Sự vươn lên của Sea
Giá cổ phiếu Sea đã tăng 5 lần trong năm nay, một số thời điểm đưa giá trị vốn hoá thị trường của Công ty lên 100 tỷ USD. Trong khi đó, tổng giá trị thị trường của cả Gojek và Grab – 2 đối thủ lớn nhất của Sea trong khu vực chỉ đạt 24 tỷ USD.
Giá cổ phiếu Sea đã theo đà leo dốc kể từ đầu năm 2020 cho tới nay, khi các dịch vụ kinh doanh cốt lõi của Công ty, bao gồm trò chơi điện tử, thương mại điện tử và dịch vụ thanh toán điện tử, được hưởng lợi lớn nhờ người tiêu dùng thay đổi hành vi trong bối cảnh đại dịch diễn ra trên toàn cầu. UBS, ngân hàng đầu tư toàn cầu công bố báo cáo tháng 10/2020 với nhận định: Sea nhận trợ lực mạnh mẽ từ những cơn gió thuận chiều, khi người tiêu dùng chuyển sang mua sắm online và xu hướng này sẽ càng phát triển trong thế giới hậu đại dịch Covid-19.
Doanh thu của Sea trong quý III/2020 tăng 99% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,21 tỷ USD, chủ yếu nhờ đóng góp của Shopee.
Bên cạnh đó, sự vươn lên của Sea cũng phản ánh mức độ quan tâm của nhà đầu tư trên toàn cầu vào thị trường Đông Nam Á, nhất là phân khúc thương mại điện tử.
Diễn biến giá cổ phiếu Sea kể từ cuối năm 2017 tới nay |
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, giá trị thị trường của Sea dự kiến đạt 309 tỷ USD vào năm 2025. Các nhà đầu tư không hề muốn lỡ chuyến tàu tăng trưởng này, nhất là khi Sea là một trong số ít các công ty thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong khi đó, Gojek và Grab, các siêu ứng dụng cung cấp nhiều loại hình dịch vụ bao gồm chia sẻ xe, vận chuyển hàng hoá, đồ ăn và dịch vụ thanh toán đã bàn bạc sáp nhập trong gần 1 năm qua. Một số thời điểm, giới thạo tin cho rằng 2 công ty đã tìm cách thoát khỏi các cuộc đàm phán, nhưng buộc phải quay lại trước sức ép từ nhà đầu tư. Hiện tại, với việc Sea ngày càng phô diễn sức mạnh, áp lực phải bắt tay giữa Gojek và Grab ngày càng lớn.
Áp lực với Gojek và Grab
Các nhà đầu tư vào Gojek và Grab tin rằng, nếu 2 công ty sáp nhập có thể tạo nên thế mạnh tương đương với Sea, đồng thời nếu doanh nghiệp sau sáp nhập này lên sàn, sức hút đối với dòng tiền là rất tích cực. Chưa kể, việc sáp nhập sẽ khiến doanh nghiệp thu về lợi nhuận nhanh chóng, khi giảm được đáng kể chi phí cạnh tranh hiện tại.
Điểm vướng lớn nhất trong thương vụ này là việc ai sẽ nắm quyền kiểm soát thị trường Indonesia, hiện đang là thị trường lớn nhất đối với cả Gojek và Grab. Nhiều phương án tái cấu trúc đã được đưa ra, bao gồm kế hoạch trong đó Kevin Aluwi và Andre Soelistyo – đồng CEO Gojek sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động tại Indonesia và có trách nhiệm báo cáo tới người đứng đầu doanh nghiệp sau sáp nhập là Anthony Tan – người sáng lập và CEO Grab.
Tuy nhiên, còn nhiều băn khoăn về mức độ “tự trị” tại thị trường Indonesia sẽ ra sao… dẫn tới việc chưa có phương án nào được thống nhất. Việc IPO doanh nghiệp vì vậy cũng càng xa vời.
Trong bức thư gửi tới toàn thể nhân viên Gojek vào đầu tháng 12/2020, Aluwi và Soelistyo cho biết, hiện không có áp lực lớn nào buộc Công ty phải gắn với kế hoạch sáp nhập cùng Grab.
“Chúng ta đang có nguồn vốn tốt, đủ khả năng để tiếp tục hoạt động và tăng trưởng trong những năm tới”, 2 vị CEO Gojek cho biết.
