Toàn bộ bản Đề án, rất tiếc, chỉ đề cập duy nhất một dòng về chênh lệch giàu nghèo (ảnh minh họa)

Toàn bộ bản Đề án, rất tiếc, chỉ đề cập duy nhất một dòng về chênh lệch giàu nghèo (ảnh minh họa)

GS. Trần Ngọc Thơ: Phải để doanh nghiệp nhận thức rằng, “chỉ có ai khôn mới làm thép”

Đang còn những cách hiểu không đúng và những điều cần làm rõ trong Đề án Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Để có thêm một góc nhìn về Đề án quan trọng này, Báo Đầu tư xin đăng tải bài viết của GS. TS. Trần Ngọc Thơ  

Tái cấu trúc diễn ra như thế nào

Về mặt lý thuyết, cho đến giờ, các nhà kinh tế vẫn chưa thể phát triển những khung phân tích chuẩn tái cấu trúc diễn ra như thế nào. Một trong những cách tiếp cận cổ điển và thường được các nhà kinh tế sử dụng là phân tích quá trình giữa cái được tạo ra và cái bị mất đi của lao động và vốn trong quá trình diễn ra tái cấu trúc.

GS. Trần Ngọc Thơ: Phải để doanh nghiệp nhận thức rằng, “chỉ có ai khôn mới làm thép” ảnh 1

GS- TS Trần Ngọc Thơ  

Một mặt, quá trình tái cấu trúc trước mắt sẽ đào thải các doanh nghiệp yếu kém (quá trình làm mất đi lượng vốn tích lũy của nền kinh tế) và dẫn đến tình trạng thất nghiệp (lao động). Mặt khác, cái mới được tạo ra là những ngành công nghiệp mới ra đời (lượng vốn tích lũy mới của nền kinh tế) cùng với việc làm mới tăng thêm.

Nếu cái mới được tạo ra ít hơn so với cái cũ bị mất đi thì đó là chi phí của tái cấu trúc. Vậy yếu tố nào để cho quá trình phá hủy cái cũ và sáng tạo cái mới diễn ra tốt đẹp?
Bất kỳ công cuộc tái cấu trúc kinh tế thành công nào trên thế giới đều không thể không đề cập vai trò của nhà nước theo nhiều cách thức khác nhau. Nhà nước tạo ra cơ chế, chính sách sao cho việc phân bổ nguồn lực đạt được mức độ tối ưu nhất. Nếu như các chính sách, cơ chế, thậm chí là nguồn lực mà nhà nước tạo ra cho tái cấu trúc phần lớn đều quay trở lại các ngành công nghiệp cũ, hay nằm dở dang ở các dự án đầu tư không hiệu quả với tình trạng nợ xấu tràn lan trong hệ thống ngân hàng, thì đó chính là cái giá phải trả vô cùng lớn của tái cấu trúc.
GS. Trần Ngọc Thơ: Phải để doanh nghiệp nhận thức rằng, “chỉ có ai khôn mới làm thép” ảnh 2

Tái cấu trúc nền kinh tế là nội dung sẽ được Quốc hội thảo luận tại nghị trường. Ảnh: Hà Thanh 

Một vài dữ liệu giai đoạn tái cấu trúc 2011-2015 giúp chúng ta nhận diện rõ hơn về chi phí của tái cấu trúc (trích từ Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020) càng củng cố hơn cho nhận định trên.

(a) Tính lũy kế từ năm 2012 đến tháng 10/2015, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn được 16.450 tỷ đồng. Nhưng thực chất, tỷ lệ bán cổ phần ra cho tư nhân rất nhỏ. Với toàn bộ hệ thống sở hữu chéo lẫn nhau như hiện nay, suy cho cùng, mọi thứ sau cổ phần hóa cũng chỉ là một khối các doanh nghiệp nhà nước với nhau.

(b) Chuyển dịch và nâng cấp cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chậm lại, hoặc thậm chí tiến triển theo chiều hướng xấu đi.

(c) Tình trạng nợ xấu hệ thống ngân hàng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm đã làm cho lãi suất không thể giảm như kỳ vọng cho dù khối lượng tiền có xu hướng ngày càng mở rộng và tăng đều.

