Chính sách điều chỉnh hoạt động các thị trường như vàng cần phải tính toán rất kỹ tác động đến người dân.

Chính sách điều chỉnh hoạt động các thị trường như vàng cần phải tính toán rất kỹ tác động đến người dân.

GS-TS. Trần Ngọc Thơ: “Ẩn trong chính sách phải là những giai điệu của cuộc sống”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) GS.TS. Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM không chỉ là một chuyên gia uy tín về các lĩnh vực kinh tế - tài chính, mà còn được cánh nhà báo coi là cây bút đặc biệt. Nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông đã chia sẻ những câu chuyện về nghề viết, câu chuyện truyền thông và thực thi chính sách.

Là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, vốn có nhiều quy định rất phức tạp, ông nhìn nhận ra sao về vai trò, hiệu quả của hoạt động truyền thông chính sách trong tổ chức thực thi pháp luật?

Lĩnh vực tài chính rất phức tạp. Truyền thông chính sách hiệu quả đòi hỏi phải hiểu biết nhất định những nguyên tắc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và tiền tệ.

Tôi chỉ lấy ví dụ hai lĩnh vực nóng nhất trong thời gian gần đây để minh họa. Đó là thị trường trái phiếu và thị trường vàng. Do những mất cân xứng thông tin nghiêm trọng trên hai thị trường này nên nguyên tắc cơ bản nhất trong thiết kế chính sách là phải nắm vững nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng.

Nó phải được đưa lên hàng đầu trong thiết kế chính sách. Các ý kiến đề xuất không xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu riêng lẻ hoặc cho tự do hóa thị trường vàng chẳng hạn, cần lưu ý đến quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị tác động ra sao.

Mỗi thị trường hay lĩnh vực tài chính - ngân hàng cụ thể đều có những nguyên tắc cơ bản cần phải nắm bắt để truyền thông chính sách có chất lượng. Nếu thiếu nền tảng này, truyền thông chính sách sẽ đi vào hư vô, không tác động đến cuộc sống hay thậm chí vô tình làm lợi cho một nhóm lợi ích ưu thế.

Ông cũng là một trong các chuyên gia có góc nhìn sâu, có hiểu biết rộng chung tay xây dựng chính sách, cộng tác với các cơ quan báo chí uy tín. Động lực nào thúc đẩy ông có những đóng góp tích cực như vậy?

Các chính sách trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và tiền tệ rất phức tạp. Không thể bất kỳ ai cũng có thể thiết kế nên một chính sách làm vừa lòng tất cả. Nhìn vào bất kỳ khuôn khổ chính sách và pháp lý nào trong các lĩnh vực này, chúng ta cũng đều nhìn thấy những bất cập nhất định.

Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà thậm chí còn ở các nước phát triển. Những ưu điểm chính sách, pháp luật ngày hôm nay hoàn toàn có thể trở thành những bất cập của ngày mai do những thay đổi quá nhanh trong cuộc sống, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển.

Là người may mắn tham gia nghiên cứu thường xuyên trong các lĩnh vực này cũng như tham gia thực tế trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ nên tôi có cơ hội đối chiếu, so sánh và phân tích các kinh nghiệm quốc tế, những góc nhìn về các ưu điểm cũng như nhược điểm trong lĩnh vực thực thi thiết kế chính sách, pháp luật tài chính - tiền tệ.

Điều này tạo cho tôi động lực tham gia viết báo cũng như các tọa đàm chính sách về lĩnh vực tài chính - ngân hàng và tiền tệ.

Theo ông, làm sao để các đạo luật, chính sách ban hành được người dân, doanh nghiệp... đón nhận một cách tích cực, để chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống?

Bản thân câu hỏi của phóng viên cũng đã là câu trả lời. Để các đạo luật, chính sách ban hành được người dân doanh nghiệp đón nhận tích cực đòi hỏi nó phải được đánh giá tác động và lấy ý kiến từ những đối tượng bị tác động. Vấn đề là khi đánh giá tác động và ý kiến thường thì người dân và các tầng lớp trung lưu ít có điều kiện thể hiện các quan điểm của mình so với các hiệp hội.

GS. TS. Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP.HCM.

GS. TS. Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP.HCM.

Chẳng hạn, những quy định pháp lý trong phát hành trái phiếu hay trên thị trường vàng, thường thì cũng chỉ có vài ba hiệp hội tên tuổi có ý kiến. Có khi các hiệp hội cho rằng tiếng nói của họ cũng có lợi cho nhân dân, cho người tiêu dùng? Nhưng trên thực tế thì không hẳn như thế. Đây là điều cần phải suy nghĩ nghiêm túc.

