Để rộng đường dư luận, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khánh Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc HVA.
Trong thời gian gần đây, thông tin về HVA được thị trường biết đến nhiều hơn, đi kèm với cụm từ tiền ảo, blockchain, cho vay ngang hàng (P2P lending)… Vì sao HVA lại công bố các dự án liên quan đến ứng dụng công nghệ chuỗi khối blockchain? Liệu đây có phải là sự chuyển hướng kinh doanh theo “mốt” khi tiền ảo thời gian vừa qua từng rất nóng?
Cá nhân tôi cảm thấy rất vui khi thông tin về HVA đã được cộng đồng biết đến nhiều hơn thông qua đề án chuyển hướng kinh doanh này. Nhưng điều này cũng kéo theo một “nỗi oan” của HVA.
Việc Việt Nam dịch từ cryptocurrency là tiền ảo, đi kèm với đó là một số vụ kinh doanh đa cấp lừa đảo diễn ra tại Việt Nam, khiến nhiều người nhìn lĩnh vực này với thái độ rất tiêu cực. Nhưng tôi khẳng định, dự án mà HVA đang theo đuổi là dự án thị trường tài sản số dựa trên nền tảng blockchain. Mục đích mà HVA hướng đến là xây dựng thị trường vốn hoàn toàn mới tại Việt Nam, chứ không phải là tạo ra “tiền ảo” như nhiều người nghĩ.
Nhưng khung pháp lý cho vấn đề này chưa có? Liệu hoạt động của HVA có phải là hành vi bị cấm không?
Ngay khi Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác được ban hành ngày 11/4/2018, HVA đã công bố thông tin bất thường làm rõ các vấn đề này.
Theo đó, Chỉ thị 10/CT-TTg ra đời trong bối cảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), huy động vốn theo hình thức đa cấp, mà nổi cộm nhất là đường dây tiền ảo đa cấp... Nhưng HVA khẳng định, chúng tôi không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tiền ảo và huy động vốn theo phương thức đa cấp.
Hiện nay, các hình thức huy động vốn chủ yếu bao gồm vốn từ cổ đông, vay, thuê tài chính và huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) đều gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận các hình thức huy động vốn trên.
Giải pháp của HVA đưa ra là huy động vốn mới thông qua công cụ số hoá tài sản, bao gồm tài sản hữu hình và vô hình. Đó sẽ là một cách huy động mới, phù hợp với nhiều loại hình doanh nghiệp hơn, có chi phí thấp hơn rất nhiều so với vay/thuê tài chính thông thường do được quản lý bằng công nghệ và bỏ bớt các khâu trung gian, đồng thời khắc phục được nhược điểm của huy động vốn trên thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp (doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về vốn điều lệ, hiệu quả kinh doanh… - PV).
Ông có thể nói rõ hơn về nội dung đề án trình Chính phủ của HVA?
Trong thời gian vừa qua, HVA đã 2 lần gửi Đề án thị trường giao dịch tài sản số lên Thủ tướng Chính phủ. Lần 1 là ngày 12/4/2018 xin phê duyệt thí điểm triển khai thị trường giao dịch tài sản số; lần 2 là ngày 23/5/2018, ngoài các nội dung về đề án còn có báo cáo tình hình thị trường giao dịch tài sản số và tham mưu diễn biến mới nhất trên thị trường giao dịch tài sản số trên thế giới.
Thông qua đề án này, chúng tôi giới thiệu hình thức huy động vốn mới thông qua số hóa tài sản (Initial Blockchain Offering - IBO). IBO là hình thức huy động vốn thông qua việc số hóa các loại tài sản vô hình và hữu hình bằng công nghệ blockchain. Tài sản sau khi số hóa sẽ tồn tại dưới dạng token và có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
Token trong hình thức IBO không phải là tiền ảo, không có chức năng làm phương tiện thanh toán. Đối tượng huy động vốn thông qua IBO mà chúng tôi hướng đến không chỉ giới hạn trong phạm vi các startup, mà còn bao gồm các doanh nghiệp đang hoạt động và các dự án bất động sản hữu hình.
Hiện tại, thị trường tài sản số trên thế giới phát triển khá mạnh. Tại khu vực ASEAN, Thái Lan đã ban hành khung pháp lý cho thị trường tài sản số, có hiệu lực từ ngày 14/5/2018.
Ở Thái Lan, thị trường tài sản số đang được quản lý và vận hành ra sao, thưa ông?
Về định nghĩa các loại tài sản số, Thái Lan quy định, tài sản số bao gồm 2 loại: cryptocurrency (tiền mã hóa) và digital token (token số). Trong đó, tiền mã hóa được định nghĩa là một loại đơn vị dữ liệu điện tử được tạo ra trên hệ thống điện tử hoặc một mạng máy tính - được sử dụng làm đơn vị trung gian thanh toán trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả trao đổi các tài sản số với nhau.
