“Gửi đơn lên Chính phủ phản đối tách huyện Từ Liêm”

“Gửi đơn lên Chính phủ phản đối tách huyện Từ Liêm”

(ĐTCK) Trả lời Báo ĐTCK về kiến nghị phản đối tách huyện Từ Liêm thành 2 quận, ông Nguyễn Hữu Kiên, cho rằng: việc ông đưa ra ý kiến trái chiều không nhằm mưu cầu sự nổi tiếng.

Ông Kiên là đại biểu HĐND duy nhất của huyện Từ Liêm không đồng ý với đề án chia tách Từ Liêm thành hai quận. Như chia sẻ ông cho rằng: chỉ đang làm đúng trách nhiệm của một đại biểu dân cử, nhằm cảnh báo để tránh việc người dân có thể chịu những thiệt thòi. sau này.

Được biết, không chỉ không bấm nút “đồng ý” việc chia tách huyện Từ Liêm thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, ông còn vừa có đơn gửi Chính phủ phản đối việc này. Đâu là lý do để ông kiên quyết với lập luận của mình?

Trước hết, tôi thấy việc tách huyện Từ Liêm thành hai quận là không cần thiết và có thể gây ra sự lãng phí lớn. Vì việc chia tách dẫn tới việc xây dựng trụ sở, mua sắm phương tiện và những chi phí rất lớn liên quan đến thay đổi thủ tục, giấy tờ.

Thứ hai, Đề án có thể ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người dân, nhưng lại được HĐND TP. Hà Nội thông qua quá nhanh, quá gấp rút. Vì thế, tôi đã đưa ra kiến nghị các đại biểu xem xét lại đề án này.

Một lý do nữa không nên chia tách huyện Từ Liêm là hiện nay Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm có sự phát triển rất không cân đối. Trong khi Nam Từ Liêm tập trung nhiều đô thị, nơi có 6.000 DN đang hoạt động và chiếm nguồn thu chủ yếu của huyện, thì phần lớn Bắc Từ Liêm vẫn lạc hậu và chậm phát triển.

Nếu không chia tách, nguồn thu của Nam Từ Liêm có thể bù đắp, đầu tư cho Bắc Từ Liêm. Còn chia tách rồi mà đầu tư ngân sách không tương xứng sẽ tạo ra hố sâu ngăn cách lớn.

Tôi có thể lấy ví dụ quận Tây Hồ sau 10 năm chia tách, nhưng đầu tư cơ bản không hề tăng, trong khi bội chi ngân sách đang là vấn đề nổi cộm. Việc chia tách, nếu đầu tư cho khu vực chậm phát triển không tương xứng sẽ khiến người dân thất vọng.

Ngoài ra, việc chia tách cũng không phù hợp với chủ trương thu gọn đầu mối quản lý chính quyền đô thị, khiến bộ máy hành chính trở nên cồng kềnh.

 

Được biết, TP. Hà Nội đã thông qua Đề án tách huyện Từ Liêm thành hai quận và đã trình lên Chính phủ, tức là Đề án đã qua nhiều cấp thẩm định. Ông có thể đề cập cụ thể những vấn đề còn tồn tại của đề án này?

Tôi từng nhiều năm làm công tác tổng hợp nên có khả năng đọc tài liệu khá nhanh, biết những nội dung trọng tâm cần phải đọc và cần tham khảo tại những văn bản tài liệu nào. Vì thế, tôi đã sớm phát hiện ra sự bất hợp lý của những con số thiếu thống nhất trong Đề án và đã kiến nghị các đại biểu HĐND xem xét ngay trong phiên họp ngày 5/12.

Khi có điều kiện đọc kỹ, tôi còn phát hiện ra tại trang 33, 59 và 60 của Đề án, việc tách xã Cổ Nhuế thành 2 phường đã làm “biến mất” 641 người, trong khi hiện họ vẫn sinh sống bình thường tại địa bàn. Trong khi tại trang 40, 61 và 63, việc nâng xã Đại Mỗ lên thành phường khiến dân số Đại Mỗ bất ngờ tăng thêm 2.041 người. Từ tóm tắt trình bày xin ý kiến nhân dân tới Đề án chính thức thì dân quận Bắc Từ Liêm giảm đến hơn 10.000 người.

Ngoài ra, tại Đề án cũng xuất hiện những khu đất không người, như: khu đất 9,3 héc-ta phía Bắc Quốc lộ 32 thuộc xã Xuân Phương chuyển về phường Tây Tựu. Trong khi trên thực tế, đây là khu có nhiều dân cư sinh sống, với nhà cửa ổn định.

Hay khu đất 3,3 héc-ta đã đô thị hóa 100% thuộc thị trấn Cầu Diễn chuyển về phường Cổ Nhuế 1 cũng được ghi là không có người… Nếu Đề án được chính thức hóa thì những người dân sống tại những khu đất này có thể gặp rủi ro về mặt pháp lý. Mặt khác, nếu căn cứ theo Nghị định 62/2011/NĐ-CP, mật độ dân số của quận Nam Từ Liêm chỉ đạt mức dưới 7.000 người/km2, không đạt chuẩn tối thiểu theo quy định để tách quận.

Chính vì phát hiện ra những sai lệch trong Đề án, nên tôi tiếp tục gửi văn bản trình lên Chính phủ đề nghị xem xét lại việc chia tách huyện Từ Liêm.

 

Ông có thất vọng khi các kiến nghị của mình không được nhiều đại biểu HĐND đồng tình, Hội đồng thẩm định cũng đã thông qua, trong khi Thành phố đã thực hiện công đoạn cuối cùng là trình Đề án lên Chính phủ?

Tôi không có bình luận về việc những kiến nghị của tôi có được thực hiện hay không. Những gì tôi làm không vì động cơ cá nhân hay mưu cầu sự nổi tiếng, mà đó là  trách nhiệm của một đại biểu dân cử, chỉ làm những gì có lợi cho dân.

Nếu kiến nghị của tôi không được thực hiện, tôi cũng mong những người làm Đề án, thông qua đề án này phải nhìn nhận lại, hoặc những trường hợp sau này họ phải nhìn nhận lại, để mỗi đề án được trình lên không có sự sai sót và phải được nghiên cứu kỹ trước khi thông qua để không gây hậu quả pháp lý cho người dân.

Hiện nay, tôi thấy những ý kiến phản biện của tôi là có cơ sở nên tiếp tục phản biện và mong được Chính phủ cân nhắc, xem xét.

>>Huyện Từ Liêm "xẻ" thành 2 quận