Giá dầu dự kiến quanh mức 90 USD/thùng
Cuộc khảo sát mới đây của Reuters với 30 nhà kinh tế và nhà phân tích cho kết quả dự báo, giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình 89,37 USD/thùng trong năm 2023, thấp hơn 4,6% so với mức dự báo 93,65 USD trong cuộc khảo sát trước đó được thực hiện vào tháng 11/2022.
Mức dự đoán đối với giá dầu WTI giảm từ trung bình 87,8 USD/thùng xuống 84,84 USD/thùng.
“Chúng tôi cho rằng, thế giới sẽ rơi vào suy thoái đầu năm 2023 do tác động của lạm phát cao và lãi suất tăng”, ông Bradley Saunders, trợ lý kinh tế tại Capital Economics nói. Theo đó, kinh tế suy thoái sẽ làm giảm nhu cầu về dầu.
Thực tế cho thấy, giá dầu Brent cuối năm 2022 giảm hơn 15% so với đầu tháng 11/2022 (dù đã hồi phục trong nửa cuối tháng 12), giao dịch quanh mức 84 USD/thùng, chủ yếu do các ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc làm suy giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này.
Trước đó, giá dầu Brent có xu hướng điều chỉnh kể từ đầu tháng 6/2022, sau khi đạt trên 120 USD/thùng. Đợt điều chỉnh khiến giá dầu đánh mất gần hết mức tăng trong 5 tháng đầu năm 2022.
Giá dầu thô thường dao động dựa trên cung - cầu theo mùa và các sự kiện lớn trên thế giới có liên quan. Trong khi quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch đang diễn ra, giá dầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những bất ổn toàn cầu và dự báo giá dầu sẽ phản ánh điều này.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng hạ dự báo giá dầu năm 2023: giá dầu Brent giao ngay bình quân là 92 USD/thùng, giá dầu WTI bình quân là 86,36 USD/thùng.
Trong khi đó, theo báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn công bố hồi tháng 11/2022, EIA dự báo, giá dầu thô Brent năm 2023 sẽ ở mức trung bình 95,33 USD/thùng. Với dầu WTI, giá sẽ ở mức trung bình 87,33 USD/thùng.
Về nhu cầu dầu, EIA dự đoán, nhu cầu dầu và nhiên liệu lỏng toàn cầu tháng 12/2022 trung bình là 99,82 triệu thùng/ngày và trong năm 2023 tăng nhẹ lên mức 100,98 triệu thùng/ngày.
5 yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu
Giá dầu hiện nay biến động mạnh do nhiều yếu tố, trong đó có 5 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất.
Một là, xung đột Nga - Ukraine. Nga là nhà sản xuất nhiên liệu lỏng và xăng dầu lớn thứ ba, nên khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022 đã tác động ngay lập tức đến giá dầu thô Brent kỳ hạn. Khi xung đột tiếp diễn, giá dầu thô tạo thành một quỹ đạo đi lên, đạt gần 128 USD/thùng vào đầu tháng 3/2022 và duy trì trên 100 USD/thùng trong tháng 4/2022.
Bối cảnh kinh tế toàn cầu trở nên u ám và dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc đe dọa tăng trưởng nhu cầu về dầu.
Hai là, nguồn cung dầu của Mỹ. Đại dịch Covid-19 và các sự kiện tự nhiên có ảnh hưởng lớn đến cung - cầu dầu mỏ. Mỹ từng trải qua sự sụt giảm sản lượng sau cơn bão Ida năm 2021, khi cơn bão này làm đóng cửa ít nhất 9 nhà máy lọc dầu. Mới đây, một số nhà máy lọc dầu lớn nhất của Mỹ đã phải đóng cửa do thời tiết quá lạnh, trong khi sản lượng ở Texas và Bắc Dakota bị đình trệ.
Về sản lượng dầu năm 2022 - 2023 của Mỹ, EIA ước tính, năm 2022 đạt trung bình 12,01 triệu thùng/ngày và năm 2023 đạt 12,95 triệu thùng/ngày.
Ba là, sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Năm 2020, OPEC cắt giảm sản lượng dầu do nhu cầu giảm trong đại dịch, nhưng dần tăng lên trong năm 2021 và 2022. Tại cuộc họp vào tháng 10/2022, OPEC tuyên bố điều chỉnh sản lượng dầu giảm 2 triệu thùng mỗi ngày, bắt đầu từ tháng 11/2022 và kéo dài đến cuối năm 2023. Mức cắt giảm chiếm khoảng 2% sản lượng toàn cầu. Theo khảo sát của Reuters vào ngày 30/11/2022, sản lượng dầu của OPEC đã giảm xuống mức 29,01 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2022.
Bốn là, khí tự nhiên. Các quốc gia ở châu Á đã dựa vào than đá để tạo ra điện, nhưng sự thiếu hụt “vàng đen” gần đây khiến họ chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên. Nhiệt độ cao hơn ở một số khu vực của châu Á và châu Âu đã dẫn đến nhu cầu cao về khí đốt tự nhiên để phát điện. Do đó, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt vào năm 2021 và duy trì ở mức cao trong năm 2022 khi Nga chặn các chuyến vận chuyển đến châu Âu. Giá loại nhiên liệu này dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2023.
Năm là, hàng tồn kho toàn cầu. Khi việc giảm sản lượng dầu tiếp tục diễn ra trên toàn cầu, các quốc gia buộc phải rút từ nguồn dự trữ được lưu trữ của họ (không bao gồm dự trữ dầu mỏ chiến lược). Lượng dầu mỏ ổn định này đang góp phần làm tăng giá, bởi hàng tồn kho đang giảm.
Tại Mỹ, dự trữ dầu thô (không bao gồm dầu trong kho dự trữ dầu mỏ chiến lược) ngày 9/12/2022 đạt 424,1 triệu thùng, nhưng tính đến ngày 16/12/2022 giảm 5,9 triệu thùng, xuống 418,2 triệu thùng, do nhập khẩu giảm mạnh.
Dự báo giá danh nghĩa của dầu trong dài hạn
EIA dự báo, vào năm 2025, giá danh nghĩa (chưa điều chỉnh theo lạm phát) của dầu thô Brent sẽ tăng lên 67 USD/thùng (tính theo USD năm 2021). Đến năm 2030, giá dầu Brent sẽ tăng lên 79 USD/thùng. Và đến năm 2040, giá dầu dự kiến là 84 USD/thùng. Đến lúc đó, các nguồn dầu giá rẻ sẽ cạn kiệt, khiến việc chiết xuất dầu trở nên đắt đỏ hơn. Giá dầu có thể đạt 90 USD/thùng vào năm 2050.
Tương tự, giá danh nghĩa dầu WTI dự kiến sẽ tăng lên mức 65 USD/thùng vào năm 2025, mức 71 USD/thùng vào năm 2030, mức 81 USD/thùng vào năm 2040 và mức 87 USD/thùng vào năm 2050.
EIA giả định rằng, nhu cầu xăng dầu không tăng do phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo. Cơ quan này cũng giả định, kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 1,9% hàng năm, trong khi mức tiêu thụ năng lượng giảm 0,4% một năm.
Giá dầu trong tương lai được nhận định sẽ phụ thuộc vào những đổi mới trong năng lượng, giao thông vận tải và các ngành công nghiệp khác, khi các nước nỗ lực để trở nên ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo mới đây của OPEC, năm 2023, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới dự báo đạt mức bình quân 101,82 triệu thùng/ngày, tăng 2,25% so với ước tính năm 2022.