Thị trường tiềm năng
Bên ly trà tại nhà riêng vào một buổi chiều đẹp trời đầu năm mới 2016, GS-TS. Đặng Lương Mô không bất ngờ trước những câu hỏi về tính khả dụng của những con chip do Việt Nam sản xuất. Ông cười tươi và bảo, dư luận trong nước có nhiều thông tin trái chiều cũng đúng, vì ngay cả người nước ngoài cũng không thể tin được là Việt Nam đã có thể sản xuất chip.
Còn nhớ, lần đầu tiên Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) ra mắt con chip Sigma K3 8-bit, dư luận đã đặt nhiều dấu hỏi về tính thương mại của chúng. Theo GS-TS. Đặng Lương Mô, đây là con chip có giá trị lịch sử, vì các kỹ sư Việt Nam lần đầu tiên thiết kế rồi ủy thác chế tạo và chạy thành công.
Ông giải thích rằng, cách làm con chip 8-bit, 16-bit hay hơn đều ít nhiều như nhau, có khác chăng là về kích cỡ, độ phức tạp và đòi hỏi nhiều công sức, thời gian thiết kế hơn. Sau chip 8-bit, ICDREC đã thiết kế và ủy thác chế tạo thành công chip 32-bit và đang sử dụng cho rất nhiều ứng dụng, kể cả cho các hệ thống tích hợp công nghệ 4G, 5G.
Cái khó, theo GS-TS. Đặng Lương Mô, chính là đầu ra của sản phẩm. Samsung 30 năm trước cũng gặp tình trạng tương tự, khi chip mà họ sản xuất không ai mua, vì nguồn cung chip trên thế giới đã có và các công ty non trẻ như Samsung lúc bấy giờ không thể trong thời gian ngắn có thể thay thế các nguồn cung như vậy. Để phát triển, hãng này đã phải tự phát triển các sản phẩm trong đó triệt để dùng chip của mình.
ICDREC cũng không ngoại lệ. Trung tâm đã chọn những sản phẩm ứng dụng chủ yếu phục vụ thị trường trong nước trước, như đồng hồ điện chẳng hạn. Việt Nam hiện có 92 triệu dân, cứ tính bình quân một gia đình 4 người, ICDREC có hơn 20 triệu khách hàng tiềm năng, cứ 5 năm đồng hồ điện lại thay một lần, tương đương từ 6 đến 7 triệu chiếc/năm.
GS-TS. Đặng Lương Mô cho biết, hiện ICDREC đã cung cấp thử nghiệm cho Tổng công ty Điện lực TP.HCM hơn 7.000 đồng hồ điện có sử dụng chip Việt, Điện lực Sơn La 3.000 đồng hồ dùng chip Việt. Một số công ty điện lực ở miền Trung cũng sử dụng chip Việt của ICDREC để phát triển riêng. Bên cạnh đó, ICDREC cũng đã phát triển những sản phẩm ứng dụng chip Việt như thiết bị giám sát hành trình xe buýt, xe tải, ổ khóa điện tử dành cho container.
Ngoài đồng hộ điện, đồng hồ nước cũng là một trong những lĩnh vực tiềm năng mà ICDREC đang nhắm đến vì sức tiêu thụ lớn không kém. Để tăng sức cạnh tranh của các dòng chip do ICDREC sản xuất, GS.TS Đặng Lương Mô cho biết, Trung tâm đang nghiên cứu áp dụng công nghệ SOTB (Sillicon On Thin Buried OXide). Theo đó, các con chip thế hệ sau sẽ được sản xuất theo quy trình 65 nanomet, giúp tiêu thụ điện năng chỉ còn 1/3 so với hiện nay.
“Khoảng cuối tháng 2 năm nay, lô hàng đầu tiên làm theo công nghệ này sẽ được nhập về Việt Nam để kiểm chứng. Với dân số gần gấp đôi Hàn Quốc, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng”, ông nói.
Bên cạnh đó, lộ trình rõ ràng trong việc phát triển sản phẩm đã giúp ICDREC thắng thầu cung cấp đồng hồ điện cho Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đồng thời vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh khác khi một đối tác chuyên thiết kế SoC (System On Chip - hệ thống trên vi mạch) ở Nhật Bản cách đây không lâu cần chọn một cộng tác viên cho kế hoạch thiết kế của họ.
ICDREC cũng đang chuẩn bị hợp tác với Sony trong khâu thiết kế vi mạch cho một số sản phẩm của doanh nghiệp này, vì đây là thế mạnh của các kỹ sư Việt Nam. “So với năm 2002, khi tôi mới về nước định cư, thì ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam đã có những bước tiến rất xa”, GS-TS. Đặng Lương Mô nói.
