Google Cloud cung cấp các giải pháp quản lý cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể phát triển hệ thống công nghệ của mình một cách chính xác, hiện đại

Google Cloud cung cấp các giải pháp quản lý cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể phát triển hệ thống công nghệ của mình một cách chính xác, hiện đại

Google vào cuộc chơi blockchain và cơ hội cho doanh nghiệp Việt

0:00 / 0:00
0:00
Tương lai của blockchain còn bất định, nhưng những tay chơi lớn nhất về công nghệ, như Google đã đặt cược nghiêm túc vào lĩnh vực này, tạo bệ đỡ cho các start-up.

Những khoản đầu tư nặng đô

Tuần qua, Ban Điều hành Liên minh Blockchain Việt Nam (Vietnam Blockchain Union - VBU) và rất nhiều CTO/CEO/CXO đến từ các tập đoàn lớn tại Việt Nam như Masan, Vietjet, AhaMove, Tiki - Astra Project, OneMount, Kardiachain, GFS Venture... đã có cuộc gặp gỡ với Google Cloud và AMD for Web3.

Có rất nhiều thông tin giá trị và nóng sốt với sự đầu tư “nặng đô” của Google vào lĩnh vực Web3 - blockchain được tiết lộ. Những thông tin đó trở thành động lực cho những người đang dấn thân vào gây dựng thị trường blockchain Việt Nam thêm động lực vượt qua mùa đông gian khó sắp tới.

Có thể thấy, những tay chơi lớn nhất đã đặt cược nghiêm túc vào lĩnh vực này, dù tương lai còn bất định.

Thay vì lập nên các công ty blockchain riêng, nhiều ông lớn công nghệ chọn cách “bơm tiền” vào những cái tên có ý tưởng sáng tạo mà họ tin là sẽ góp phần mang lại giá trị cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình.

Điển hình trong giai đoạn từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022, Alphabet (công ty mẹ của Google) đã góp mặt vào 4 vòng gọi vốn với khoản đầu tư lên đến 1,56 tỷ USD vào các công ty blockchain. Động thái này biến họ thành công ty đại chúng đầu tư mạnh mẽ nhất vào lĩnh vực blockchain.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Công ty Blackrock, với 3 vòng gọi vốn, đã đầu tư 1,17 tỷ USD. Theo sau là gã khổng lồ ngành ngân hàng Morgan Stanley, với 2 vòng gọi vốn, đầu tư 1,1 tỷ USD. Gã khổng lồ điện tử Samsung cũng dẫn đầu về số vòng gọi vốn góp mặt, cụ thể là 13 vòng, với tổng vốn đầu tư 979 triệu USD; trong khi Goldman Sachs chiếm vị trí thứ 5, với 698 triệu USD. Samsung đã thể hiện chiến lược đầu tư trên phạm vi rộng nhất, đầu tư vào tổng cộng 15 lĩnh vực khác nhau, bao gồm các dịch vụ blockchain, nền tảng phát triển, NFT và mạng xã hội.

Đáng chú ý, MasterCard đã vắng mặt trong danh sách trên, mặc dù trong giai đoạn trước tháng 9/2021, đây là một trong 3 nhà đầu tư tích cực nhất dựa trên số lượng giao dịch. Kể từ thời điểm đó, Công ty chủ yếu tiến hành các chương trình ươm tạo và tăng tốc cho 4 công ty khởi nghiệp về blockchain.

Theo Blockdata, MasterCard cũng đã mua lại công ty tiền điện tử CipherTrace vào tháng 9/2021 nhằm tăng cường các giải pháp an ninh mạng.

Có thể thấy rằng, ngày càng nhiều công ty đặt cược vào blockchain, dẫu biết tương lai của công nghệ này còn nhiều bất định. Tuy nhiên, lĩnh vực blockchain sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm tới. Chính vì điều đó, các công ty lớn muốn tạo dựng sức ảnh hưởng và lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ mới mẻ này.

Trang Finbold cho biết, tính đến tháng 7/2022, các công ty tiền mã hóa đã gọi vốn được hơn 29 tỷ USD, thấp hơn 2 tỷ USD so với tổng giá trị 31 tỷ USD ghi nhận trong cả năm 2021. Ngoài ra, nhiều dự án trong số này thuộc lĩnh vực trò chơi, nghệ thuật, giải trí và công nghệ sổ cái phân tán (DLT).

Tầm cỡ “anh cả”

Trên thế giới hiện có 65 kỳ lân liên quan đến Web3 (định giá 1 tỷ USD) với vốn hóa thị trường cuối tháng 8 trên 1.000 tỷ USD. Điều này cho thấy, dù muốn hay không thì blockchain, Web3 đã, đang và sẽ bùng nổ. Năm 2021, các quỹ đầu tư mạo hiểm (VCs) đầu tư vào Việt Nam đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 1,5 lần so với năm 2019.

