Điều mong mỏi nhất trong hành trình đến với Hà Giang của tôi không chỉ là để hiểu thêm về lịch sử đất nước mình, mà còn là để biết thêm về con đường Hạnh Phúc, biết tụi nhỏ ở đây có nụ cười lạ, biết Nhà của Pao và biết vì sao vùng đất này lại đáng để đặt chân đến như vậy!
Những tâm tình gửi vào trong đá
Chúng tôi đến Hà Giang theo tiếng gọi của một dự án du lịch mang tên “Lên dường đi”, nhằm giúp người trẻ Việt Nam có một hình dung rõ ràng nhất về vị trí đất nước mình trên bản đồ du lịch thế giới.
Ngay giây phút đầu tiên đặt chân đến Hà Giang, tôi đã biết mảnh đất này là để dành cho những người yêu cuộc sống thanh bình và giản dị. Nhưng tôi không thể ngờ rằng, mình lại được tận hưởng một buổi chiều êm đẹp “sống chậm” đúng nghĩa như thế ở Cao nguyên đá Đồng Văn.
Chạm đến Cao nguyên khi trời đã xế chiều, ánh nắng chỉ còn vài tia nhỏ lay lắt xuyên qua mỏm núi đằng xa, chiếu xuống những khe nứt sâu và hẹp phía dưới. Từ trên cao nhìn xuống là rất nhiều căn nhà cheo leo lưng chừng núi của đồng bào Mông, là những thửa ruộng bậc thang trải dài triền dốc, là những đồi hoa đang trổ bông rực rỡ sắc màu. Dòng sông Nho Quế hiền hòa, lặng lẽ trôi “như một nỗi niềm chảy về từ cổ tích”.
Những cơn gió thơm thảo đưa mùi khói bếp nhà ai nhẹ nhàng len lỏi vào tâm trí con người. Tháng 4 ấy Hà Giang đang là mùa nước đổ, khung cảnh không được tô điểm bởi ruộng lúa xanh rì hay vàng ươm màu lúa chín, nhưng Cao nguyên Đồng Văn vẫn đẹp ngỡ ngàng trong mờ mịt khói sương.
Với Hà Giang, có lẽ tôi là một du khách đến muộn. Bởi hình hài, dáng vẻ già nua, đường bệ, vững chãi cắm sâu vào lòng đất của cao nguyên đá đã được thiên nhiên và con người nơi đây cùng nhào nặn nên từ hàng ngàn năm về trước.
Mỗi mỏn đá tai mèo nhọn hoắt đều in hằn dấu chân thời gian, y như những tảng cự thạch khổng lồ kiêu hãnh ở Vương quốc Anh - một biểu tượng mạnh mẽ của nền văn minh châu Âu đã phát triển rực rỡ từ thời Trung Cổ. Nếu xét trên bình diện lịch sử, thì Cao nguyên Đồng Văn cũng xứng đáng là một biểu tượng bất diệt cho sức sống văn hóa lâu bền ở Hà Giang - nơi chim bay 2 lần gãy cánh mới đến được.
Không giống đá ở vùng đất khác, đá trên Cao nguyên Đồng Văn rất hiền hòa, cùng với con người ngày đêm vun vén cho những vụ mùa bội thu. Mỗi năm, đá sẽ vươn mình cao lên một chút, để hở ra thêm nhiều hốc đất trồng cây. Hạt giống được con người gieo xuống vào mùa khô và khi những cơn mưa đầu mùa trút nước, đá sẽ hoàn thành tất cả những công đoạn còn lại: ủ ấm cho hạt trổ mầm, cho vụ mùa tốt tươi, cho những nụ cười cứ thế nở mãi trên đôi môi bé nhỏ của con người - những người sống trong đá, chết cũng vùi trong đá.
Đứng trên cao nguyên lộng gió, chưa bao giờ tôi thấy mình lại chìm đắm vào một cõi nào kỳ diệu đến thế, nơi đá có hồn, có gốc gác và biết nhớ thương như con người.
Những đêm nằm trên Cao nguyên Đồng Văn, tôi như được tiếp sức bởi một nguồn lực vô hình, lắng nghe được cả tiếng thì thầm vọng ra từ vách đá. Chúng kể cho nhau nghe về nhiều câu chuyện, nhiều nỗi nhớ thương mà con người đã gửi gắm vào đây từ hàng triệu triệu năm.
