Câu chuyện quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã được mổ xẻ, phân tích rất nhiều, nhưng chưa có câu trả lời cuối cùng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Cần phải tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ ngành, địa phương đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Hiện đã có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện chức năng là cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp rồi, thưa ông?
Chúng ta thành lập SCIC đã được 10 năm, nhưng Tổng công ty này cũng mới chỉ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp với tổng giá trị hơn 8.800 tỷ đồng, trong đó có 6 tổng công ty đã cổ phần hóa.
Song song với quá trình tiếp nhận vốn, SCIC đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa nên số lượng doanh nghiệp và số vốn mà SCIC làm đại diện chủ sở hữu không nhiều. Hầu hết số vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp hiện nay vẫn được quản lý rải rác, phân tán ở nhiều bộ, ngành và UBND cấp tỉnh. Sự quản lý phân tán đã dẫn đến sử dụng vốn không hiệu quả, thậm chí chỗ thừa thì phải gửi ngân hànghưởng lãi suất thấp, còn chỗ thiếu phải đi vay với lãi suất rất cao.
Chính vì vậy, Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII xác định, phải thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Có nghĩa là nâng cấp SCIC trở thành một cơ quan quản lý nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc là một doanh nghiệp nhà nước đặc biệt chịu trách nhiệm quản lý, đầu tư vốn nhà nước?
Mô hình của cơ quan quản lý vốn, tài sản nhà nước thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuy nhiên, theo tôi cơ quan này không nên là cơ quan quản lý nhà nước về vốn.
Cơ quan này chỉ là đầu mối thống nhất quản lý và đầu tư vốn, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Cơ quan này chịu trách nhiệm đầu tư vốn tại những ngành nghề, lĩnh vực mà thành phần kinh tế khác không đầu tư, chưa đầu tư, hoặc không được đầu tư, chứ không cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.
Ngoài ra, cơ quan này còn chịu trách nhiệm điều tiết vốn nhà nước từ doanh nghiệp thừa sang doanh nghiệp thiếu, tránh tình trạng như hiện nay, cùng là doanh nghiệp nhà nước, cùng là doanh nghiệp có vốn nhà nước có “nơi ăn không hết, nơi lần chẳng ra”.
Theo ông, cơ quan quản lý, đầu tư vốn này sẽ trực thuộc đầu mối nào?
Vấn đề này đã được nhiều chuyên gia kinh tế, cũng như các nhà hoạch định chính sách, lập pháp bàn bạc, tranh luận và có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tựu trung lại thì cơ quan này có thể trực thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Tài chính.
Theo tôi, cơ quan này do đầu mối nào quản lý trực tiếp không quan trọng, vì các bộ quản lý ngành theo chức năng, quyền hạn của mình đều thực hiện quản lý nhà nước đối với cơ quan này. Ví dụ, về vốn do Bộ Tài chính giám sát, về đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm, về nhân sự do Bộ Nội vụ, về lương thưởng cũng như chế độ đãi ngộ đối với người lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý…
Cơ quan này đầu tư vào lĩnh vực nào sẽ do lĩnh vực đó quản lý. Đơn cử như thoái vốn hoặc đầu tư thêm vốn vào ngân hàng thương mại thì phải thực hiện theo quy định liên quan đến ngân hàng, tổ chức tín dụng; đầu tư vào công ty niêm yết phải thực hiện theo quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán…
Hiện tại thì SCIC vừa quản lý vốn, vừa đầu tư vốn dưới hình thức đầu tư theo cơ chế thị trường, nhưng nhiều khoản phải đầu tư theo chỉ định. Theo ông, cơ quan quản lý vốn nhà nước sẽ hoạt động theo phương thức nào?
Cơ quan này chỉ đầu tư vốn theo cơ chế thị trường, đầu tư vốn vào doanh nghiệp với tư cách là cổ đông, chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Cơ quan này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, tức là họ có toàn quyền đầu tư.
Có thể hình dung cơ quan này như một quỹ đầu tư đại diện cho hơn 90 triệu cổ đông, tức là đại diện cho hơn 90 người dân, vì đây là vốn, tài sản của người dân. Không nên giao cho cơ quan này phải đầu tư các khoản theo chỉ định của Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ.
Giả sử trong những năm tới, Chính phủ thấy vẫn cần phải đầu tư vào những lĩnh vực nào đó, nếu có giao cho cơ quan này đầu tư thì phải tách bạch khoản đầu tư này với khoản đầu tư theo cơ chế chế thị trường. Đầu tư theo thị trường phải thực hiện nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu và nếu anh đầu tư bị lỗ, nguyên nhân lỗ nếu do chủ quan thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.