Trước đó, theo The Sun day Telegraph (Anh), Liên minh châu Âu (EU) đã cáo buộc "gã khổng lồ công nghệ” sử dụng vị thế độc quyền để thúc đẩy các dịch vụ mua sắm của mình trên công cụ tìm kiếm Internet thay vì "đối xử" một cách công bằng với tất cả các kết quả tìm kiếm.
EU cho rằng hành vi của Google vi phạm các quy định về chống độc quyền của EU do hành vi này bóp chết cạnh tranh và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Vụ việc xảy ra từ năm 2010, bắt đầu từ một cuộc điều tra chống độc quyền trên hệ điều hành điện thoại Android - một yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Google để duy trì doanh thu từ quảng cáo trực tuyến.
Mặc dù chưa đưa ra kết quả cuối cùng, những điều tra sơ bộ cho biết Google có hệ thống làm nổi bật những quảng cáo riêng của công ty bằng cách lạm dụng vị trí thống trị của mình trong công cụ tìm kiếm trên Internet.
Tuy nhiên, cho đến nay Google bác bỏ những cáo buộc của EU, cho rằng EU không có những bằng chứng và giải thích rõ ràng cho quyết định điều tra chống độc quyền nhằm vào gã khổng lồ này, cũng như nhấn mạnh thêm rằng EU "không có cơ sở để phạt tiền."
Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin liên quan đến vấn đề trên cho biết, sau ba lần thỏa hiệp thất bại trong suốt sáu năm qua, hiện Google không có phương án giải quyết các cáo buộc trừ khi EU thay đổi lập trường của mình.
Theo tờ Telegraph, các quan chức của EU dự kiến sẽ thông báo mức phạt vào đầu tháng 6. Theo đó số tiền phạt có thể lên tới 10% doanh thu hàng năm của Google. Cụ thể, trong vụ kiện này, Google có thể bị phạt tới hơn 6 tỷ euro (7 tỷ USD), trở thành vụ kiện có mức phạt cao nhất từ trước đến nay.
Cho đến nay, hãng sản xuất chip điện tử Intel là doanh nghiệp bị lĩnh án phạt chống độc quyền cao nhất, với số tiền 1,1 tỷ euro năm 2009.
Google cũng sẽ bị cấm tiếp tục thao túng kết quả tìm kiếm để tạo lợi thế cho bản thân và gây tổn hại cho các đối thủ.
Được biết, EC đã bắt đầu điều tra các cáo buộc chống độc quyền mà Microsoft, Tripadvisor, StreetMap và các công ty khác đưa ra chống lại Google từ năm 2010.