Sáng nay, 19/4/2019, Đại hội lần thứ V (2019 -2023) của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) diễn ra tại Hà Nội.
Nhân dịp này, GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chia sẻ những kết quả nổi bật của Hiệp hội trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như phương hướng hoạt động trong thời gian tới.
Xin Giáo sư cho biết những kết quả nổi bật mà Hiệp hội đã đạt được trong nhiệm kỳ IV (2014 - 2018) vừa qua?
Từ Đại hội lần thứ IV đến nay là hơn 4 năm, vị thế và vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội nghề nghiệp cũng như trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói riêng đã được nâng lên một cách rõ rệt.
Kết quả này là nhờ Hiệp hội đã làm tốt chức năng của mình. Hiệp hội VAFIE cũng đã đóng góp vào quá trình hoàn thiện thể chế, luật pháp về kinh tế - xã hội, đầu tư nước ngoài; nhất là đã chủ động đề xuất với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chương trình Tổng kết 30 năm FDI để đánh giá khách quan và khoa học thành tựu, vấn đề; trên cơ sở đó rút ra các bài học kinh nghiệm để đề ra định hướng, chính sách mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư quốc tế.
Ngày 4/10/2018, Hội nghị Tổng kết 30 năm FDI đã được tổ chức tại Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố, Sở KHĐT, Ban quản lý KCN, KCX, đại diện nhiều tổ chức quốc tế, các Hiệp hội Đầu tư nước ngoài của nhiều nước, các Hiệp hội nghề nghiệp trong nước và CEO của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Hiệp hội đã tham gia đóng góp ý kiến với Ngân hàng thế giới về dự thảo “Chiến lược FDI thế hệ mới của Việt Nam” do Cục Đầu tư nước ngoài hợp tác với WB (Ngân hàng thế giới) và IFC (Công ty Tài chính quốc tế). Đây là một định hướng quan trọng được đưa vào tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài. Định hướng này đang dự thảo để trình Bộ Chính trị ban hành một văn bản đầu tiên về đầu tư nước ngoài để các cấp, các ngành, địa phương thống nhất về quan điểm nhận thức, từ đó thống nhất hành động để bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả của thu hút đầu tư nước ngoài thích ứng với điều kiện đất nước đã phát triển cao hơn, hội nhập quốc tế sâu hơn. Đầu tư nước ngoài của thế giới sẽ có nhiều chuyển động,Việt Nam vừa đón nhận thách thức vừa có cơ hội để thu hút vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn các TNCs (tập đoàn xuyên quốc gia) hàng đầu thế giới từ các nước G7, Mỹ, Châu Âu.
Dự án “Năng lực thương mại Việt Nam” – TCV do Hiệp hội thực hiện trong 3 năm đã có bản hoàn thành cơ bản những mục tiêu của dự án và được EU đánh giá cao là một trong những dự án của EU được Việt Nam hoàn thành tốt. Với dự án này, Hiệp hội đã thành lập Ủy ban Vận động chính sách – TAC và nghiên cứu 3 chuyên đề liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, các quỹ khuyến khích đổi mới công nghệ, bao gồm: (1) Các giải pháp về Vốn cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiến trình Hội nhập Kinh tế quốc tế; (2) Đổi mới chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; (3) Nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp nhỏ và vừa với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF). Các nghiên cứu này được chuyển đến các cơ quan nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và được đánh giá tốt.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã có thư đánh giá cao đóng góp của Hiệp hội với Quốc hội về luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVV) đã được Quốc hội thông qua.
Hiệp hội thực hiện chức năng tuyên truyền các nghị quyết, luật, thể chế, chính sách kinh tế nói chung về đầu tư nước ngoài thông qua hàng loạt các hội thảo. Hàng năm, Hiệp hội cùng Tạp chí Nhà Đầu tư đã đứng ra tổ chức nhiều hội thảo về kinh tế vĩ mô với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Hiệp hội cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp khi có sự cố, tranh chấp xảy ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có ý kiến với lãnh đạo các Bộ, UBND các tỉnh để xử lý theo đúng pháp luật các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Hiệp hội trong nhiệm kỳ này phát triển hội viên tương đối tốt, kết nạp thêm 25 thành viên mới. Ngoài các doanh nghiệp liên doanh đầu tư nước ngoài còn có các doanh nghiệp có liên quan đến đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn tham gia như Vingroup. Hiệp hội cũng mở rộng quan hệ với các hiệp hội khác, các tổ chức quốc tế tham gia xây dựng các hoạt động chung.
Năm 2018, Hiệp hội đã thành lập một ban hợp tác quốc tế để liên kết với các tổ chức quốc tế như AMcham, Eurocham, JETRO, Kocham…
Tuy nhiên, trong những năm qua, nhược điểm lớn nhất của Hiệp hội là chưa thu hút được đông đảo hội viên tham gia góp ý, xây dựng thế chế, luật pháp, chính sách cũng như các hoạt động chung của Hiệp hội. Hiệp hội luôn luôn được các Bộ, ngành gửi các văn bản dự thảo luật, nghị định, tuy nhiên, nhiều hội viên chưa tranh thủ cơ hội để tham gia xây dựng thể chế.