Hà Giang - Thành phố sống chậm và những “nỗi cô đơn” rất đẹp
Với Hà Giang, trước khi Facebook hay Twitter tồn tại và phổ biến rộng rãi những hình ảnh về nó, thì từng mỏm đá, chợ phiên, chợ tình, những vùng đồi ngập tràn hoa tam giác mạch đã đóng vai trò của một mạng xã hội thực sự ăn sâu bén rễ trong lòng họ, là nơi người Hà Giang trao gửi những tâm tình.
Không giống như các mỏ vàng du lịch khác, nơi này khách lạ toàn quyền điều khiển nhịp sống của mình, còn người dân bản địa vẫn bình thản sống cuộc đời của họ - nơi người ta “sống trong đá, chết vùi trong đá”.
Nhiều đứa trẻ người Mông tuổi chỉ chừng 3 - 4 tuổi, có khi cơm không đủ no, áo không đủ ấm, chưa một lần tới trường, nhưng rất lễ phép đưa hai tay ra xin kẹo khi được người lớn cho và nói cảm ơn. Ba bốn đứa trẻ vứt cả xe đạp giữa đường tranh nhau từng mẩu bánh, ánh mắt toát lên vẻ hồn nhiên với một nụ cười lạ.
Nụ cười ấy đủ khiến vị khách qua đường như tôi nhớ thương mảnh đất này quay quắt trong nhiều đêm về lại chốn phồn hoa phố thị. Hà Giang - thành phố sống chậm nhất thế gian với những nỗi cô đơn rất đẹp.
Giữa Quảng Bạ - Yên Minh hay đường lên Đồng Văn, đâu đâu cũng là đèo, vài ba cây số mới bắt gặp một ngôi nhà. Khác với người Mông nằm sâu trong cao nguyên đá vẫn ở nhà tranh vách đất, người dân ở quãng này đã biết chăn thả nhiều đàn dê, trồng những thửa ruộng bậc thang dài vài ba con dốc để sắm những chiếc xe máy làm phương tiện đi họp chợ phiên mỗi tuần.
Dần dà, họ cũng quen với nhịp sống hiện đại của khách du lịch phương xa, nhưng văn hóa bản địa không vì vậy mà biến mất hoàn toàn. Tuy nhà tầng, mái lợp tôn xanh xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng những mái nhà trình tường - một nét văn hóa tiêu biểu của Hà Giang hàng trăm năm tuổi vẫn được bảo tồn và gìn giữ cẩn thận
Những ngôi nhà trình tường được dựng trên nền đất phẳng, thế tựa vào núi, lợp ngói âm dương, kèo và cửa làm bằng gỗ. Nhà có 3 gian chính và 2 cửa ra vào, hàng rào xung quanh dựng lên bằng đá chắc chắn và trồng nhiều cây như đào, mận, lê.
Trước một ngôi nhà trình tường 300 năm tuổi, đã hằn rõ nhiều dấu viết thời gian, tôi tự chiêm nghiệm được một điều, hóa ra không phải cảnh vật, mà chính con người mới tạo cho Hà Giang cái nét đẹp riêng biệt, quyến rũ đến như vậy - nét tươi sáng, tràn đầy nhựa sống của bông hoa rừng địa đầu Tổ quốc.
“Chẳng lẽ không còn gì để nhìn ngắm, để khám phá và thưởng thức ở Hà Giang ngoài chụp ảnh hoa tam giác mạch, thăm cột cờ Lũng Cú, đổ đèo ở Mã Pí Lèng và chụp ảnh ở mỏm đá nhìn xuống dòng sông Nho Quế nữa?”. Tôi đã vu vơ hỏi một anh người Mông như vậy khi dừng lại ở quán nước ven đường uống trà.
“Không không, Hà Giang còn đa dạng hơn thế”, anh xua tay và nói.
Nếu chưa biết món rượu ngô thơm lừng nương rẫy, nhấp một ngụm say cảnh sắc đất trời, nhấp hai ngụm say cô gái người Mông, nhấp 3 ngụm chân lạc bước không muốn về lại chốn phồn hoa phố thị, thì quả thực chuyến đi tới Hà Giang của bạn chưa trọn vẹn.
