GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda - Nhật Bản): “Chúng ta cần những con người Việt Nam có tinh thần dân tộc”

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam sẽ chuyển mình khi có những con người, những doanh nghiệp xác định rõ trách nhiệm đi cùng với sự phát triển của đất nước, của dân tộc.
GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda - Nhật Bản)

GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda - Nhật Bản)

1. “Chúng ta cần những con người Việt Nam có tinh thần dân tộc”, GS. Trần Văn Thọ chia sẻ sau một vài phút trầm tư bởi những câu hỏi dồn dập về việc làm thế nào để Việt Nam có thể xoay chuyển tình thế, vượt qua thách thức để đạt được mục tiêu đầy khát vọng của năm 2030-2045.

Trước cuộc trò chuyện riêng với phóng viên Báo Đầu tư, GS. Trần Văn Thọ đã tham gia buổi giới thiệu cuốn sách “Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân” vào tuần đầu tháng 12/2022. Ông từng tham gia Tổ tư vấn cải cách kinh tế và hành chính của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cộng tác với Ban Nghiên cứu chính sách của Thủ tướng Phan Văn Khải. Sau này, ông là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc...

Chia sẻ tại phần giao lưu, ông đã nhắc lại 2 ý kiến của Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà theo ông, đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của một người có trách nhiệm phải lo nghĩ về con đường phát triển của đất nước. Một là nguy cơ tụt hậu. Hai là sự lệ thuộc một chiều vào thế giới bên ngoài.

“Ba chục năm đã qua, kinh tế Việt Nam đã phát triển khá xa, hội nhập tốt hơn, nhưng còn nhiều việc phải làm để phát triển hơn nữa, hội nhập hơn nữa và đặc biệt là để đạt được mục tiêu là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Điều tôi muốn nói là nỗi lo tụt hậu và hội nhập một chiều vẫn còn”, GS. Trần Văn Thọ trao đổi.

Thưa Giáo sư, lần nào trở về Việt Nam, ông cũng có những cuộc làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Chuyến đi lần này ông đã có được những thông tin gì?

Tôi vừa đến làm việc với Canon Việt Nam ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Tôi muốn tìm hiểu xem sự hội nhập của Việt Nam thông qua việc tham gia của doanh nghiệp Việt vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản.

Tình hình cải thiện vẫn chậm, nếu nhìn vào tỷ lệ nội địa hóa của Canon Việt Nam. Họ nói, số doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng đầu vào có tăng, nhưng chưa nhiều.

Doanh nghiệp Nhật Bản có nói vì sao không, thưa ông?

Vẫn là doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhiều năm trước, khi nói về việc đáp ứng chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta nói về chất lượng, giá cả và các điều khoản giao nhận. Hiện tại, ngoài các điều kiện trên, chuỗi giá trị toàn cầu đòi hỏi nhiều hơn. Đó là yêu cầu về môi trường, về sản xuất thân thiện, sản xuất xanh… Nhưng khi tôi hỏi về khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt, thì ngay các tiêu chuẩn cũ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đạt được, chưa nói đến tiêu chuẩn mới.

Ngoài ra, doanh nghiệp cung ứng linh kiện và các sản phẩm trung gian khác phải có tính bền vững về tài chính, về quản lý. Các tập đoàn đa quốc gia thường không bắt tay với doanh nghiệp mà họ nhìn thấy khả năng tiếp cận tài chính không ổn định hoặc năng lực quản lý yếu kém. Không doanh nghiệp lớn nào muốn thay nhà cung ứng giữa đường cả.

Thứ nữa, doanh nghiệp rất thiếu lao động, cả lao động có đào tạo và đội ngũ quản lý. Một mặt, họ khó tuyển dụng lao động có tay nghề, nhưng mặt khác, khi tuyển được lao động để đào tạo, thì đa số lại không chuyên tâm, làm việc được một thời gian thì nghỉ việc, chuyển sang doanh nghiệp khác.

Việt Nam cần phải xác định rõ sự ổn định trong thị trường lao động, sự thay đổi về giáo dục, đào tạo là rất quan trọng..., vì con người, chất lượng nguồn nhân lực đang là thách thức lớn nhất của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.

Theo tôi, các bộ, ngành có trách nhiệm như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có kế hoạch cụ thể để cả cơ sở đào tạo và người lao động nhìn thấy cơ hội của mình. Cũng cần phải có chế tài để đảm bảo các cơ chế, chính sách được thực thi, tuân thủ đúng.

Năng lực của người Việt Nam không kém, nhưng chế tài và kỷ luật yếu khiến nhiều công chức thiếu trách nhiệm. Đây là điểm khác với người Nhật...

2. Cách đây vài năm, GS. Trần Văn Thọ từng kể, ông đã hai lần mơ về một nước Việt Nam công nghiệp hiện đại, nhưng cả hai lần, giấc mơ đều chưa thành, vì nhiều lý do.

Lần đầu là khi ông nhìn thấy chân dung của Thủ tướng Phạm Văn Đồng được in cùng với Tổng thống Mỹ, Pháp, Thủ tướng Nhật Bản, Anh, Tây Đức... trên bìa số báo đặc biệt đón năm mới 1976 của Tuần báo Economisuto (Kinh tế). Thế giới đánh giá rất cao tiềm năng của Việt Nam, vì dân tộc này đã thể hiện sự kiên cường, dũng cảm trong chiến tranh chống ngoại xâm; giờ là thời bình, Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trên vũ đài kinh tế và chính trị thế giới.

