Vẫn khó cho doanh nghiệp
Ý kiến các chuyên gia nêu ra tại Hội thảo: “Góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp” cho rằng, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP đã có một số nội dung cải cách, nhưng cần đổi mới hơn nữa.
Hội thảo do Tạp chí Nhà đầu tư - cơ quan của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp cùng Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), với sự bảo trợ thông tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, tổ chức ngày 13/12 vừa qua.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, dự thảo đã thể hiện tư tưởng cải cách theo hướng điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng để được phát hành trái phiếu cả ở thị trường trong và ngoài nước không còn khắt khe như trước.
Điều này sẽ giúp trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhiều hơn khi có nhu cầu gọi vốn qua kênh trái phiếu. Tuy nhiên, nhiều nội dung tại dự thảo còn có ý kiến trái chiều, nên Ban soạn thảo cần lắng nghe, tiếp thu để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, điểm gây khó cho doanh nghiệp gọi vốn qua trái phiếu thể hiện trong dự thảo là quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhưng báo cáo tài chính vẫn phải kiểm toán. Theo ông Nghĩa, việc phát hành riêng lẻ có nghĩa là chủ yếu dựa vào niềm tin của nhà đầu tư, nên không cần thiết kiểm toán, nếu có kiểm toán càng tốt.
Mặt khác, ý kiến từ chuyên gia cho rằng, đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải kiểm toán là khó khả thi, bởi với 23 công ty kiểm toán hiện tại, họ kiểm toán trên 1.000 công ty trên sàn chứng khoán đã quá tải. Do đó, nếu buộc các loại hình doanh nghiệp ngoài sàn chứng khoán phải kiểm toán báo cáo tài chính mới được phát hành trái phiếu thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ phát hành.
Một nội dung chưa hợp lý nữa tại dự thảo, theo nhìn nhận của các chuyên gia, là đặt ra quy định về lưu ký trái phiếu. Trái phiếu phát hành riêng lẻ thì lưu ký để làm gì? Đã lưu ký trái phiếu thì cần tổ chức sàn giao dịch, chứ lưu ký không thôi chẳng có ý nghĩa gì. Trong khi trên thực tế có tình trạng một nhà phát hành bán trái phiếu cho một nhà đầu tư, lưu ký trở nên không cần thiết.
Dự thảo quy định việc mua lại trái phiếu trước hạn chỉ được thực hiện khi trái phiếu đã được lưu hành tối thiểu 1 năm kể từ ngày được phát hành. Quy định này, theo các chuyên gia, là chưa hợp lý, vì tổ chức phát hành có quyền tự vay, trả và chịu trách nhiệm về khoản vay. Quy định theo hướng này làm ảnh hưởng đến tính linh hoạt của trái phiếu.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Chính phủ thường xuyên đảo nợ, nên doanh nghiệp cũng cần được làm như vậy. Họ đang nợ ngân hàng và sắp đến hạn trả nợ thì doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu để lấy tiền trả nợ và đảm bảo sản xuất - kinh doanh. Điểm này rất cần cân nhắc để điều chỉnh cho phù hợp, nếu không, Nghị định sẽ khó khả thi khi áp dụng.
“Tôi vừa nhận được bản đăng ký phát hành trái phiếu của một tổ chức vào Trung Quốc chỉ với 2 trang thông tin, nhưng rất rõ ràng, đầy đủ về xếp hạng doanh nghiệp, tổng tài sản, thông tin của người phát hành... Trong khi dự thảo nghị định đưa ra quy định về phương án phát hành trái phiếu với nhiều nội dung rất dài dòng, nên cần cô đọng và đầy đủ”, ông Nghĩa nói.
Gọi vốn bằng trái phiếu: Sẽ không có cửa cho Startup?
Theo góc nhìn của các chuyên gia, với nội dung như dự thảo nghị định thì không có cửa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) gọi vốn qua kênh trái phiếu. Điều này đi ngược xu hướng của nhiều thị trường.
Chọn góc nhìn của startup về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP, ông Hùng Đinh, Chủ tịch HĐQT @VIC Partners - Câu lạc bộ Nhà đầu tư Việt Nam cho biết, theo thống kê, 93 - 97% startup thất bại trong những giai đoạn đầu tiên, sau khi hoàn thành nghiên cứu về công nghệ và có những sản phẩm demo. Một trong những lý do khiến các startup rơi vào “thung lũng chết” là vì không đủ vốn để tiếp tục phát triển sản phẩm hoàn chỉnh để đưa ra thị trường.
Các startup đang hạn chế về số lượng kênh gọi vốn do không có tài sản đảm bảo, chưa có sản phẩm, trong khi hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư mạo hiểm chưa có khiến doanh nghiệp gặp khó trong tìm kiếm nguồn vốn…
Nghị định 90/2011/NĐ-CP đang bộc lộ nhiều bất cập. Đầu tiên là điều kiện phát hành trái phiếu, công ty phải có lãi ở năm trước liền kề năm phát hành. Điều này khiến các startup phần lớn không có lãi trong thời gian đầu hoạt động, nên không có cơ hội tìm vốn qua phát hành trái phiếu. Quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ các khoản nợ trái phiếu đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành là bất cập cho công ty khởi nghiệp trong giai đoạn đầu…
“Qua đầu tư vào 20 startup, tôi nhận thấy trái phiếu chuyển đổi là công cụ tốt, nhưng Ban soạn thảo lại không bổ sung nội dung này vào dự thảo nghị định. Cách tiếp cận của Ban soạn thảo về đối tượng áp dụng chưa phù hợp với thực tiễn, nên cần xem xét điều chỉnh cho hợp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gọi vốn qua kênh trái phiếu”, ông Hùng Đinh nói.
Đồng tình với góc nhìn trên, TS. Lê Xuân Nghĩa đề nghị, dự thảo cần sửa đổi theo hướng mở đường cho các startup, thậm chí các doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh cũng có cơ hội gọi vốn qua kênh trái phiếu, chứ không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp đã có thâm niên hoạt động, kinh doanh có lãi… Thực tế ở nhiều nước cho thấy, họ cho phép các startup, thậm chí cả doanh nghiệp có tình trạng tài chính yếu nhưng ý tưởng kinh doanh tốt vẫn được phép gọi vốn qua kênh trái phiếu.
Mệnh giá trái phiếu 1 tỷ đồng là quá cao
TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)
Dự thảo quy định mệnh giá trái phiếu là 1 tỷ đồng hoặc bội số của 1 tỷ đồng là quá cao so với các công cụ chứng khoán khác. Điều này làm giảm tính hấp dẫn, tính thanh khoản, đồng thời gây khó khăn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, cơ hội tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn.
Dự thảo quy định đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu là đồng Việt Nam. Nội dung này chưa phù hợp khi phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Dự thảo quy định việc mua lại trái phiếu trước hạn chỉ được thực hiện khi trái phiếu đã lưu hành tối thiểu 1 năm kể từ ngày trái phiếu được phát hành là chưa thể hiện tính linh hoạt của trái phiếu.
Để khắc phục một trong những bất cập lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là kém minh bạch, dự thảo cần bổ sung quy định nhằm nâng cao tính minh bạch cho thị trường thông qua các chế tài quy định chặt chẽ, rõ ràng về công bố thông tin như trách nhiệm công bố thông tin, phương tiện và thời hạn cung cấp thông tin...