Hiện tại, ngân hàng thương mại nào cũng có công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu của chính ngân hàng mẹ, còn trên bình diện quốc gia, năm 2003, Bộ Tài chính đã thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), nhưng chủ yếu để xử lý nợ của khối doanh nghiệp nhà nước có quy mô nhỏ và không thể cổ phần hoá được do hoạt động sản xuất - kinh doanh thua lỗ.
Việc nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây cho thấy, hoạt động mua bán nợ không hiệu quả. Chính vì vậy, theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, một mặt, phải yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, chủ động xử lý nợ xấu; mặt khác, phải khẩn trương thành lập AMC.
“Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nên xúc tiến ngay việc xây dựng nghị định quy định về tổ chức, hoạt động của AMC. Thậm chí, phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có chế tài đủ mạnh xử lý khối nợ xấu ước tính không dưới 10% tổng dư nợ ngân hàng”, ông Tuyển đề xuất.
Hoạt động mua bán nợ xấu của DATC không đạt hiệu quả như mong muốn, một phần do cơ chế hoạt động của định chế tài chính này quá hạn hẹp, nguyên tắc mua bán nợ không rõ ràng, trong khi nguồn vốn quá nhỏ (2.500 tỷ đồng). Chính vì vậy, mặc dù tôn chỉ hoạt động của DATC là không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng DATC cũng không thể mua nợ bằng mọi giá, trong khi chủ nợ không muốn bán nợ với “giá bèo”, nên nhiều khoản nợ không thể xử lý được.
“Để xử lý vấn đề này, trong nghị định quy định về tổ chức, hoạt động của AMC, cần quy định cụ thể về nguyên tắc xác định mức chiết khấu của từng loại nợ (giá mua nợ xấu), nếu AMC và chủ nợ không thỏa thuận được về giá. Cụ thể, nếu khoản nợ xấu đến mức nào đó thì buộc chủ nợ phải bán cho AMC với giá chiết khấu. Bởi nếu cứ để dây dưa, thì nợ xấu lại càng thêm xấu, không chỉ khiến lưu chuyển vốn trong nền kinh tế bị ách tắc, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế”, ông Tuyển nói.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước không thể cấp vốn cho AMC, với số tiền ước tính lên đến 100.000 tỷ đồng, định chế tài chính này cũng chưa thể huy động ngay vốn ngoài xã hội do vừa được thành lập, vì thế, theo ông Tuyển, phương án tốt nhất hiện nay là nâng cấp DATC thành AMC, trên cơ sở mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh để DATC phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn.
“AMC là tổ chức tài chính nhà nước, vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên phải là lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng giám đốc là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các thành viên Hội đồng thành viên gồm đại diện của nhiều bộ, ngành và Hiệp hội Ngân hàng”, ông Tuyển đề xuất.
Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội Khoá XI, bà Dương Thu Hương băn khoăn trước Đề án thành lập AMC trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Theo bà Hương, nếu Chính phủ chấp thuận Đề án của Ngân hàng Nhà nước thì sẽ có 2 tổ chức cùng xử lý nợ xấu, dẫn đến chồng chéo trong hoạt động; hơn nữa, với vốn dự kiến của AMC lên đến 100.000 tỷ đồng, ngân sách khó kham nổi.
“Nợ xấu của hệ thống tín dụng phải tính cả khoản nợ xấu tiềm ẩn và sẽ phát sinh trong tương lai gần nếu không có các giải pháp xử lý hữu hiệu. Nếu tính cả những khoản này, thì tỷ lệ nợ xấu phải ở mức rất cao, chứ không phải 8 - 10%. Điều đó có nghĩa là, xử lý nợ xấu đã và đang trở thành vấn đề cấp bách. Trong khi đó, để đưa một định chế tài chính mới vào hoạt động phải mất khá nhiều thời gian. Vì vậy, nên cân nhắc việc nâng cấp DATC, thay vì thành lập một AMC mới”, bà Hương nói.
Theo ông Dương Thanh Hiền, Phó tổng giám đốc DATC, dù tổ chức nào đứng ra xử lý nợ xấu (thành lập AMC hoặc nâng cấp DATC), thì cũng cần có chế tài đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích của các tổ chức tín dụng, tổ chức xử lý nợ xấu và doanh nghiệp là con nợ. Cụ thể, nghị định quy định về tổ chức, hoạt động của AMC và các văn bản hướng dẫn phải quy định rõ, nợ xấu đến mức nào thì tổ chức tín dụng buộc phải bán cho AMC theo giá chiết khấu, tuỳ thuộc vào từng khoản nợ, từng con nợ.
Ông Hiền nhấn mạnh, AMC là định chế tài chính của Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng phải bảo toàn và phát triển vốn, vì thế, cần phải quy định, sau khi mua nợ, chuyển tiền cho ngân hàng, AMC tái cơ cấu doanh nghiệp con nợ, tổ chức bán nợ nếu có lãi thì phải chia lại một phần cho tổ chức tín dụng là chủ nợ cũ để bảo đảm lợi ích cho cả người bán nợ và người mua nợ, đồng thời giải quyết được bài toán giá mua - bán nợ.
“Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, ngoài khoản nợ mà công ty mua bán nợ mua theo chỉ đạo của Chính phủ, các khoản nợ khác, công ty mua bán nợ thường mua với giá bằng 30 - 40% hoặc 60 - 70% giá trị của từng khoản nợ, sau khi bán lại nợ, nếu có lãi, phải chia theo tỷ lệ 30/70 hoặc 40/60, trong đó, tổ chức tín dụng là chủ nợ cũ được hưởng 60% hoặc 70% phần lãi”, ông Hiền cho biết.