Tài xế Grab và Gojek trên đường phố Indonesia |
Chia sẻ với Nikkei Asia, một nhà đầu tư vào Grab cho biết: “Chúng tôi (các nhà đầu tư) đánh giá đội ngũ của cả Gojek và Grab là những người thực tế. Cả 2 phía đã nhiều lần rút lui khỏi việc đàm phán, nhưng cũng từng ấy lần quay trở lại bàn bạc. Áp lực từ phía nhà đầu tư trong một số trường hợp là cần thiết để tạo nên thoả thuận”.
Bên cạnh việc so sánh với hoạt động của Sea, cũng như giá cổ phiếu của doanh nghiệp này trên thị trường, còn một lý do khác khiến các nhà đầu tư thúc đẩy quá trình đàm phán sáp nhập, nhất là từ phía Grab. Cụ thể, Grab nhiều khả năng sẽ phải trả khoản 2 tỷ USD cho Uber Technologies nếu Công ty không niêm yết cho tới tháng 3/2023. Đây là một phần trong thoả thuận mà Grab đã đồng ý khi thâu tóm hoạt động của Uber tại Đông Nam Á năm 2018 bằng cách nhượng lại cổ phần.
Các nhà đầu tư đã liên tục rót tiền vào nhóm cổ phiếu công nghệ tại thị trường Mỹ trong năm nay, từ ứng dụng giao thức ăn DoorDash cho tới nền tảng chia sẻ nơi ở AirBnB, nhất là khi 2 công ty này đã IPO thành công. Điều này cũng ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ của các nhà đầu tư lớn tại Gojek và Grab.
Đáng chú ý, có nhiều lý do để tin rằng, việc về cùng một nhà là cần thiết để Gojek và Grab có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến của các công ty công nghệ tại khu vực Đông Nam Á.
Tại một số địa phương nhất định, GoPay và OVO, ứng dụng thanh toán điện tử của Gojek và Grab đang là người dẫn đầu. Dịch vụ thanh toán là một yếu tố quan trọng giúp hoàn thiện hệ sinh thái siêu ứng dụng, đồng thời tạo thêm sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng sử dụng dịch vụ của Gojek và Grab. Tuy nhiên, trong những tháng qua, Shopee Pay, dịch vụ thanh toán của Sea đã bứt tốc mạnh mẽ, khiến sức nóng cạnh tranh thêm phần gay gắt.
Dù sinh sau đẻ muộn so với GoPay và OVO, chỉ vừa ra mắt thị trường Indonesia vào tháng 8/2020, ngay đợt cao điểm dịch Covid-19, nhưng Shopee Pay đã nhanh chóng lôi kéo nhiều khách hàng nhờ các chương trình khuyến mãi khủng – đúng theo chiến lược “đốt tiền” mà Gojek và Grab từng thực hiện.
Sea mạnh tay chi tiền để Shopee Pay nhanh chóng chiếm thị phần |
Trong khi đó, đại dịch khiến Gojek và Grab gặp nhiều khó khăn hơn trong một số hoạt động cốt lõi, buộc cả 2 doanh nghiệp phải sa thải lượng lớn nhân viên, tiến hành tái cấu trúc hệ thống. Còn Sea lại đang thu lợi nhuận lớn từ mảng trò chơi điện tử và có nguồn lực để “vung tiền” giành thị phần cho Shopee Pay.
Một vấn đề đáng quan tâm khác khi Grab và Gojek sáp nhập là câu chuyện độc quyền. Ngay từ khi Grab thâu tóm hoạt động của Uber tại Philippines và Singapores, các vụ kiện chống độc quyền đã xuất hiện và trở thành “cơn đau đầu” đối với Công ty. Sự việc chắc chắn sẽ không dễ dàng nếu Gojek và Grab hợp thành một tại thị trường Indonesia, nơi cả 2 ông lớn này đều đang thống trị thị trường dịch vụ chia sẻ xe và giao đồ ăn.
Ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Bộ điều phối hàng hải và đầu tư Indonesia, cánh tay phải của Tổng thống Joko Widodo chia sẻ với Nikkei Asia rằng, chính phủ Indonesia không có lý do để can thiệp vào việc sáp nhập của Grab và Gojek nếu 2 bên đạt được thoả thuận.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trong thực tế, chính phủ quốc gia luôn muốn có sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường để tạo thế cân bằng. Việc sáp nhập giữa 2 công ty lớn có thể tạo nên sức ảnh hưởng khổng lồ đối với thị trường, có khả năng “gây hại” cho người tiêu dùng, cũng như tình huống “sa thải” khối lượng lớn người lao động.