Giấc mơ “chip made by Việt Nam”
GS-TS. Đặng Lương Mô chính là người đặt nền móng để ICDREC ra đời vào tháng 8/2005. Vì sao ông chọn ngành công nghiệp vi mạch để phát triển ở Việt Nam? GS-TS. Đặng Lương Mô cười và bảo, ngành nào cũng quan trọng, nhưng vi mạch có nhiều thế mạnh như có thể tiếp thu các công nghệ mới, bỏ qua các công nghệ cũ. Hơn nữa, công nghiệp vi mạch là ngành khoa học tổng hợp, nếu thành công thì sẽ thúc đẩy được nhiều ngành khoa học khác phát triển. “Người Việt Nam rất thông minh”, ông khẳng định.
Trong kế hoạch phát triển của ICDREC, với kinh nghiệm của mình, GS-TS. Đặng Lương Mô thẳng thắn cho biết, vẫn còn nhiều trở ngại trong thời gian tới. Đầu tiên là cơ chế hoạt động của ICDREC. Hiện nay Trung tâm thuộc quản lý của trường đại học, nên tài chính còn nhiều hạn hẹp trong việc mở nhà máy. Thời gian tới, ICDREC cần có cơ chế phù hợp để thu hút nhà đầu tư rót vốn.
“Tôi tin tiềm năng của thị trường Việt Nam đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Và ICDREC sẽ cố gắng trung hòa giữa mục tiêu lợi nhuận và nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của Việt Nam”, ông nói.
Vấn đề thứ hai là sản xuất, hiện công đoạn này vẫn được gia công từ các quốc gia có thế mạnh về sản xuất. Khi đơn hàng trong nước tăng cao, ICDREC khó có thể đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, việc đầu tư nhà máy lại không phải dễ.
Việt Nam hiện có hai lựa chọn, một là đầu tư nhà máy sản xuất chip cho riêng mình, hai là đi theo hướng lò sản xuất, tức chuyên sản xuất theo thiết kế của các hãng như Đài Loan chẳng hạn. Cả hai hướng đi đều có những khó khăn nhất định. Nếu đi theo hướng sản xuất cho riêng mình thì không đảm bảo đầu ra. Trong khi đó, hướng thứ hai lại đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn vì phải mua công nghệ để sản xuất chip theo đơn đặt hàng, chưa kể các vấn đề liên quan đến bảo vệ mội trường khi đầu tư xây nhà máy.
Với khả năng tự chủ trong khâu thiết kế, ICDREC đã nắm tới 70% việc hình thành một con chip. Tuy nhiên, GS-TS. Đặng Lương Mô cho rằng, Việt Nam, với dân số khoảng 93 triệu người là thị trường lớn, nên cần nắm bắt những công nghệ chủ chốt, trong đó có công nghệ chế tạo vi mạch.
Việc nắm bắt công nghệ chế tạo vi mạch không nhất thiết phải có nhà máy chế tạo ngay, mà có thể dùng công nghệ xưởng cực tiểu để nắm bắt công nghệ chế tạo. Hoặc cũng có thể đầu tư mua nhà máy đang hoạt động ở nước ngoài, vừa tiếp tục sản xuất có đầu ra, vừa dùng làm phương tiện đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhà máy, sau đó mới đưa nhà máy về Việt Nam, như Israel đã từng làm.
Tháng 9 năm ngoái, Nhật Bản vừa ký biên bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ xưởng cực tiểu cho Việt Nam. Theo GS-TS. Đặng Lương Mô, đây sẽ là cuộc cách mạng về nghiên cứu và chế tạo chip. Xưởng cực tiểu giải quyết nhu cầu phòng chế tạo vi mạch sạch, đồng thời giảm chi phí đầu tư chỉ bằng 1/1.000 so với công nghệ thông thường. Một nhà máy đầu tư sản xuất chip với công nghệ này hiện chỉ tốn từ 5 đến 7 triệu USD thay vì hàng tỷ USD như trước kia. Công nghệ này cũng giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường vì với quy mô nhỏ, việc xử lý sẽ đỡ tốn kém hơn.
Năm 2016, sẽ có 2 kỹ sư Việt Nam sang Nhật Bản tham gia chương trình đào tạo chuẩn bị cho việc chuyển giao công nghệ xưởng cực tiểu. Dự kiến cuối năm 2017, công nghệ này mới hoàn thành. Theo GS-TS. Đặng Lương Mô, khi chi phí đầu tư cho việc nghiên cứu không còn quá lớn, Việt Nam có thể tham gia cạnh tranh với các hãng sản xuất khác bằng chất xám thông qua việc thiết kế.