(d) Và cuối cùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng suy giảm, trung bình giảm 0,5 điểm phần trăm sau mỗi 5 năm.

Tất cả những dữ liệu nêu trên phần nào giúp chúng ta thấy được chi phí của tái cấu trúc giai đoạn 2011 - 2015 lớn như thế nào.

Các quá trình tái cấu trúc diễn ra mất rất nhiều năm nên cần phải có cách nhìn nhận đúng. Đó không phải là quá trình diễn ra hàng tháng, quý như phần lớn cách hiểu chưa chính xác hiện nay, mà phải diễn ra trong thời gian rất dài. Vì vậy, cần có quan điểm và tầm nhìn thật dài hạn về tái cấu trúc, để trong nhiều trường hợp không bị sa vào các thôi thúc cải cách chỉ mang lại những lợi ích trong ngắn hạn.

Chẳng hạn, cần phải cân nhắc thật toàn diện có nên dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu (mong có hiệu quả ngay trước mắt?), hay dùng cơ chế chính sách (mất thời gian nhưng có hiệu quả lâu dài và thực chất).

Với toàn bộ hệ thống sở hữu chéo lẫn nhau như hiện nay, suy cho cùng, mọi thứ sau cổ phần hóa cũng chỉ là một khối các doanh nghiệp nhà nước với nhau.

Nếu hiểu tái cấu trúc theo cách ngắn hạn thì nguồn lực vật chất có thể là cái quyết định nhưng chưa chắc bền vững. Đây chính là nhận thức đã tạo ra những hiểu lầm tai hại về tái cấu trúc, chỉ với suy nghĩ giản đơn muốn tái cấu trúc thì cần phải có tiền. Nếu hiểu tái cấu trúc là một quá trình dài tự thân cái cũ bị phá hủy và cái mới được sáng tạo ra, thì không ai đặt ra vấn đề nghe lạ kỳ là tái cấu trúc phải tốn mất bao nhiêu tiền.

Tất nhiên, khi nói điều này, điều hiển nhiên là vẫn phải sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Nhưng đầu tư từ ngân sách, như vào cơ sở hạ tầng, đó là do những thất bại của thị trường, nơi mà tư nhân không thể bỏ tiền ra vì không có lợi, chứ đâu phải vì tái cấu trúc mà nhà nước phải bỏ tiền ra. Phải chăng, vì cách hiểu không rõ ràng này, nên nói đến tái cấu trúc là mọi người gắn cho nó thương hiệu (cần) 10 triệu tỷ đồng nguồn lực tái cấu trúc nền kinh tế?

Những điều còn thiếu và nên nói thật hơn trong Đề án

Đề án đưa ra 10 đối tượng (nội dung) tái cấu trúc, từ tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên cho đến tái cơ cấu đầu tư công; thị trường tài chính; doanh nghiệp nhà nước; ngành nông nghiệp; các cụm sản xuất liên ngành công nghiệp và dịch vụ; phân bổ và sử dụng đất đai; nguồn nhân lực và cuối cùng là dịch vụ công. Vậy còn thiếu những nội dung gì?

Thứ nhất, đó là tái cấu trúc khu vực nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Đình Cung trong phát biểu mới đây trên Báo Đầu tư (28/10/2016).

Luận điểm này đã nhận được sự đồng tình rất cao của dư luận. Bản Đề án có đề cập vấn đề trên thông qua việc nhìn nhận phải cải tiến mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong quá trình tái cấu trúc. Nhưng nếu nói như vậy thì lấy tiêu chí nào để đánh giá mối quan hệ này đã được cải thiện? Phải chăng, Đề án cần bổ sung thêm nội dung tái cấu trúc bộ máy nhà nước, với mục tiêu thật dễ đo lường là giảm dần vai trò của chính phủ trong các hoạt động của nền kinh tế.