CEO Shailesh Lakhani của Quỹ đầu tư Sequoia Capital cho rằng, cùng với Cleantech (công nghệ sạch), EV (xe điện), Web3 sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong những tháng tới.

“Dù có vài ‘con sâu’ đang làm xấu bộ mặt Web3, nhưng chúng tôi cũng chứng kiến rất nhiều câu chuyện thành công của các dự án start-up. Các quỹ đầu tư chỉ nên để mọi thứ lắng xuống, chứ không nên dừng lại chỉ vì một vài ‘con sâu’ này”, ông Shailesh Lakhani nói.

Hồi tháng 6/2022, Sequoia Capital đã ra mắt 2 quỹ mới với trọng tâm sẽ rót vốn vào các công ty khởi nghiệp Web3. Công ty khởi nghiệp Web3 Payments Nume Crypto gần đây đã huy động được khoảng 2 triệu USD của Sequoia Capital.

Giới phân tích cho rằng, đáng lẽ từ Web2 (tập trung) lên Web3 (phi tập trung), thì những công ty đang mang tính tập trung như Google phải lo sợ. Nhưng thực tế, Google đang thiết lập những hạ tầng quan trọng nhất cho thế giới về Web3.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc quốc gia của Google Cloud Vietnam, Google đang đầu tư một đội về tài sản kỹ thuật số với đầu não nằm ở New York (Mỹ) và khu vực châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương đều có đội hỗ trợ khách hàng về giao dịch, lưu trữ giá trị và triển khai sản phẩm mới trên nền tảng dựa trên blockchain.

Đặc biệt, Google có bộ phận Google Labs với hơn 100 nhà khoa học trình độ cao. Đây là một trong những đội ngũ hiếm hoi báo cáo trực tiếp cho CEO Google là Sundar Pichai.

Đây là một sự đầu tư rất lớn của Google. Khi lên Web3, những gì tìm kiếm được trên Google sẽ không tìm kiếm được trên Web3. Mọi thứ sẽ thay đổi rất nhiều.

Đó cũng là cơ hội cho những người gây dựng thị trường. Điều quan trọng là làm sao để xây dựng được sản phẩm nhanh nhất, tốn ít chi phí nhất dựa trên những nền tảng có sẵn của Google để đưa ra cho khách hàng sử dụng nhanh nhất.

Đại diện Quỹ đầu tư A16z cho rằng, bất kể những bong bóng hỗn loạn và rất nhiều đợt thị trường sập, thì hệ sinh thái Web3 đã minh chứng được một tiềm năng tăng trưởng ổn định trong dài hạn.

A16z là quỹ đầu tư lớn nhất trong ngành blockchain và Google đang đứng thứ hai, với 1,6 tỷ USD đầu từ vào blockchain toàn cầu.

Ông Mitesh Argawal, CTO của Google Cloud Đông Nam Á và cũng là lãnh đạo của đội Web3 tại châu Á -Thái Bình Dương cho biết, tăng trưởng của lĩnh vực phần mềm trong 10 năm qua là quá sức ấn tượng.

Được biết, mọi thứ Google xây dựng mặc định là mở và có mã nguồn mở. Trong vòng 2 tuần tới, Google sẽ công bố một dịch vụ độc nhất để người dùng có một dữ liệu blockchain mà tất cả mọi người đều có thể truy cập.

Có thể nói, sau thất bại trong các dự án liên quan đến kính thực tế ảo và mạng xã hội Google+, cũng như lệnh cấm quảng cáo tiền mã hóa, Google dần trở nên kín tiếng đối với dự án mới, đặc biệt là tiền mã hóa.

Google đã im hơi lặng tiếng, trong khi các đối thủ liên tục “nổ súng” tấn công Web3. Các đại gia công nghệ khác như Twitter, Facebook (hiện đổi tên thành Meta) đã đi trước, khi liên tục công bố kế hoạch liên quan đến vũ trụ ảo (Metaverse) và Web3, thế hệ Internet tiếp theo được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain và tiền mã hóa. Pháp lý chưa rõ ràng có thể là lý do khiến Google chậm chân.

Tuy nhiên, tháng 8/2021, Google đã chính thức gỡ bỏ lệnh cấm quảng cáo tiền mã hóa trên nền tảng tìm kiếm của mình. Bước đi này được xem là dấu hiệu cho thấy, Google đã có kế hoạch với blockchain.

Đầu tháng 11/2021, Google bổ nhiệm Clay Bavor, Phó chủ tịch chuyên tư vấn cho tổ chức khởi nghiệp phụ trách Labs và bộ phận nghiên cứu thiết bị và phần mềm liên quan đến thực tế ảo.

