Goldman Sachs ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất 10 năm tới, với nhu cầu dầu thô sẽ đạt đỉnh khoảng 110 triệu thùng/ngày vào năm 2034. Yếu tố chính là do nhu cầu dầu gia tăng ở châu Á và nhu cầu về các sản phẩm dầu mỏ ngày càng tăng.
Trong khi đó, nhu cầu gia tăng có thể gây ra tình trạng thiếu nguồn cung, đặc biệt nếu các công ty tiếp tục giảm chi tiêu vốn. Theo một cuộc khảo sát do Oil & Gas Journal thực hiện, chi tiêu của 6 nhà sản xuất dầu lớn, bao gồm cả ExxonMobil và Chevron, có thể giảm tới 3,8 tỷ USD trong năm nay.
Nikhil Bhandari, Giám đốc điều hành tại Goldman Sachs cho biết: “Chúng tôi cho rằng nhu cầu đạt đỉnh còn phải mất một thập kỷ nữa và quan trọng hơn là sau thập kỷ đạt đỉnh, nhu cầu sẽ ổn định thay vì giảm mạnh trong vài năm nữa”.
“Trong khi nhu cầu dầu đạt đỉnh vẫn còn một thập kỷ nữa mới đến, nguồn vốn dành cho sản xuất dầu thô và các sản phẩm dầu đang chậm lại, góp phần hạn chế nguồn cung trong trung hạn”, báo cáo cho biết.
Giá dầu đã sụt giảm vào cuối năm 2023, một phần do sản lượng dầu thô bùng nổ ở Mỹ và các nước khác, nhưng sản xuất của Mỹ dự kiến sẽ chậm lại, với việc Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô trong nước sẽ chỉ tăng 2% so với mức ghi nhận vào năm 2023.
Các nhà sản xuất dầu khác cũng đang tiếp tục giảm sản lượng. Theo thông cáo từ cuộc họp gần đây nhất, OPEC+ đã quyết định gia hạn cắt giảm nguồn cung 2,2 triệu thùng/ngày đến năm 2025.
Giá dầu đã tăng cao hơn trong tháng qua khi thị trường cân nhắc triển vọng cung và cầu. Dầu Brent đã tăng 8% so với mức thấp vào đầu tháng 6 và đang giao dịch quanh mức 84/thùng.
Nhu cầu xăng đang tăng lên và lượng dự trữ dầu và nhiên liệu giảm khi Mỹ đang bước vào giai đoạn tiêu thụ cao điểm trong mùa hè.
Nhà phân tích thị trường độc lập Tina Teng cho biết: “Giá dầu tăng do triển vọng nhu cầu lạc quan và lượng tồn kho của Mỹ giảm. Khi Bắc bán cầu bước vào mùa hè nóng nực và mùa bão sắp tới, nhu cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới”.