GS. Đặng Hùng Võ: “Quá cứng nhắc với condotel sẽ gây thiệt hại trong dài hạn”

GS. Đặng Hùng Võ: “Quá cứng nhắc với condotel sẽ gây thiệt hại trong dài hạn”

(ĐTCK) Việc quá cứng nhắc trong tư duy về condotel và nhiều loại hình bất động sản đa công năng khác sẽ khiến cho việc khó khăn khi định hình khung pháp lý chuẩn mực cho các sản phẩm này, và có nguy cơ gây đổ vỡ thị trường trong tương lai.

Đó là chia sẻ của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Tọa đàm trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường Condotel" do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 27/2.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Võ cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch với đường bờ biển dài đẹp, cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và đang dần được cụ thể hóa trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, nhiều khó khăn chưa được giải quyết, trong đó chính là khung pháp lý dành cho một loại hình đặc biệt được xem là gắn chặt với tốc độ phát triển du lịch thời gian vừa qua là mô hình condotel.

Phác thảo về câu chuyện condotel thời gian vừa qua, có thể khẳng định đây là một mô hình kinh doanh tiềm năng và trên thế giới từ rất lâu đã có nhiều quốc gia theo đuổi và đạt được lợi ích to lớn, đặc biệt trong việc gia tăng cơ sở lưu trú chất lượng cao cũng như tạo ra kênh đầu tư mới đầy hấp dẫn.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, cho đến nay, mô hình này lại gặp quá nhiều trắc trở khi khung pháp lý chưa thể định hình một cách hoàn chỉnh với hàng loạt vụ tranh chấp. Ngay kể cả khi Công văn 703/BTNMT-TCQLĐĐ năm 2020 hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận cho công trình xây dựng được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mới đây vẫn chưa thể xem là giải quyết triệt để được tình trạng này.

Theo ông Võ, dù tinh thần rất đáng được khen ngợi như bước đầu tạo lập được hướng đi cho việc cấp “giấy khai sinh” cho condotel, nhưng văn bản này mới chỉ giải quyết được “một nửa” vấn đề mà chưa giải quyết được cả vấn đề trong tương lai cho loại hình condotel phát triển.

Theo đó, tinh thần của văn bản này đang nhìn nhận loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel) vốn là chung cư - khách sạn theo hướng của mà Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch xác định condotel là khách sạn, không có vế chung cư. Từ đây, các địa phương phải thống nhất cách hiểu đó và văn bản này chỉ giải quyết được việc những nơi đang hiểu theo những cách khác.

Như vậy, những người mua các đơn vị bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ được cấp giấy chứng quyền sở hữu đối với công trình gắn liền với đất. Mặt khác, giấy chứng nhận không cấp cho quyền sử dụng đất sẽ làm cho người mua thiệt hại và tranh chấp sẽ xảy ra. Còn lại những vấn đề khác đều vẫn phải chờ đợi một công văn thứ hai về chuyện sửa đổi Luật Đất đai sao cho loại bỏ được sự quá chật hẹp của Luật hiện nay và phù hợp hơn với sự phát triển của thị trường bất động sản.

GS. Đặng Hùng Võ: “Quá cứng nhắc với condotel sẽ gây thiệt hại trong dài hạn” ảnh 1

Thực tế, hiện nay có 2 luồng ý kiến đang xuất hiện trên công luận: Thứ nhất, condotel là căn hộ khách sạn phục vụ kinh doanh du lịch, tức là chỉ được sử dụng có thời hạn 50 năm hoặc cùng lắm là 70 năm. Thứ hai, condotel là nhà chung cư, có thể để cho thuê, tức là được sử dụng đất lâu dài. Cả 2 ý kiến này đều được hình thành dựa trên tư duy quản lý cũ: một bất động sản chỉ sử dụng vào một mục đích.

Theo ông Võ, điều này không phù hợp trong giai đoạn hiện nay và không phù hợp với tư duy về một nền kinh tế chia sẻ mà Việt Nam đang theo đuổi.

Trên thực tế, không chỉ ở các vùng du lịch, ngay tại Hà Nội, rất nhiều loại hình căn hộ chung cư hiện nay lại đang vận hành và quản lý cho thuê khai thác kinh doanh như mô hình khách sạn. Chẳng hạn như dự án Fraser Suites hay nhiều loại hình căn hộ dịch vụ khác đang hiện hữu.

Nếu nói Fraser Suites liệt vào dạng nhà ở cũng đúng vì có công năng nhà ở và cũng được cấp sổ đỏ, nhưng liệt vào hotel cũng không sai, vì cũng đang cho thuê khai thác kinh doanh thông qua một đơn vị quản lý vận hành.

"Vì vậy, chúng ta phải đưa ra một khung pháp luật với tư duy bất động sản đa công năng theo quan niệm của kinh tế chia sẻ. Trong đó, đừng bắt một cái đa công năng bằng đơn công năng hay đừng bắt condotel hoặc là chung cư hoặc là khách sạn. Bất động sản đa công năng phản ánh một nhu cầu phát triển mới của xã hội mà chúng ta lại cứ quy nó về một tư duy cũ thì nó rất khó phát triển được", ông Võ cho biết.

Về thời hạn sử dụng đất, theo ông Võ, nên để là dài hạn giống như đất ở. Có như vậy, mới có thể thu hút được dòng vốn của các nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, việc quản lý khai thác các bất động sản đa công năng này cũng cần phải đa dạng hóa cách thức, không nhất thiết phải là hình thức người mua giao căn hộ cho chủ đầu tư khai thác kinh doanh và cam kết lợi nhuận.

Tin bài liên quan