Việc tách riêng bộ phận blockchain là bước đi cho thấy, Google đã có những kế hoạch dài hơi với Web3 và tiền mã hóa. Mới đây, BNB Chain (thuộc Binance) bắt tay với Google Cloud nhằm cung cấp hạ tầng, tín dụng điện toán đám mây và các cố vấn cho một số công ty khởi nghiệp Web 3.0 và blockchain.

Sự hợp tác này đã giúp BNB Chain nhanh chóng nối gót Google bước vào thế giới Web 3.0. Cụ thể, hơn 1.300 ứng dụng phi tập trung dựa trên BNB Chain đang hoạt động từ lĩnh vực DeFi,

Metaverse, GameFi đến NFT, được cấp quyền truy cập vào các công cụ và hạ tầng được cung cấp bởi cả hai nền tảng. Đặc biệt, khoảng 150 dự án phát triển trong chương trình ươm mầm của BNB sẽ được tiếp cận nguồn vốn của Google để làm các dự án giai đoạn đầu trong 2 năm.

Đại diện Liên minh Blockchain Việt Nam cho rằng, Google có tư duy kiểu “anh cả” khi rất nghiêm ngặt trong việc phát triển sản phẩm có nguy cơ “đè lên” các start-up trong hệ sinh thái. Chẳng hạn, dù đã có Google Pay, nhưng không chạm vào mảng ví tiền (Wallet). Thay vào đó, họ tập trung vào những nền tảng và dịch vụ lớn nhất để làm “bệ đỡ” cho toàn bộ hệ sinh thái.

Bốn lợi thế của thị trường Việt Nam

Các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tạo tác động lớn về mặt xã hội và trở thành một phần hệ sinh thái khởi nghiệp đặt nền móng cho tương lai. Gần đây, họ nhận ra, thay vì tìm đến Thung lũng Silicon, họ đã đến châu Á, cụ thể hơn là Đông Nam Á, bởi khu vực này đang nuôi dưỡng một hệ sinh thái màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp và sản sinh ra những kỳ lân triển vọng. Trong đó, Việt Nam là một lựa chọn.

Thị trường Việt Nam đang sở hữu 4 lợi thế lớn.

Thứ nhất, Chính phủ thúc đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ các start-up công nghệ nói chung và blockchain nói riêng với sự ra đời của khá nhiều tổ chức, hiệp hội về blockchain, cùng sự hậu thuẫn của các bộ, ban, ngành. Đối với các nhà đầu tư, Việt Nam đang là môi trường tuyệt vời vì không cấm đoán khắt khe, nhưng cũng không mạo hiểm thả lỏng cho blockchain.

Thứ hai, tỷ lệ chấp nhận của người dùng Việt Nam thuộc loại cao trên thế giới, nên sẽ dễ đón nhận Web3; hạ tầng

Internet với số lượng người dùng Web2 đông, khi chuyển sang Web3 sẽ nhanh chóng. Vậy nên, việc phát triển công ty ở Việt Nam có thể dựa vào cộng đồng bản địa làm đà tiến ra quốc tế dễ dàng hơn.

Thứ ba, nguồn lực lập trình viên công nghệ ở Việt Nam khá dồi dào. Nơi đây có nhiều công ty có thâm niên cho các dự án Top 100 thế giới. Mặt bằng blockchain của Việt Nam không quá chênh lệch so với các nước. Đây là mảng hiếm hoi mà Việt Nam có các công ty nổi bật có khách hàng và được nhắc tới trên phạm vi toàn cầu, như AXS, C98, Kyber... Đó là lợi thế để tiếp tục phát triển sản phẩm.

Thứ tư, Web3 không có biên giới quốc gia, nên sản phẩm từ Việt Nam có thể nhanh chóng lan ra toàn cầu, thay vì chỉ tiếp cận được thị trường địa phương, nhất là các công ty Web2 có thể tiếp cận toàn cầu nếu chuyển lên Web3.

Thời điểm này, khi thị trường tạm lắng, các nhà phát triển sẽ tập trung xây dựng sản phẩm, thay vì marketing, gọi vốn, nên sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng trong thời gian tới.

Web3 là thế hệ thứ ba của Internet, sử dụng công nghệ sổ cái phi tập trung (DLT), máy học (ML) và dữ liệu lớn. Người dùng có thể lướt web thoải mái hơn và phân tích dữ liệu hiệu quả hơn nhờ thị trường blockchain Web3. Thị trường Web3 toàn cầu được dự đoán sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 43,7%, đạt 81,5 tỷ USD vào năm 2030.

Tin bài liên quan