Google từng bị Pháp xử phạt 267 triệu USD vì lạm dụng vị thế thống lĩnh trong quảng cáo trực tuyến vào tháng 6/2021. Ảnh: AFP
Tranh chấp giữa Google và các tòa án của Liên minh châu Âu (EU) kéo dài nhiều năm qua, xoay quanh việc xác định xem liệu hãng công nghệ Mỹ có sử dụng hệ điều hành Android để ngăn chặn sự cạnh tranh hay không.
Tòa sơ thẩm của Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Tòa sơ thẩm châu Âu) cho biết họ "hầu như xác nhận quyết định của Ủy ban Châu Âu rằng Google đã áp đặt các hạn chế trái pháp luật đối với các nhà sản xuất thiết bị di động Android và các nhà khai thác mạng di động nhằm củng cố vị trí thống trị của công cụ tìm kiếm của doanh nghiệp này".
Trong một thông cáo gửi đài CNBC, Google cho biết: "Chúng tôi rất thất vọng vì Tòa án đã không hủy bỏ toàn bộ quyết định. Android đã tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho tất cả mọi người, không phải ít hơn mà nó hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp thành công ở châu Âu và trên toàn thế giới".
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên phạt Google 4,34 tỷ EUR vào năm 2018 và đây là mức phạt lớn nhất mà hãng công nghệ Mỹ gánh chịu từ trước đến nay. Ủy ban châu Âu cho biết khoảng 80% người châu Âu sử dụng Android và Google đã tạo lợi thế cho các ứng dụng của họ, chẳng hạn như trình duyệt Chrome và công cụ tìm kiếm Google Search, bằng cách buộc các nhà sản xuất điện thoại thông minh cài đặt sẵn chúng trong gói cung cấp trên kho ứng dụng Google Play.
Phía Google cho rằng các điện thoại Android phải cạnh tranh với điện thoại iPhone sử dụng hệ điều hành iOS và việc sử dụng Android vẫn cho phép người tiêu dùng lựa chọn hãng sản xuất điện thoại, nhà khai thác mạng di động và vẫn có cơ hội gỡ bỏ các ứng dụng của Google và cài đặt các ứng dụng khác.
Trong phán quyết công bố ngày 14/9, Tòa sơ thẩm châu Âu cho biết mức tiền phạt mới (4,125 tỷ EUR) là "phù hợp nếu xét về mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm".
Tòa sơ thẩm châu Âu cho rằng mô hình kinh doanh của Google "hơn hết dựa vào việc tăng số lượng người dùng các dịch vụ tìm kiếm trực tuyến của mình để có thể bán dịch vụ quảng cáo trực tuyến của mình", trong khi Apple tập trung vào việc bán các thiết bị di động thông minh cao cấp hơn. Trong khi đó, Google lý giải rằng mô hình đó cho phép họ cung cấp miễn phí phần lớn các dịch vụ của mình.
Hiện Google vẫn có thể kháng cáo phán quyết lên Tòa án cấp cao nhất của EU.
Ngoài lùm xùm chống độc quyền, Google cũng đã bị EU xử phạt trong hai vụ việc khác, bao gồm án phạt 2,42 tỷ EUR vì ưu tiên dịch vụ mua sắm so sánh của riêng mình trong các kết quả chung hiển thị từ các trang tìm kiếm; và án phạt 1,49 tỷ EUR vì ngăn các chủ sở hữu website cung cấp các kết quả tìm kiếm từ các đối thủ của Google.
Vào tháng 6/2022, Google được cho là đã đồng ý để các trung gian quảng cáo của đối thủ đặt quảng cáo trên YouTube, một bước đi được cho là nhằm né tránh một án phạt khác từ cuộc điều tra xem liệu Google có hạn chế quyền truy cập của các đối thủ và nhà quảng cáo vào dữ liệu người dùng hay không.