Từ phiên đấu giá bất thành
Cuối năm 2016, Công ty TNHH Ðầu tư Sông Ðà Việt Ðức Hà Nam (thuộc CTCP Ðầu tư Sông Ðà Việt Ðức) đã tổ chức bán đấu giá tài sản đảm bảo gồm nhà xưởng, máy móc…, nhưng bất thành do không có người tham gia. Ðây là nguyên nhân do Sông Ðà Việt Ðức Hà Nam đưa ra, còn theo Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank), lý do thất bại là vì lãnh đạo công ty này đã thực hiện không đúng, không đầy đủ theo biên bản làm việc mà các bên đã thống nhất về phương thức xử lý tài sản đảm bảo.
Sau đó, vào cuối năm 2018, GPBank đã khởi kiện vụ việc ra tòa án, yêu cầu Sông Ðà Việt Ðức Hà Nam phải thanh toán 578 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 360 tỷ đồng. Trường hợp khách hàng không trả được nợ, ngân hàng có quyền xử lý tài sản đảm bảo. Các yêu cầu của ngân hàng đã được tòa án sơ thẩm chấp thuận. Tuy nhiên, doanh nghiệp không đồng tình và đã kháng cáo bản án. Theo đó, giữa tháng 8/2019, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Diễn biến vụ việc như sau: Vào năm 2010, GPBank và Sông Ðà Việt Ðức Hà Nam ký hợp đồng tín dụng. Mục đích vay để xây dựng nhà máy sản xuất bê tông ở Hà Nam. Tổng dư nợ cho vay là 420 tỷ đồng (chiếm 70% giá trị dự án). Thời hạn vay 48 tháng, ân hạn gốc và lãi 12 tháng đầu.
Ðể đảm bảo cho khoản vay, Sông Ðà Việt Ðức Hà Nam thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, bao gồm vốn tự có, nhà xưởng, máy móc, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đứng tên Công ty. Theo báo cáo hiệu quả kinh tế của chủ đầu tư, giá trị tài sản là hơn 800 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty mẹ Sông Ðà Việt Ðức còn thế chấp thêm một số tài sản khác giá trị 20 tỷ đồng và cam kết sẽ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ với GPBank nếu Việt Ðức Sông Ðà Hà Nam không trả được nợ.
Từ năm 2011-2014, GPBank đã giải ngân 89 khế ước nhận nợ số tiền 358 tỷ đồng. Sông Ðà Việt Ðức Hà Nam mới thanh toán được 168 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 57 tỷ đồng. Theo chứng thư thẩm định giá, giá trị đầu tư tài sản theo hồ sơ là 520 tỷ đồng, giá trị còn lại trừ khấu hao là 402 tỷ đồng. Tính đến 7/10/2018, GPBank xác nhận nợ gốc và lãi của Việt Ðức Sông Ðà Hà Nam là hơn 600 tỷ đồng.
Doanh nghiệp “tố ngược” ngân hàng
Các khoản nợ gốc và lãi trên đã được 2 bên thống nhất qua những buổi làm việc. Nhưng khi vụ việc ra tòa án, doanh nghiệp phản đối về cách tính nợ gốc và lãi cho rằng, Việt Ðức Sông Ðà Hà Nam đã trả nợ 57 tỷ đồng thì nợ gốc còn khoảng 300 tỷ đồng. GPBank nhập khoản lãi 60 tỷ đồng vào nợ gốc và tính lãi cho các kỳ sau là không đúng.
Doanh nghiệp này cũng cho rằng, phụ lục hợp đồng sửa đổi thì thời hạn vay không quá 124 tháng, kỳ trả nợ cuối cùng là năm 2022. Mặt khác, việc GPBank chậm giải ngân các năm 2012, 2013 và đột ngột ngừng giải ngân năm 2014 đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án, dẫn đến doanh nghiệp bị thiếu nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh và phải huy động từ các nguồn khác. Năm 2017, tổng tài sản đầu tư và bị ngừng giải ngân là hơn 600 tỷ đồng. Mỗi năm, doanh nghiệp bị khấu hao tài sản là 40 tỷ đồng, tổng thiệt hại ước tính trong 4 năm là 283 tỷ đồng.
Công ty mẹ Ðầu tư Việt Ðức Sông Ðà cũng lý giải, việc ngân hàng chậm giải ngân đã gây thiệt hại đến nguồn vốn của Công ty. Giai đoạn 2015-2017, Công ty phải đầu tư hơn 56 tỷ đồng cho Việt Ðức Sông Ðà Hà Nam, mỗi năm khấu hao thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng, tổng trong 3 năm là 28 tỷ đồng. Cả 2 doanh nghiệp đề nghị ngân hàng phải bồi thường toàn bộ số tiền trên.
Hợp đồng rõ ràng, doanh nghiệp hết “chối”
Mặc dù vụ việc không rắc rối vì các tài sản đảm bảo đều đăng ký giao dịch đảm bảo, song tòa án đã phải tạm ngừng phiên tòa vì doanh nghiệp lấy cớ để trì hoãn. Tại phiên tòa ngày 17/7/2019, các doanh nghiệp đã xuất trình 18 tập chứng từ, kế toán tài chính các năm, dẫn đến tòa án hoãn phiên tòa để kiểm tra số liệu. Ðến ngày 23/8/2019, doanh nghiệp tiếp tục có đơn xin hoãn phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ. Ðáng chú ý, đại diện cả 2 doanh nghiệp đều vắng mặt và các đơn thư không có dấu của công ty, nên tòa án không coi là hợp pháp.
Hội đồng xét xử thấy rằng, điều khoản hợp đồng tín dụng thể hiện, hình thức giải ngân theo tiến độ dự án. Mỗi lần mở thủ tục vay, doanh nghiệp phải báo trước ngân hàng 2 ngày và cung cấp tài liệu chứng minh mục đích vốn vay…
Về nguyên tắc, ngân hàng chỉ thực hiện giải ngân khi doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu rút vốn. Trên thực tế, ngân hàng đã giải ngân số tiền 418 tỷ đồng (cộng cả 60 tỷ đồng tiền lãi trong thời gian ân hạn gộp vào nợ gốc) là theo đúng thỏa thuận của các bên. Tại các biên bản làm việc, doanh nghiệp không có ý kiến về việc tính nợ gốc và lãi, đông thời không xuất trình được tài liệu năm 2012, 2013 có đơn đề nghị giải ngân mà bị ngân hàng từ chối.
Cấp phúc thẩm cũng cho rằng, con số thiệt hại đưa ra là do doanh nghiệp tự lập, không có căn cứ. Do đó, tòa án không chấp nhận đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm và buộc công ty phải thanh toán cho ngân hàng số tiền trên.