Dự báo này được công bố vào thứ Ba (5/3), diễn ra sau sự sụt giảm mạnh về giá của một số kim loại chuyển tiếp năng lượng được săn lùng nhiều nhất. Mục đích sử dụng cuối cùng của các vật liệu như niken, đồng, lithium và coban rất đa dạng, bao gồm xe điện, tuabin gió và các tấm pin mặt trời.
Goldman Sachs cho biết giá vẫn còn dư địa để giảm và thị trường giá xuống vẫn chưa kết thúc.
“Mặc dù giá kim loại pin giảm đáng kể, với giá niken, lithium và coban lần lượt giảm 60%, 80% và 65% so với mức đỉnh của chu kỳ, chúng tôi tin rằng còn quá sớm để kết luận các thị trường giá xuống tương ứng này sẽ kết thúc một cách quyết định”, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết.
Các chiến lược gia của Goldman Sachs dự báo giá của các kim loại này sẽ tiếp tục giảm trong 12 tháng tới, trong đó giá coban có thể giảm 12%, giá niken giảm 15% và giá lithium cacbonat giảm 25%.
Trên thị trường lithium, doanh số bán xe điện tăng trưởng chậm lại, bao gồm cả thị trường xe điện hàng đầu là Trung Quốc, và tình trạng dư cung trên thị trường đã khiến giá lithium giảm 80% trong năm qua, khiến các công ty khai thác lithium phải tạm dừng và thu hẹp quy mô các dự án mở rộng. Sau những cảnh báo về việc xem xét dự án và các động thái nhằm bảo toàn vốn từ các công ty khai thác lithium của Mỹ và Úc, một số công ty khai thác lớn nhất của Trung Quốc cũng cảnh báo về sự sụt giảm lợi nhuận và khả năng ghi giảm tài sản.
Albemarle - nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới - cho biết sự sụt giảm giá lithium trong năm qua đang cản trở việc tái đầu tư vào nguồn cung mới của công ty.
Tuy nhiên, theo các giám đốc điều hành và nhà phân tích, việc trì hoãn phát triển nguồn cung mới trong bối cảnh giá thấp đang tạo tiền đề cho cuộc khủng hoảng nguồn cung lithium tiếp theo vào cuối thập kỷ này.
Mặt khác, tình trạng dư cung cũng đang đè nặng lên thị trường coban và giá. Theo báo cáo thường niên của nhà kinh doanh coban Darton Commodities có trụ sở tại Anh, sự dư thừa có thể kéo dài trong nhiều năm, cho đến năm 2028.
Andries Gerbens, Giám đốc của Darton Commodities cho biết: "Việc tăng cường sản xuất ở Indonesia và bởi nhà sản xuất Trung Quốc CMOC tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã thúc đẩy nguồn cung tăng 17% vào năm ngoái, so với mức tăng trưởng nhu cầu là 12% trong bối cảnh nhu cầu xe điện tăng trưởng chậm hơn".
Thị trường niken cũng đang ở thị trường giá xuống trong bối cảnh dư cung.
Nhà xuất khẩu niken hàng đầu Indonesia cho biết vào tuần trước rằng, nước này sẽ đảm bảo một thị trường được cung cấp đầy đủ để giữ chi phí cho các nhà sản xuất xe điện ở mức thấp hơn và các nhà đầu tư không nên mong đợi sự phục hồi giá.
Một số nhà sản xuất niken đã công bố cắt giảm sản lượng do giá sụt giảm.
“Dư thừa ở Indonesia rất lớn và điều đó hiện đang ảnh hưởng đến giá niken loại I. Chúng tôi thực sự cho rằng điều đó có thể tiếp tục cho đến cuối thập kỷ này”, Mike Henry, giám đốc điều hành của gã khổng lồ khai thác BHP cho biết.
Ewa Manthey, chiến lược gia hàng hóa tại ING cho biết, bất chấp giá niken sụt giảm, Indonesia khó có thể làm chậm nguồn cung vì nước này có khả năng phục hồi tốt hơn trước khả năng cắt giảm sản lượng do lao động giá rẻ, trợ cấp điện và nguyên liệu thô dồi dào.
“Trong khi đó, tổng thống mới đắc cử của Indonesia, ông Prabowo Subianto có thể sẽ tiếp tục triển khai các chính sách khai thác mỏ của chính phủ hiện tại ở nước này. Chúng tôi tin rằng sản lượng tăng ở Indonesia sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá niken trong năm nay”, Manthey lưu ý.
Nhưng một số nhà phân tích dự đoán rằng tình trạng thặng dư sẽ bắt đầu giảm sớm hơn lo ngại và giá niken sẽ phục hồi sớm hơn dự kiến.
Jim Lennon, nhà phân tích của Macquarie tin rằng xu hướng giảm giá của niken sắp kết thúc, vì bằng chứng thực tế ở Trung Quốc cho thấy nhu cầu mạnh hơn nhiều so với dữ liệu chính thức.
“Về cơ bản, nhu cầu ở Trung Quốc mạnh hơn nhiều so với số liệu của hầu hết mọi người…thặng dư năm nay sẽ nhỏ hơn nhiều so với dự kiến trước đây, do đó có thể khiến thị trường thay đổi nhanh hơn rất nhiều”, ông cho biết.