Trong nhiệm kỳ sắp tới, Hiệp hội đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể nào, thưa Giáo sư?
Sắp tới, Hiệp hội có thể tiến đến những phát triển mới như thành lập ban pháp luật để tư vấn cho các doanh nghiệp hội viên khi có vấn đề xảy ra. Ngoài ra, có thể tổ chức các tổ chức khác nếu cần thiết.
Đại hội lần này của Hiệp hội đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp hội viên, số lượng đăng ký đến đại hội ngày mai khá đông. Các lãnh đạo như Bộ KH&ĐT, Bộ Nội vụ, các cơ quan Đảng như Ban tổ chức trung ương, Ban kinh tế Quốc hội sẽ cử các đại diện cấp cao đến tham dự đại hội.
Chúng tôi cũng mong rằng, sau đại hội này, Hiệp hội sẽ thực hiện phương châm mà hiện nay đất nước chúng ta đang thực hiện đó là đổi mới và sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội, để phát huy những thế mạnh mà hội có được trong các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là nhiệm kỳ IV; tham vấn tốt hơn, có hiệu quả hơn, xây dựng thể chế, tổ chức các cuộc hội thảo có chất lượng nhiều hơn, động viên các doanh nghiệp tham gia ngày càng tích cực hơn vào công việc của Hiệp hội và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức khác, góp sức cùng Chính phủ đang tích cực đổi mới, đất nước để vị trí xứng đáng trong cộng đồng ASEAN và cộng đồng quốc tế.
Trong nhiệm kỳ tới, Hiệp hội có những thay đổi gì để phù hợp với định hướng thu hút FDI thế hệ mới, thưa Giáo sư?
Sự chuyển hướng về đầu tư nước ngoài đã có trong tổng kết 25 năm và đã có Nghị định 103 của Chính phủ, nhưng rất tiếc trong 5 năm vừa qua, sự chuyển hướng đó chưa mạnh mẽ.
Do đó, Hiệp hội đã tham gia cùng với Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Thế giới đề xuất cần có sự thay đổi cơ bản trong định hướng thu hút FDI. Thay đổi này xuất phát từ nhu cầu nội tại khi hiện nay Việt Nam có trên 715.000 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế lớn (khoảng 11.000 doanh nghiệp lớn). Rõ ràng cần phải thay đổi. Những gì doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được thì không cần phải thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta chỉ thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao, công nghệ hiện đại, chỉ lựa chọn những nhà đầu tư thích ứng với định hướng mới bởi chắc chắn sắp tới sẽ có rất nhiều nước muốn đến đầu tư tại Việt Nam.
Chúng ta vừa mở rộng cửa chào đón nhưng cũng phải cảnh giác với tình trạng chuyển vào Việt Nam những dự án ảnh hưởng không tốt, đặc biệt là những dự án ảnh hưởng tới môi trường, khí hậu, không đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Chúng ta cũng phải chuyển hướng một cách tích cực về chính sách ưu đãi đầu tư. Hiện nay, có hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội chiếm khoảng 45% GDP và thu ngân sách chiếm một nửa của cả nước, trình độ cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác. Do đó, hai thành phố này phải đi đầu trong việc phát triển công nghệ tương lai thích ứng với công nghệ 4.0. Một loạt 15-17 tỉnh có thu hút FDI lớn như Bình Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai… phải có định hướng vào công nghệ hiện đại, chính sách ưu đãi cũng phải thích ứng. Còn các địa phương kém phát triển phải định hướng vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đào tạo nhân lực… để các thu hút các dự án kể cả các dự án thâm dụng lao động nhưng sẽ chuyển nhanh sang các dự án công nghệ cao.
Với sự chủ động Hiệp hội, các kiến nghị này gần như được đưa vào định hướng thu hút FDI thế hệ mới. Trong định hướng mới, ngoài đổi mới sáng tạo, còn nhấn mạnh quyền lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp. Bởi vì chúng ta có thể chấp nhận nhà đầu tư nhưng phải biết chấp nhận ai, không chấp nhận ai, phải biết khuyến khích các dự án đầu tư, những dự án nào không nên khuyến khích.
Tôi hy vọng rằng, thông qua định hướng mới, các địa phương thực hiện đúng quyền lựa chọn để không lựa chọn những nhà đầu tư “dởm”, không lựa chọn những nhà đầu tư muốn lợi dụng chính sách đầu tư, lợi thế của Việt Nam để trục lợi.
Trong bối cảnh Việt Nam ký nhiều hiệp định FTA mới, cần tận dụng những cơ hội mới để thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, kết nối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước theo chuỗi, đạt đến trình độ cao hơn, hướng tới mục tiêu giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 (100 năm thành lập nước) Việt Nam trở thành nước phát triển, có GDP cao hơn, có trình độ phát triển công nghệ, nguồn nhân lực chất lương cao hơn.
VAFIE mà tiền thân là Câu lạc bộ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được thành lập năm 1995. Năm 2003 được chính thức chuyển đổi thành Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Qua 24 năm hoạt động, dưới sự chỉ đạo của Bộ KH&ĐT, Bộ Nội Vụ, sự ủng hộ của các cơ quan ban ngành trung ương và địa phương, các hiệp hội bạn, các đối tác, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp hội viên… VAFIE đã có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.