Lần thứ hai là đầu thập niên 1990, khi điều kiện trong nước và bên ngoài đã hội tụ để Việt Nam khởi động lại quá trình công nghiệp hóa. Sau Đổi mới năm 1986, kinh tế vĩ mô dần ổn định, Việt Nam lập lại quan hệ bình thường với các nước tư bản tiên tiến và các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB. Đây cũng là thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Mỹ...

Lần này, ông đã nói về những cơ hội mới cho Việt Nam. “Thời đại đã thay đổi rất nhiều, cơ hội đã khác và mở ra nhiều cách đi mới. Tôi vẫn mong doanh nghiệp Việt sẽ mạnh lên để đất nước chủ động hội nhập và đạt được mục tiêu phát triển...”, GS. Trần Văn Thọ nói.

Khi nói về mục tiêu công nghiệp hóa của Việt Nam, ông thường nhắc tới giai đoạn phát triển thần kỳ của Nhật Bản vào những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã thay đổi, cách đi truyền thống có thể không còn là duy nhất…

Thời nào cũng sẽ có nhiều con đường, cách làm, tùy theo nguồn lực đang có, điều kiện công nghệ và bối cảnh thị trường thế giới, nhưng kinh nghiệm của các nước đi trước vẫn có nhiều điểm đáng tham khảo.

Nhật Bản thập niên 1960 cũng vậy. Cách nước này củng cố nội lực để hội nhập có hiệu quả vào thị trường thế giới, phương thức hoạch định và thực thi chính sách... là những kinh nghiệm vẫn còn giá trị.

Công nghiệp hóa ngày nay diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa và sự phân công quốc tế triển khai trên cơ sở của các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Tùy ngành công nghiệp mà có thể sản xuất ngay cho thị trường thế giới, không nhất thiết phải bắt đầu bằng thị trường trong nước, như trường hợp Denso, một công ty linh kiện ô tô của Nhật Bản tại Việt Nam.

Trường hợp VinFast cũng đặc biệt, kết hợp nội lực và ngoại lực một cách sáng tạo và xuất phát từ tinh thần dân tộc. VinFast bắt đầu đi từ hạ nguồn, sản xuất ngay xe nguyên chiếc, cung cấp cho thị trường thế giới để tận dụng tính quy mô kinh tế, bắt đầu bằng công nghệ nước ngoài, nhưng tự làm chủ một phần thiết kế và tự marketing để có ngay sản phẩm với thương hiệu của mình. Đặc biệt, họ có kế hoạch dần dần dịch chuyển sâu xuống (tăng dần nội địa hóa linh kiện, bộ phận xe ô tô) và lên thượng nguồn (nhắm đến việc làm chủ công nghệ, tự chủ thiết kế hoàn toàn...).

Cách đi của VinFast gần giống với Nhật Bản thập niên 1950-1960 và Hàn Quốc thập niên 1980-1990; khác với Thái Lan, Indonesia ngày nay (hầu như dựa hoàn toàn vào ngoại lực để sản xuất ô tô). Chúng ta mong là những thương hiệu Việt như thế sẽ thành công.

Nghĩa là cần một nền kinh tế tự chủ, không hội nhập một chiều?

Kinh tế Việt Nam đã hội nhập rất sâu, rộng, buôn bán với cả thế giới. Nhưng thẳng thắn, nền kinh tế đang phụ thuộc vào một số thị trường. Vì vậy đến giờ, ngành công nghiệp của Việt Nam khá mỏng, vẫn nặng gia công, muốn tự chủ, cần phải thực hiện bằng được chuyển dịch nấc thang cao hơn của giai đoạn phát triển, cải thiện nhanh hơn vị trí của mình trên thị trường thế giới.

Nghĩa là sẽ phải giải quyết các điều kiện cần mà Việt Nam đang yếu, như tôi đã chia sẻ. Đó là doanh nghiệp nội địa phải mạnh lên, chuyển dịch được các hộ kinh doanh sang doanh nghiệp để tiếp cận nguồn lực đất đai, tín dụng, khoa học - công nghệ tốt hơn, nhằm có sự tin tưởng từ tập đoàn lớn, các doanh nghiệp đầu chuỗi sản xuất. Khu vực doanh nghiệp nhà nước cần mạnh hơn trong các ngành chế biến, chế tạo ở khía cạnh thiết kế sản phẩm, gây dựng thương hiệu...

Khi đó, cơ cấu xuất khẩu sẽ dịch chuyển dần lên hướng có hàm lượng công nghệ cao hơn, giá trị gia tăng lớn hơn. Ở đây, lại phải bàn đến môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê, làm khó doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp cứ thích ẩn sau các mô hình phi chính thức...

Ông nghĩ thế nào về doanh nghiệp Việt Nam?

Doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp trẻ, rất năng động. Tôi có dịp gặp nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM, nhiều người rất thành công.

Nhưng không ít doanh nghiệp khởi nghiệp thành công được vài năm thì bán lấy tiền, thu về triệu đô... Người lao động cũng có tâm lý “ăn xổi ở thì”, cứ làm chỗ này vài tháng, thấy chỗ khác có vẻ tốt hơn lại đi... Như vậy thì làm sao tích lũy được kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật và công nghệ, để nâng mình lên các vị trí cao hơn trong công việc...

Đây cũng là điều khác với Nhật Bản. Các doanh nghiệp như Sony, Honda đều đi từ những doanh nghiệp nhỏ, lớn dần lên, cũng có nhiều cơ hội để họ bán đi, làm giàu, nhưng họ muốn đóng góp cho đất nước của họ.

Đây chỉ là một vài ví dụ, nhưng tôi nghĩ, trên hành trình phát triển, Việt Nam cần những người chọn con đường đi cùng với sự phát triển của đất nước. Đó chính là tinh thần dân tộc.

Tin bài liên quan