Nhà đầu tư Minh Khang chia sẻ, từng kịch liệt lên án tình trạng mua bất động sản chờ lên giá rồi bán kiếm lời, do đó với số vốn 500 triệu đồng sau khi tham khảo nhiều ý kiến đã quyết định đầu tư cổ phiếu với hy vọng góp chút gì đó vào giá trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau 2 năm tham gia đầu tư chứng khoán, Minh Khang nhận thấy, bạn bè thì có xe hơi và nhiều bất động sản, còn mình thì còn lại 100 triệu đồng. “Tôi thật sự mất niềm tin vào thị trường và cả những chân lý tốt xấu mà trước giờ tôi cho là đúng”, Minh Khang chia sẻ trên chương trình Bí mật đồng tiền số 27.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI nhìn nhận, đây là “nhà đầu tư chuẩn luôn”, vì ý muốn rất rõ ràng là kiếm tiền, dù số tiền ban đầu chưa nhiều. Ngoài ra, nhà đầu tư này cũng có những mục tiêu theo đuổi thay vì chỉ kiếm tiền bằng cách mua đi bán lại.
Theo ông Hưng, mong muốn kiếm tiền và có mục tiêu của nhà đầu tư là đúng, nhưng nếu theo đuổi lý tưởng này ở giai đoạn hiện nay thì hơi khó, mà phải kiên nhẫn, cần nhiều thời gian hơn.
Với góc nhìn của nhà đầu tư, ông Nguyễn Thanh Tùng, nhà đầu tư 9x, Phó giám đốc chi nhánh Nest By Asia cho rằng, thị trường không thiếu cơ hội ở mọi thời điểm nào, nếu cầm một cổ phiếu mà thấy rủi ro, khó sinh lời, thì nên đổi danh mục, tìm cổ phiếu mới, mục đích mới, hướng đi mới.
Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh kéo dài, nhiều nhà đầu tư chưa kịp bán trước đà giảm đang phải ‘gồng lỗ’, nhưng việc gồng lỗ hiện nay của nhiều nhà đầu tư cá nhân là không vững chắc, mà chỉ là những kỳ vọng có phần không thực tế. Vậy gồng lỗ có cần có mục tiêu hay không?
Theo quan điểm ông Nguyễn Gia Khánh, chuyên viên tư vấn SSI, mua vì cái gì thì bán vì cái đó. Trong quá trình cổ phiếu giảm, phải xác định yếu tố tác động là gì, có thay đổi gì so với thời điểm mình mua. Nếu yếu tố tác động là ảnh hưởng chung thị trường, chưa thay đổi về cơ bản của doanh nghiệp, thì tiếp tục mua vào để quân bình giá.
"Không cổ phiếu có cơ bản nào có thể xuống mãi được", ông Khánh cho biết.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hưng bày tỏ, việc trung bình giá, nếu chỉ hiểu đơn giản là giá cổ phiếu giảm thì mua thêm, thì việc này rất không nên làm, mà cần đánh giá lại triển vọng doanh nghiệp, hoạt động của họ có gì thay đổi, rồi mới tính, chứ không mua tiếp chỉ vì giá giảm mà mặc kệ doanh nghiệp, kệ thị trường.
"Cứ mua giá cao, nay có 3 cây sàn mua tiếp thì trung bình giá là không nên. Có câu nói, không nên yêu cổ phiếu chúng ta đầu tư, vì rất khó thoát ra được. Trong đầu tư cần rất khó tính, giống như người ta nói dễ thương thì đáng yêu, nhưng mà dễ yêu thì đáng thương", ông Hưng dí dỏm nói.
Còn ông Tùng chia sẻ thêm, đối với cảm giác thua lỗ rất tệ khi tham gia thị trường, khó nhất là đối mặt và tìm ra giải pháp. Ở giai đoạn này, ông Tùng đưa ra 3 lưu ý muốn gửi đến nhà đầu tư.
Thứ nhất, xem lại phương pháp của mình có phù hợp không, mức kỳ vọng lợi nhuận 15 - 30% là rất an toàn. Mỗi lần không đạt thì đổi phương pháp, mỗi lần giải ngân mà thắng thì ổn.
Thứ hai, tái cơ cấu danh mục trong downtrend – điều không ai muốn, nhưng bắt buộc, vì đang lỗ thì phải xem lại danh mục. Theo đó, những cổ phiếu penny phải bán hết bằng mọi giá, midacap và bluechip thì đánh giá lại doanh nghiệp để xem cổ phiếu có tiềm năng trong dài hạn không. Còn cổ phiếu có tính chu kỳ cao như thép, chứng khoán, bất động sản thì thực sự cần nghiêm túc và khắt khe để đãi cát tìm vàng.
