Hãng tin AFP dẫn lại thông báo về việc này của ông Karan Bhatia - phó chủ tịch chính sách công toàn cầu và quan hệ chính phủ của Google - đăng trên blog công ty.
"Chúng tôi ủng hộ diễn tiến hướng đến một cơ chế khung quốc tế, toàn diện trong việc đánh thuế các công ty đa quốc gia", thông cáo nêu.
"Thuế thu nhập doanh nghiệp là cách thức quan trọng để các công ty đóng góp cho đất nước và cộng đồng nơi họ triển khai hoạt động kinh doanh, và chúng tôi muốn có một môi trường thuế khiến mọi người cảm thấy hợp lý và thỏa đáng".
Quan điểm của Google về việc đánh thuế với các công ty đa quốc gia được nêu ra vào đúng thời điểm các nhà lãnh đạo thuộc nhóm G20 nhóm họp tại Osaka, Nhật Bản.
Một phần trong các nội dung nghị sự sẽ bàn về những kế hoạch thiết lập hệ thống thuế toàn cầu, nhằm mục tiêu giúp một số nước tăng nguồn thu ngân sách từ việc đánh thuế với các hãng công nghệ.
Cũng tại thời điểm này, Pháp đang chủ trương triển khai luật đánh thuế riêng của nước này với các ông lớn công nghệ số căn cứ theo tổng thu nhập của họ thay vì lợi nhuận. Quan điểm này đang vấp phải phản ứng từ Washington.
Theo Google, một thay đổi lớn trong cơ chế khung đánh thuế với các công ty đa quốc gia, nếu được thực hiện, sẽ khiến các ông lớn công nghệ của thung lũng Sillicon giảm bớt tiền thuế phải đóng cho nước Mỹ và tăng thêm tiền thuế đóng tại những nước khác.
Điều này sẽ là thay đổi đột phá so với "truyền thống" lâu nay là họ phải đóng thuế hầu hết tại quốc gia quê nhà là Mỹ.
Google cho biết nhìn chung mức thuế công ty này phải đóng trong 10 năm qua là 23%, phù hợp với mức trung bình 23,7% theo quy định với các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên hầu hết tiền thuế này Google đóng cho chính quyền Mỹ.
"Chúng tôi không phải là công ty duy nhất nộp hầu hết thuế thu nhập doanh nghiệp tại quốc gia quê nhà của mình", ông Bhatia nói.