Toàn cảnh phiên tòa xét hỏi tại phiên xét xử lần thứ 5 vào ngày 26/12.

Toàn cảnh phiên tòa xét hỏi tại phiên xét xử lần thứ 5 vào ngày 26/12.

Grab mang 65 tỷ đồng mua cổ phiếu nhưng Vinasun không bán

(ĐTCK) Hòa giải không thành công, vụ kiện đòi bồi thường giữa nguyên đơn là CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn Công ty TNHH Grab (Grap) tiếp tục diễn ra vào sáng ngày 26/12.

Tại phiên tòa lần này, 2 bên đặc biệt tranh luận về những cống hiến cho xã hội mà đối tượng được nhắc đến là tài xế, là khách hàng và thậm chí là chính sách quốc gia.

Ngoài ra, như các phiên tòa lần trước thì phía Grab tiếp tục phân tích và bác bỏ kết quả giám định thiệt hại, yêu cầu đình chỉ vụ kiện.

Hòa giải không thành vì Vinasun không nhận đầu tư của Grab

Mở đầu phiên tòa, ông Trương Đình Quý, CEO Vinasun đồng thời là đại diện của nguyên đơn tại tòa cho biết, trong thời gian vừa qua 2 bên đã gặp nhau, cố gắng hòa giải nhưng không thành công, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục vụ án.

Thẩm phán Lê Công Toại cho biết, gần 1 tháng qua tòa đã không nhận được thỏa thuận hòa giải, do đó, tòa tiếp tục phần xét hỏi và tranh luận của phiên xét xử lần thứ 5.

HĐXX đã hỏi về vấn đề thỏa thuận hòa giải, khi Grab đề nghị mua cổ phiếu Vinasun với giá cao hơn giá thị trường trị giá 65 tỷ đồng thì 2 bên đều từ chối trả lời.

Sau đó, ông Quý, đại diện Vinasun khẳng định mục đích của Vinasun khi khởi kiện là xác định thiệt hại của công ty và thông qua vụ kiện làm rõ các sai phạm của Grab. Do đó, thỏa thuận hòa giải mà không đáp ứng được mục đích làm rõ các hành vi sai phạm của Grab thì mức giá có cao hơn, Vinasun cũng không chấp nhận.

Bên cạnh đó, ông Mã Bửu Thịnh, đại diện Grab cho rằng, Grab đã có nhã ý ngồi với Vinasun ở thỏa thuận này cùng với kỳ vọng hợp tác tốt đẹp bằng cách chuyển giao một lượng xe taxi Vinasun sang sử dụng phần mềm của Grab. Đồng thời, với mức giá cổ phiếu cao hơn thị trường hiện tại mà Vinasun lại từ chối thì họ đang từ chối lợi ích thương mại của họ.

Đại diện nguyên đơn (ông Trương Đình Quý, đứng gần) và bị đơn (ông Mã Bửu Thịnh, đứng xa) đang trình bày trước phần hỏi của HĐXX 

Đại diện Vinasun, ông Quý nhấn mạnh, không đồng tình việc Grab cho rằng đang muốn đầu tư hay hỗ trợ Vinasun vì phương thức kinh doanh hiện tại của Grab là chịu lỗ, không có trách nhiệm với người lao động và xã hội sẽ khiến Vinasun sụp đổ nhanh chóng. Thay vào đó, Vinasun sẽ chấp nhận hòa giải nếu đây là tiền bồi thường thiệt hại, đồng thời Grab phải thừa nhận hành vi trái pháp luật của mình.

2 bên tranh luận về trách nhiệm đối với xã hội của nhau

Tại phần xét hỏi, HĐXX yêu cầu 2 bên trình bày về những quyền lợi của người lao động là tài xế taxi.

Phía Vinasun khẳng định tài xế taxi là người lao động của công ty nên có bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết, đối với tài xế xe nhượng quyền, Vinasun giúp tài xế kê khai thuế và tất cả tài xế đều được đảm bảo về bảo hiểm.

Phía Grab thì cho rằng, tài xế Grab không phải là người lao động của công ty do Grab không ký hợp đồng lao động với tài xế. Đại diện Grab, ông Mã Bửu Thịnh cho biết, việc không đóng bảo hiểm cho tài xế không vi phạm pháp luật. Phía Grab cũng khẳng định trách nhiệm đóng là thuộc về hợp tác xã và doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Grab không nắm được tài xế có được đối tác thực hiện hay không, hoặc cá nhân tài xế có bảo hiểm tự nguyện hay không.

Nguyên nhân đưa ra yêu cầu này theo HĐXX là do ở phiên tòa trước Grab khẳng định tạo công việc cho 175.000 người lao động và con số này là lượng tài xế Grab, tuy nhiên, tại phiên tòa lần này Grab lại khẳng định họ không phải là người lao động của Grab mà chỉ là đối tác.

Còn đối với người tiêu dùng, trong phần tranh luận, ông Thịnh - đại diện Grab đã nhắc nhở Vinasun nên tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ vì đây là điểm quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng, không phải do giá rẻ mà khách hàng chọn Grab.

Đồng thời ông Thịnh cho rằng, Vinasun tập trung vào việc kiện Grab là sự thiển cận trong việc nhìn nhận vấn đề cạnh tranh lành mạnh, nguyên đơn đang triệt tiêu mô hình kinh doanh tốt và triệt tiêu những chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ 4.0 của chính phủ.

Trong khi đó, đại diện Vinasun đề cập đến vấn đề đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng. Ông Quý cho rằng, nếu theo chiều hướng lơi lỏng cho các sai phạm của doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài thì vụ án sẽ là tiền lệ ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, hệ thống tư pháp Việt Nam, môi trường đầu tư Việt Nam. Thêm vào đó, Grab tự nhận là mang công nghệ đến với Việt Nam nhưng thực chất là không hề có ý định chuyển giao công nghệ mà chỉ hợp tác và tự quản lý.

Nhiều lần Grab khuyên Vinasun nên tìm đến Bộ GTVT để bày tỏ. Tại phiên tòa này luật sư Lưu Tiến Dũng, đại diện phía Grab tiếp tục khuyên Vinasun không nên gây thêm mệt mỏi cho Grab, HĐXX và xã hội.

Vinasun hoàn toàn có quyền khởi kiện cơ quan ban hành Đề án 24 và những vấn đề của Đề án này gây ra cho Vinasun. Vinasun không nên dùng diễn đàn này mà là phải thể hiện với Bộ GTVT, với Chính phủ để được xem xét, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp.

Kết thúc xét hỏi và tranh luận, sáng ngày 28/12/2018, phiên tòa sẽ đến phần phát biểu của đại diện Viện kiểm soát.

Tin bài liên quan