GS. Trần Ngọc Thơ: Phải để doanh nghiệp nhận thức rằng, “chỉ có ai khôn mới làm thép” ảnh 3

 Để quá trình tái cấu trúc thành công là phải làm sao để người dân và doanh nghiệp tuyệt đối tin tưởng vào đó

Thứ hai là, tái cấu trúc thì bất bình đẳng có xu hướng gia tăng ngày càng báo động. Đây đáng lý phải là một trong những luận điểm quan trọng mà Đề án phải phân tích thật rõ.

Toàn bộ bản Đề án, rất tiếc, chỉ đề cập duy nhất một dòng về chênh lệch giàu nghèo (trang 11), nhưng lại đưa ra nguyên nhân do mô hình phát triển siêu đô thị tạo ra? Lẽ nào việc phân hóa giàu nghèo trong quá trình phát triển chỉ có nguyên nhân này? Nguyên nhân nào dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn này, có cần phải tái cân bằng (cấu trúc) hay cứ chấp nhận nó như là điều hiển nhiên của tái cấu trúc?

Một điều tối quan trọng để quá trình tái cấu trúc thành công là phải làm sao để người dân và doanh nghiệp tuyệt đối tin tưởng vào đó.

Khi người dân và doanh nghiệp có niềm tin mọi nỗ lực tái cấu trúc đều hướng về phía họ và chỉ dành cho họ thì nguồn lực xã hội tất yếu sẽ tự bung ra.

Lúc đó, cứ giả dụ cần phải có con số 10 triệu tỷ đồng nguồn lực để tái cấu trúc nền kinh tế hay hơn nữa thì có là bao. Rồi tự nó sẽ đến. Còn nếu tái cấu trúc nền kinh tế mà miếng bánh lại chia phần nhiều cho các nhóm lợi ích thì ai dám bỏ nguồn lực ra đây.

Vì vậy sẽ là thiếu sót nếu kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế không ghi rõ đối tượng bị tác động là ai và họ sẽ được hưởng thụ thế nào từ quá trình này.

Thành quả tái cấu trúc sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa nếu như bản Đề án không dành ra liều lượng thích đáng đề cập chủ đề rất nhân văn và đáng lý không thể thiếu này.

Thứ ba, là tái cấu trúc (loại bỏ và hạn chế) các ngành nghề gây ô nhiễm. Kế hoạch tái cấu trúc dành hẳn ra một nội dung riêng là tái cấu trúc các ngành kinh tế ưu tiên nhưng lại thiếu một kế hoạch xử lý các ngành nghề gây ô nhiễm.

Bản Đề án có đề xuất giải pháp không cấp phép với các ngành nghề tiêu hao năng lượng, khai thác tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Nhưng nếu vì ham lợi mà các địa phương vẫn tìm cách xé rào thì sao. Vả lại, còn các ngành nghề và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI đã lỡ cấp phép, đang và sẽ tiếp tục gây ra ô nhiễm hàng chục năm sắp tới thì sẽ xử lý như thế nào?

Tại sao giờ đây, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài lại thích đầu tư vào các ngành tạo ra ô nhiễm ở nước ta nhiều đến vậy?

Vấn đề này, suy cho cùng phần nhiều là do các công cụ giá cả và thuế (ưu đãi) hiện đang được điều hành rất phi thị trường. Với mức giá điện, nước, thuế, phí bị biến dạng như hiện nay, thì ai mà “ngu gì không làm thép”. Thay vào đó, kế hoạch tái cấu trúc phải làm sao để các doanh nghiệp nhận thức được rằng, “chỉ có ai khôn mới làm thép”.

Cùng với những quy định mang tính pháp lý để biết nói không đối với các ngành nghề gây ô nhiễm, kế hoạch tái cấu trúc cần nghiên cứu hẳn một bộ công cụ thật sự mang tính thị trường về giá, thuế và phí (ô nhiễm) nhằm giải quyết triệt để vấn đề này. Chỉ khi nào phát triển đầy đủ các bộ công cụ này và nếu tính hết vào chi phí, các doanh nghiệp gây ô nhiễm nhận thấy đầu tư không có lợi để tự động xin đóng cửa nhà máy thì mới kỳ vọng việc tái cấu trúc nền kinh tế không để lại hậu quả cho hàng chục năm sau.

(*) Tít do Tòa soạn đặt

Tin bài liên quan