Thứ ba, xây lại tháp tài sản, vẫn có những cổ phiếu tốt để tích luỹ dài hạn cho tương lai, có lớp tài sản phòng vệ, có lớp tài sản đầu tư. Dài hạn có thể sử dụng cổ phiếu đầu ngành để lấy lại lợi nhuận trong tương lai.
"Tôi có làm thống kê, trong downtrend, tầm 36 tháng thì cổ phiếu lại đi lên", ông Tùng chia sẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, các F0 gồng lỗ giỏi, còn gồng lãi kém. Lý giải điều này, ông Khánh cho rằng, nhà đầu tư muốn lấy tiền lãi về nhanh nhất có thể, họ mới tham gia ngay thị trường uptrend, nhắm mắt mua và T+3 đã bán ngay, thu lãi về dễ dàng quá, nhưng thực ra họ không đi hết được quãng đường đi lên của cổ phiếu đang trong đà tăng.
Bẫy tâm lý thì các nhà kinh tế học nghiên cứu rất lâu về “hiệu ứng ngược vị thế”, nôm na là chốt lãi nhanh còn cắt lỗ chậm. Ông Hưng nhận định, đây là vấn đề rất khó xử lý không chỉ F0 mà cả các nhà đầu tư trên thế giới.
"Nói theo cách ngôn tình thì ta dễ dàng từ bỏ những thứ không nên từ bỏ, và cố gắng níu giữ không nên níu giữ", ông Hưng ví von và cho biết, việc xử lý rất khó, cần tư duy nhìn rộng hơn, có danh mục thì đừng chỉ nhìn vào 1 cổ phiếu đã thua lỗ và đau đáu với nó, nên nhìn vào cả danh mục. Khi đó, danh mục chỉ giảm một chút, điều này không sao cả và việc cắt lỗ không bị nhiều thiệt hại.
"Nếu cứ gồng lỗ, chúng ta sẽ mất đi chi phí cơ hội, bởi nếu cắt lỗ, chúng ta có cơ hội mua được các cổ phiếu khác có cơ hội đầu tư tốt hơn. Do đó, không nên chỉ nhìn cổ phiếu lỗ nào đó và cuối cùng cứ tắc ở đấy", ông Hưng đưa lời khuyên.
Theo ông Hưng, chờ đợi hồi phục là điều mà nhà đầu tư nào cũng đang mong mỏi lúc này. Nhìn lại đợt giảm như giai đoạn 2009 - 2011, 2008-2019, 2014, 2018, 2020 và 2022 và ngắn nhất là 2020 do ảnh hưởng của Covid. Các giai đoạn này, chỉ số giảm mạnh trong thời gian ngắn, giảm một nửa, như 600 điểm về 300 điểm, có năm 1200 điểm về 200-300 điểm, còn nay thì mức giảm theo phần trăm chưa nhiều, nhưng thời gian kéo dài nên ‘cứa” khá đau.
Vậy khi thị trường hồi phục, nhóm nào sẽ hồi phục trước, nhóm nào phục hồi mạnh hơn? Theo ông Hưng, theo lý thuyết, các cổ phiếu nhỏ khi hồi thường tăng khá nhanh, nhưng ông không theo trường phái này, nên thường chọn midcap hoặc bluechip, còn cổ phiếu penny lâu rồi ông không để ý.
Nhiều nhà đầu tư gặp tình trạng, thị trường vừa hồi, cổ phiếu vừa hồi đã vội vàng bán để giảm lỗ. Tuy nhiên, ông Hưng đưa ra lời khuyên, quan trọng là mã gì, với những mã mà mình không thích lắm thì nên đảo sang một cơ hội tốt hơn, còn cổ phiếu để đầu tư dài hạn, triển vọng tăng trưởng còn và giá còn cách xa giá mục tiêu thì nên giữ.
Đồng quan điểm, ông Khánh cho biết, có cổ phiếu khó hồi và cách tăng không giống với thị trường, giá cổ phiếu cứ loanh quanh vùng giá đấy thì tốt nhất nên dồn sang một cổ phiếu hiểu rõ và “nuôi” cổ phiếu đó.
Trong khi đó, ông Tùng chia sẻ về chiến thuật “chiếc thuyền”, bắt nguồn từ thói quen chi tiêu lãng phí hàng ngày, không coi trọng các khoản tiền nhỏ lẻ như 3 triệu, 5 triệu, nhiều người xem 10 triệu vẫn là nhỏ không đầu tư được. Vậy thì mình tích luỹ số tiền nhỏ này hàng tháng, qua thời gian thống kê, nếu đi đều như vậy thì có 2 điểm được lợi là trung bình giá vốn và giúp loại bỏ được các rủi ro thị trường như tâm lý lên xuống, fomo, có thời gian đầu tư vào công việc đang làm và tài sản vẫn tăng
"Cứ 3 triệu/tháng từ 2015 tới nay, qua 2 lần downtrend, tích luỹ cổ phiếu tốt, từ 180 triệu có thể tăng lên 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng", ông Tùng nói.