cho vay đối với từng ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng doanh nghiệp cụ thể, theo đó, cán bộ tín dụng sẽ tham chiếu trên biểu lãi suất để thực hiện hoạt động nghiệp vụ. Trường hợp tại ngân hàng trên, với việc được hạ lãi suất đầu nguồn, giám đốc chi nhánh sẽ quyết định hạ thêm lãi suất là 0,2%/năm so với biểu lãi suất sẵn có, rồi triển khai trực tiếp trong hạn mức được phép, hoặc làm hồ sơ trình Hội đồng Phê duyệt tín dụng tập trung nếu vượt hạn mức.

Nhiều doanh nghiệp đang “trầy da tróc vảy” trong nỗ lực làm thế nào để cầm cự vận hành do bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.

Liên quan đến giảm lãi suất, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, tính đến 22/7/2021, Ngân hàng đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 như sau: dư nợ miễn, giảm lãi cho 1.465 khách hàng là 3.653 tỷ đồng; doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt trên 250.000 tỷ đồng, với khoảng 50.000 khách hàng.

Trong đó, doanh số giải ngân cho vay ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô 200.000 tỷ đồng đạt khoảng 101.000 tỷ đồng, số lãi thực giảm cho vay khách hàng khoảng 600 tỷ đồng, tương đương mức giảm tối đa 2,5%/năm so với lãi suất thông thường.

Ngày 14/7/2021, Agribank quyết định tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm khách hàng còn dư nợ tại ngày 15/7/2021 và khách hàng phát sinh dư nợ từ ngày 16/7/2021 đến 31/12/2021, dự kiến sẽ làm giảm lợi nhuận của Ngân hàng 5.500 - 6.000 tỷ đồng.

Một lãnh đạo cao cấp VIB chia sẻ, ngay từ năm 2020, Ngân hàng đã triển khai nhiều gói hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, giữa tháng 7/2021, VIB triển khai giảm lãi suất trung bình 1,5%/năm cho hơn 8.500 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Theo ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp tài chính doanh nghiệp, Techcombank, chủ trương của Ngân hàng là ưu tiên giảm lãi suất cho vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với khách hàng cũ, mức giảm tối đa là 1,5%/năm; với khách hàng mới, mức giảm tối đa 1%/năm.

Techcombank tập trung giảm lãi suất bằng cách tăng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), bên cạnh đó, Ngân hàng tối ưu hóa các nguồn tiền huy động. Năm ngoái, Techcombank đã vay 500 triệu USD vốn nước ngoài. Trong năm nay, Ngân hàng sẽ tiếp tục vay vốn ngoại, thời hạn từ 3 - 5 năm, với lãi suất thấp, có thể thấp hơn lãi suất huy động dân cư kỳ hạn 1 - 3 tháng.

“Techcombank thực hiện chiến lược này giúp Ngân hàng có dư địa để giảm lãi suất cho khách hàng mà không ảnh hưởng nhiều tới biên lãi ròng (NIM)”, ông Hà nói.

Số liệu thống kê sơ bộ từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính chung tất cả các khoản đã giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ hay khoản vay mới, tổng số khoản lãi được giảm cho các doanh nghiệp khoảng 18.830 tỷ đồng.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh

Những ngày qua, thị trường khá ồn ào về văn bản của một doanh nghiệp thủy sản lớn từ chối nhận mức lãi suất hỗ trợ của ngân hàng.

“Câu chuyện này không có gì phải ồn ào, bởi nhu cầu của mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Doanh nghiệp này trong nhóm 10 doanh nghiệp thủy sản lớn cả nước nên có sự tự tin nhất định, chứ rất nhiều doanh nghiệp khác đang “trầy da tróc vảy” trong nỗ lực làm thế nào để cầm cự vận hành”, một lãnh đạo Hiệp hội Thủy sản An Giang nhận xét.

Nhu cầu được hạ lãi vay hiện đang rất lớn do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch. Theo ông Trần Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư IDI tại Hà Tĩnh chia sẻ, doanh nghiệp ông vay vốn tại Agribank, Vietcombank, vừa được Ngân hàng thông báo hạ lãi suất cho vay từ 9,9%/năm xuống 8,0%/năm.

“Với một doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi, mức hạ lãi suất này giúp giảm 15% chi phí tài chính, như liều “doping” giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, đi qua đại dịch”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Nhưng trong cuộc trao đổi giữa Đầu tư Chứng khoán với giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp tại Bắc Ninh, trong việc phục hồi sản xuất - kinh doanh, vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để có dòng tiền ra - vào, theo đó, câu chuyện cấp thiết là cơ cấu lại nợ xấu.

“Doanh nghiệp đang vướng những món vay cũ chưa thể giải quyết được do dịch bệnh. Do vậy, để có thể vay được tiền nhằm phục hồi sản xuất - kinh doanh, trước tiên, chúng tôi cần phải được cơ cấu lại các khoản nợ cũ”, vị giám đốc doanh nghiệp tại Bắc Ninh cho biết.

Giám đốc một công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp lạnh tại miền Đông Nam Bộ lại có mong muốn khác, đó là hỗ trợ chi phí vận hành, bởi đây là khoản chi rất lớn.

“Đặt giả thiết doanh nghiệp vay ngân hàng 100 tỷ đồng, với mức hỗ trợ lãi suất 1% có nghĩa doanh nghiệp được giảm 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, riêng tiền điện cho một tháng để vận hành doanh nghiệp có khi cũng đã lên đến 1 tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ giảm chi phí vận hành, cụ thể ở đây là tiền điện, chứ không cần hỗ trợ hạ lãi suất cho vay”, vị giám đốc doanh nghiệp trên nói.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Việt Ân tại Đồng Nai cho hay: “Doanh nghiệp bố trí sản xuất 3 tại chỗ cho người lao động, nhưng vô cùng khó khăn để xuất được hàng đi. Nguồn thu không có, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho nhân viên. Doanh nghiệp chúng tôi đang cố gắng cầm cự, mong rằng có sự hỗ trợ về an sinh xã hội kịp thời”.

Về vấn đề này, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ đồng năm ngoái, gói hỗ trợ an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng năm nay đã đi vào cuộc sống khẩn trương hơn và giải ngân khá tích cực. Ở góc độ của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo và phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai quyết liệt, với tinh thần vướng mắc đâu, tháo gỡ đó.

Sau 2 tuần kể từ khi hoàn thiện cơ chế của khoản tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng, lãi suất 0%/năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nguồn vốn cho vay, đơn vị này đã giải ngân được gần 150 tỷ đồng.

“Ngân hàng Nhà nước rất mong có sự phối hợp của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương nơi trực tiếp quản lý doanh nghiệp hoạt động, hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực triển khai chính sách trả lương người lao động do ngừng việc bởi dịch bệnh, đảm bảo giải ngân đúng đối tượng, hiệu quả”, ông Tú nói.

Tin bài liên quan