Google và Amazon "chật vật" để sa thải nhân viên ở châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi công bố các đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử, các công ty công nghệ lớn của Mỹ hiện đã thấy được mức độ khó khăn khi muốn giảm số lượng nhân viên ở châu Âu bởi các quy định chặt chẽ bảo vệ người lao động của khu vực này.
Google và Amazon "chật vật" để sa thải nhân viên ở châu Âu

Ở Mỹ, các công ty có thể thông báo cắt giảm việc làm trên diện rộng và sa thải hàng trăm, hàng nghìn nhân viên trong vòng vài tháng - và thực tế nhiều công ty đã làm như vậy. Nhưng ở châu Âu thì lại khác, tình trạng sa thải hàng loạt trong các công ty công nghệ đã gặp nhiều cản trở do các biện pháp bảo vệ người lao động ở châu lục này khiến việc sa thải người lao động hàng loạt ở một số quốc gia hầu như không thể xảy ra nếu không có sự tham vấn trước với nghiệp công.

Điều này đã khiến hàng nghìn nhân viên lĩnh vực công nghệ rơi vào trạng thái lấp lửng, không chắc liệu họ có bị ảnh hưởng bởi các cuộc đàm phán có thể kéo dài vô thời hạn hay không.

Tại Pháp, Amazon đang cố gắng khiến một số nhà quản lý cấp cao ở đó từ chức bằng cách treo "lủng lẳng" một năm lương và cho phép nhân viên nghỉ việc được thưởng thêm cổ phiếu và được trả dưới dạng tiền thưởng.

Cả ở Pháp và Đức, nơi luật lao động nằm trong số những nước mạnh nhất ở EU, Google hiện đang đàm phán với các hội đồng lao động do đại diện nhân viên được bầu đàm phán với ban quản lý về các vấn đề lực lượng lao động. Theo luật, các công ty phải thương lượng với các hội đồng này trước khi thực hiện sa thải nhân viên — một quy trình có thể kéo dài bao gồm các bước thu thập thông tin, đàm phán và chi trả các khoản đã cam kết.

Vì những yêu cầu này , các chi nhánh của Google ở ​​Đức và Pháp sẽ là một trong những nơi cuối cùng bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm nhân sự. Google cũng thừa nhận đã có các cuộc đàm phán và nói thêm rằng họ không có kế hoạch thực hiện việc sa thải ở Romania, Hy Lạp hoặc Áo.

Người phát ngôn của Google cho biết: “Chúng tôi đã làm việc cẩn thận và riêng lẻ ở từng quốc gia nơi đang diễn ra việc cắt giảm nhân sự để tuân thủ đầy đủ các yêu cầu pháp lý của địa phương, quy định pháp lý ở từng địa phương là khác nhau nên vấn đề này rất phức tạp và mất thời gian”.

Tại Pháp, nơi Google có khoảng 1.600 nhân viên, một hội đồng lao động đang đàm phán với công ty này về việc có bao nhiêu nhân viên sẽ được đưa vào kế hoạch nghỉ việc tập thể tự nguyện. Có thể cần đến vài tuần nữa mới có giải pháp và trong thời gian chờ đợi, mọi thứ sẽ tiếp tục như bình thường. Theo một nhân viên đang làm việc tại đây thì ban quản lý đã nói rõ rằng sẽ không có ai bị buộc thôi việc.

Ngược lại, ở Anh nơi các biện pháp bảo vệ người lao động không nghiêm ngặt, ước tính có khoảng 500 trong số 8.000 nhân viên của Google sẽ phải rời đi, theo Matthew Waley, đại diện của Unite the Union - tỷ lệ sa thải 6% này là phù hợp với mục tiêu cắt giảm nhân sự toàn cầu của công ty. Điều tương tự đang xảy ra ở Ireland và ở Thuỵ Sĩ, nơi các công đoàn cho rằng Google đang có kế hoạch sa thải 240 nhân viên và 200 nhân viên tại văn phòng của 2 nước này.

Các nhân viên của Google gần đây đã thành lập một hội đồng lao động xuyên quốc gia, dành cho các quốc gia ở EU. Nó dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động trong khoảng 6 tháng nữa và sẽ là một tiếng nói tập thể mạnh mẽ trong các cuộc tham vấn trong tương lai. Theo Waley, điều này thể hiện “một sự thay đổi lớn”, vì công ty sẽ phải thông báo trước cho nhân viên nhiều hơn về việc tái cơ cấu nhân sự. Hội đồng Lao động châu Âu này sẽ bao gồm các đại diện là nhân viên của Google và sẽ phục vụ trong nhiệm kỳ bốn năm. Các thành viên hội đồng này phụ trách đàm phán với ban quản lý của Google và có trụ sở chính tại Dublin (Ireland).

Parul Koul, chủ tịch của Công đoàn Alphabet cho biết: “Mặc dù các tiêu chuẩn đối xử khác nhau không tạo ra xích mích giữa các nhân viên của Google trên khắp thế giới, nhưng mọi người đã nhận ra cách mọi thứ diễn ra ở Mỹ so với Pháp và Đức là khác nhau. Những người lao động Mỹ đang được truyền cảm hứng khi thấy mọi thứ đang diễn ra ở những nơi khác và đó là một kế hoạch chi tiết cho những gì mọi người có thể đấu tranh”.

Cắt giảm việc làm không chỉ ảnh hưởng đến nhân viên ngành công nghệ. Trong khoảng thời gian 6 tháng qua, các công ty đã cắt giảm khoảng nửa triệu nhân viên trên khắp thế giới. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong ngành công nghệ là đặc biệt nghiêm trọng sau khi nhiều công ty thừa nhận đã mở rộng quá nhanh sau khi nhận thấy nhu cầu tăng đột biến trong thời gian đóng cửa vì Covid-19.

Sau khi các trường học, văn phòng và cửa hàng bắt đầu mở cửa trở lại, tốc độ tăng trưởng của các dịch vụ trên web từ việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội đến các ứng dụng giao đồ ăn đã chậm lại đáng kể, buộc các công ty này phải đánh giá lại triển vọng kinh doanh của họ.

Hơn 170.000 nhân viên công nghệ (full time) được Amazon, Alphabet và Meta tuyển dụng ở châu Âu và Anh, trong đó các kỹ sư phần mềm thường kiếm được mức lương chỉ bằng một nửa so với các đồng nghiệp của họ ở Mỹ. Tại Amazon Pháp, với khoảng 1.500 nhân viên văn phòng ở Paris, một số quản lý cấp cao có từ 5 đến 8 năm kinh nghiệm đã được đề nghị trả lương tới một năm để nghỉ việc. Người này nói rằng các nhân viên nghỉ việc được phép ở lại cho đến tháng 5 và được trả tiền thưởng.

Tại chi nhánh của Amazon ở Đức, công ty này đã bắt đầu sa thải những người vẫn đang trong thời gian thử việc và đưa ra các đề xuất cho những người tự nguyện rời đi. Tại Luxembourg, các nhân viên Amazon sắp rời công ty đã được thưởng thêm một tháng lương cho mỗi năm làm việc. Các ưu đãi sa thải đã bắt đầu vào giữa tháng trước và mọi người sẽ rời đi vào ngày 1 tháng 4 hoặc ngày 1 tháng 6 tùy thuộc vào việc họ có chọn tham gia thời hạn hai tháng để tìm kiếm việc làm mới hay không.

Tin bài liên quan