Anh cũng bảo rằng, rượu này ngon nhất là ăn cùng bánh tam giác mạch. Thực sự thì các hàng quán bán hai loại đặc sản này có thể tìm thấy rất rất nhiều ở Hà Giang, nhưng rượu ngô và tam giác mạch ở Đồng Văn nổi tiếng hơn cả. Chỉ có cao nguyên với khí hậu ôn hòa mới hội tụ đủ nắng, gió và sương đêm để cho những bắp ngô làm rượu thơm ngon và phong phú nhất.
Bên bếp lửa đỏ rực, nồi lẩu thắng cố sôi ùng ục, nhấc vài ba ly rượu ngô, cắn một miếng bánh tam giác mạch mới ra lò, bạn sẽ có được cảm nhận của tôi khi ấy, không cần đến chợ tình mà thấy lòng mình cũng đã “say”.
Ông tiến sỹ đi cùng đoàn với tôi mái tóc đã bạc, trầm ngâm kể lại sự tích của nàng tiên mang hoa tam giác mạch đến gieo trồng ở đây.
Ngày xửa ngày xưa, có nàng Tiên Ngô và Tiên Gạo có nhiệm vụ rải hạt giống cây khắp nơi trên trái đất, mỗi vùng thả những đặc trưng riêng, nhưng khi nàng bay đến cao nguyên này thì cả túi hạt giống rơi hết xuống. Gặp khí hậu ôn hòa, các loại trái cây của núi rừng cứ thế mọc lên tươi tốt. Trong đó, có một loài hoa li ti, nở màu hồng nhạt, hương thơm ngào ngạt khắp mấy quả đồi, khi kết hạt ăn bùi không kém gì lúa ngô, lá cây có hình tam giác nên từ đó được gọi là tam giác mạch.
Tam giác mạch nhỏ bé đã giúp bản làng tồn tại qua bao nhiêu năm mất mùa, để cái bụng ngủ yên không còn khóc lóc đòi ăn, để khói bếp người Mông lại bay lên trên những ngôi nhà trình.
Ông bảo, có nhiều truyền thuyết về hoa tam giác mạch lắm, nhưng ông chỉ tin có một câu chuyện này, vì nó có phần nào cổ tích, mà cổ tích thì hồn nhiên.
Chất người Hà Giang cũng hồn nhiên như vậy!
Trước đây, hoa tam giác mạch chỉ được trồng ở những nơi khuất người qua để các nàng tiên về thăm lại vườn hoa của họ và lắng nghe lời nguyện cầu của con người. Vài năm trở lại đây, du lịch phát triển, người ta đem tam giác mạch đến các điểm thăm quan trồng thành vườn hoa, nên trong khe núi, đặc sản riêng có giờ chỉ là dưa mèo, mận rừng, cam… Người dân bày bán những loại quả này bên các túp lều tạm ven đường với niềm tự hào về một mảnh đất Hà Giang trù phú.
Hơn 4 ngày 3 đêm rong ruổi khắp các nẻo đường, khi thì phải đổ cua trên những con đèo gấp khúc, khi thì lao dốc với tốc độ cao và nhiều lúc phải chậm rãi bò lên đỉnh núi, chúng tôi mới thấm nhuần hết câu nói: “Để điều khiển được xe cộ ở đây, người lái xe cần phải có bản lĩnh thực sự”.
Rừng núi lúc nào cũng lặng như tờ, hiếm lắm trong lòng núi mới vọng ra một thứ âm thanh huyền ảo, khung cảnh ma mị như vậy dễ làm thần kinh con người rơi vào trạng thái lãng quên, thiên nhiên như trực chờ một bác lái xe ngà ngà say nào đó gặp khúc cua gấp có xe ngược chiều, giật mình một cái thôi là hoặc vách núi cao thăm thẳm hoặc vực sâu hun hút dưới kia đã chuẩn bị sẵn sàng dang tay chào đón.
Thế nhưng, có lẽ đó mới là Hà Giang, một vùng đất của sự trải nghiệm!
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com