Năm 2011, Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí (GPbank) ký hợp đồng tín dụng với vợ chồng anh Trương Văn Q. số tiền 2 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh mặt hàng đồ gỗ.
Thời hạn vay 12 tháng, lãi suất thả nổi thay đổi 1 tháng/lần; lãi suất kỳ đầu tiên là 22,5%/năm. Lãi suất cho vay các kỳ tiếp theo bằng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 21 tháng trả lãi cuối kỳ cộng biên độ 8,5%/năm.
Để đảm bảo cho khoản vay trên, khách hàng đã ký hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba gồm 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Quá trình vay, bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán. GPBank tính nợ đến ngày 28/2/2019 gồm nợ gốc là 2 tỷ đồng; nợ lãi trong hạn 70 triệu đồng; nợ lãi quá hạn 4 tỷ đồng và lãi phạt 144,9 triệu đồng. Tổng cộng là 6,3 tỷ đồng.
Đầu năm 2019, cấp sơ thẩm là TAND huyện Đông Anh đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ngân hàng, buộc bên vay phải trả nợ gốc và lãi là 5,4 tỷ đồng. Trường hợp khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng có quyền đề nghị phát mại xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Bản án sơ thẩm không chấp nhận khoản tiền lãi quá hạn và tiền lãi phạt 819 triệu đồng.
Sau phiên tòa trên, ngân hàng đã kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm xác định lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn và khoản tiền lãi phạt 819 triệu đồng.
Mới đây, TAND TP Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ việc trên.
HĐXX nhận định, do hợp đồng tín dụng đến nay chưa thực hiện xong nên áp dụng Bộ Luật dân sự năm 2005, Luật các tổ chức tín dụng để giải quyết.
Tại thời điểm vay, hai bên thỏa thuận lãi suất cho vay là phù hợp với Thông tư 12/2010/TTNHNN ngày 14/4/2010 của NHNN. Việc các bên thỏa thuận lãi suất phạt chậm trả là không phù hợp. Do đó, tòa sơ thẩm không chấp nhận là có căn cứ.
Về mức lãi suất, cấp phúc thẩm cho rằng, theo quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của NHNN quy định lãi suất cơ bản áp dụng từ năm 2010 là 9%/năm, đến nay không thay đổi.
Theo thỏa thuận, lãi suất thả nổi, thay đổi 1 tháng/1 lần lãi suất trong hạn kỳ đầu tiên là 22,5%; lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn được xác định khi khoản vay chuyển sang quá hạn.
Tuy nhiên, từ năm 2012, NHNN có quyết định điều chỉnh lãi suất để ổn định kinh tế, các ngân hàng phải tuân thủ thực hiện. Mức lãi suất cho vay sẽ thay đổi theo việc điều chỉnh lãi suất của NHNN từng thời điểm.
Cụ thể, theo Thông tư số 20/2012 ngày 8/6/2012 của Thống đốc NHNN quy định, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 13%/năm. Từ năm 2012 đến nay, NHNN có nhiều thông tư điều chỉnh lãi suất theo từng thời kỳ và mức lãi suất giảm dần từ 12%/năm xuống 6,5%/năm.
Tòa án thấy rằng, ngân hàng yêu cầu khách hàng thanh toán mức lãi suất quá hạn 150% trên mức lãi suất 22,5% kể từ năm 2012 đến ngày xét xử sơ thẩm là quá cao.
Cấp sơ thẩm không chấp nhận phần lãi suất quá hạn vượt quá mức lãi suất theo hợp đồng và lãi phạt 819 triệu đồng là đúng. Từ đó, HĐXX không chấp nhận đơn kháng cáo của ngân hàng.