Ông đánh giá ra sao về việc tiếp thu các góp ý, ý kiến xây dựng chính sách trước đây và hiện nay? Hoạt động xây dựng pháp luật có gì đổi mới thiết thực hơn trước?

Về mặt hình thức, hoạt động xây dựng pháp luật cũng như tiếp thu góp ý xây dựng chính sách cải thiện nhiều hơn so với trước. Nhiều tiếng nói trên diễn đàn Quốc hội cũng như của các chuyên gia phần nào đã được cơ quan xây dựng pháp luật tiếp thu chỉnh sửa.

Tuy nhiên, cũng vẫn còn tồn tại rất nhiều lợi ích của các đơn vị xây dựng chính sách thông qua việc cái cắm một cách tinh vi vào những điều khoản chỉ mang lợi ích trong ngắn hạn, cục bộ. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, điều này rất tinh vi, phức tạp mà chỉ người trong nghề mới có thể phát hiện ra.

Nhưng vì đây là những vấn đề mang tính kỹ thuật chuyên ngành rất phức tạp, nên những góp ý của chuyên gia rất ít nhận được chia sẻ từ cộng đồng cũng như tiếp thu từ cơ quan xây dựng pháp luật. Vì vậy, đôi khi vừa ban hành luật chẳng bao lâu nó lại phải chỉnh sửa.

Vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học... đóng góp cho lĩnh vực này nên được nhìn nhận và phát huy ra sao?

Càng thu hút nhiều chuyên gia đóng góp cho các lĩnh vực này càng tốt. Mỗi chuyên gia có những thế mạnh riêng trong từng lĩnh vực, vì thế việc tập hợp đông đủ các chuyên gia đóng góp xây dựng pháp luật sẽ góp phần không nhỏ vào sự thành công. Điều quan trọng là sự trong sáng trong đóng góp chính sách và pháp luật, chứ không ngả nghiêng.

Có những câu chuyện nào gây ấn tượng với ông về việc truyền thông chính sách hiệu quả và sự đóng góp tích cực của giới chuyên gia, phối hợp với các cơ quan báo chí?

Chính sách và pháp luật trong lĩnh vực tài khóa - tiền tệ có những ngôn ngữ đặc thù mà người trong cuộc dễ dàng lấy đó làm lý do để làm hoặc không làm một điều gì đó. Ai cũng có lý của mình.

Giai đoạn đại dịch Covid-19, các bộ, ngành lúc bấy giờ vẫn còn đang tranh luận các gói kích thích tài khóa, tiền tệ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. “Tiền tệ” thì nói chính sách nhà mình phải thận trọng, hiệu quả.

“Tài khóa” thì nói chính chính sách nhà tôi phải tuân thủ trần nợ công, bội chi ngân sách. Chuyên gia thì nói tài khóa, tiền tệ phải phản ánh chu kỳ… Những khái niệm phức tạp, cục bộ theo kiểu nhà anh nhà tôi biện minh cho sự chậm trễ trong triển khai chính sách.

Trong khi ở ngoài kia, cả nước bị phong tỏa ai ở nhà nấy, ngoài đường phố vắng lặng, những thân phận đầy lo toan, nhà máy đóng cửa, sa thải hàng ngàn lao động. Ai cũng bế tắc và cần sự hỗ trợ lớn từ các gói cứu trợ tài khóa, tiền tệ.

Chính sách đâu chỉ là những quy định, thủ tục hành chính, nhất là trong tình huống khẩn cấp. Nó còn là giai điệu của tình yêu. Phóng viên hỏi tôi rất nhiều câu làm sao để chính sách và pháp luật đi vào cuộc sống.

Thế nhưng, chính sách và pháp luật đâu chỉ là các chương, điều luật. Ẩn trong nó phải là các giai điệu của tình yêu, giai điệu của cuộc sống. Điều này thôi thúc tôi viết nên bài “Giai điệu tình yêu của chính sách Tài khóa - Tiền tệ” vào tháng 4/2020, là giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch. Bài này giúp tôi đạt giải B báo chí quốc gia năm đó cùng với 2 tác giả khác trong loạt bài “Con đường tái thiết nền kinh tế sau đại dịch” của Báo Đầu tư.

Nếu có tình yêu với người dân, doanh nghiệp và đất nước đang gặp nhiều khó khăn do vướng phải những thủ tục, những rào cản trong pháp luật, chính sách thì không có quy định pháp lý và khuôn khổ chính sách nào có thể cản bước con người thay đổi để cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Bây giờ có cảm giác nhiều người không dám làm gì vì sợ trách nhiệm. Nhưng nếu người có trách nhiệm thực thi công vụ có tình yêu trong sáng với nhân dân thì tôi tin pháp luật và lẽ phải sẽ bảo vệ họ đến cùng.

Anh Việt thực hiện.

Tin bài liên quan