Còn token số được định nghĩa là một loại đơn vị dữ liệu điện tử được tạo ra trên một hệ thống điện tử hoặc một mạng máy tính - được sử dụng nhằm xác định quyền tham gia đầu tư một dự án hoặc doanh nghiệp của một cá nhân, tổ chức hoặc sử dụng để mua hàng hóa, dịch vụ theo thỏa thuận giữa bên phát hành và người nắm giữ.
Về khía cạnh quản lý nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Thái Lan (SEC) được giao trách nhiệm quản lý việc phát hành tài sản số và Bộ Tài chính nước này được giao trách nhiệm quản lý cấp giấy phép kinh doanh các hoạt động liên quan tới tài sản số.
Thái Lan cũng quy định, để thực hiện chào bán token lần đầu ra công chúng, các dự án phải đáp ứng đủ 6 yêu cầu quan trọng: có tư cách pháp nhân theo hình thức công ty TNHH hoặc công ty đại chúng; nộp đơn đăng ký kèm bản cáo bạch của dự án; chỉ được phép phát hành cho các nhà đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện do SEC ban hành; phải được phát hành qua “Cổng phát hành ICO - ICO Portal” đã được SEC phê duyệt; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ sau khi kết thúc đợt chào bán; thực hiện nộp các báo cáo định kỳ cho SEC về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh hoặc bất kỳ thông tin nào khác ảnh hưởng đến giá token hoặc quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Về việc giao dịch token trên thị trường thứ cấp, Thái Lan quy định, có 3 đối tượng chính tham gia kinh doanh trên thị trường giao dịch tài sản số gồm: sàn giao dịch tài sản số, môi giới tài sản số, nhà tạo lập thị trường.
Trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh tài sản số, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định, điều kiện và thủ tục theo thông báo của SEC như yêu cầu về nguồn vốn, cơ sở hạ tầng, bảo mật dữ liệu, lưu trữ hồ sơ khách hàng, tách biệt tài sản của khách hàng và tài sản của doanh nghiệp, thực hiện các chính sách KYC (xác minh danh tính) và AML (phòng chống rửa tiền)… Bên cạnh đó là các quy định về chế tài xử phạt như đối với lĩnh vực chứng khoán.
Tại Việt Nam, khung pháp lý về tài sản số hiện chưa có. Vậy ông có tin vào khả năng thành công của dự án HVA xây dựng?
Chúng tôi cho rằng, về vấn đề pháp lý, nên được hiểu theo góc nhìn khác. Đề án trình Chính phủ, HVA làm với mục tiêu nhận được sự ủng hộ của cơ quan quản lý nhà nước, vì chúng tôi cho rằng, đó là sự phát triển chính đáng trong nền kinh tế hiện tại. Đề án đã được Văn phòng Chính phủ gửi tới các cơ quan liên quan để lấy ý kiến.
Hiện tại, theo Điều 7, Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Vì vậy, tôi tin rằng, HVA triển khai công cụ số hoá tài sản không vi phạm Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng.
Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp khó khăn, khi kế hoạch huy động vốn gửi tới Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chưa được chấp thuận vì lý do mục đích sử dụng vốn là triển khai dự án cho vay ngang hàng trên nền tảng công nghệ blockchain - là công nghệ sử dụng cho ICO. Về bản chất, blockchain và ICO là các khái niệm độc lập. HVA hy vọng, dự án sẽ được nhìn nhận một cách khách quan, vì đây là một sản phẩm mới, chứ không phải là hoạt động kinh doanh trái pháp luật.
Còn về tính khả thi của dự án, đương nhiên chúng tôi rất tin tưởng thì mới bỏ tâm huyết vào đó. Một mặt, công cụ số hóa tài sản đáp ứng nhu cầu huy động vốn thực tế đang tồn tại, với lãi suất hợp lý hơn.
Mặc khác, nhìn vào dữ liệu giao dịch của các loại cryptocurrency, thì rõ ràng, nhu cầu đầu tư của người dân Việt Nam lớn. Vậy tại sao chúng ta không kết nối nhu cầu huy động vốn và nhu cầu đầu tư dưới sự kiểm soát của Nhà nước? Tôi nghĩ, ý tưởng này nên được xem xét để tìm ra giải pháp phù hợp, ở đó, Nhà nước kiểm soát được thị trường, thu được thuế và bảo vệ được nhà đầu tư.
Nếu không huy động vốn, thì HVA liệu có thể triển khai dự án thị trường tài sản số dựa trên nền tảng blockchain, đòi hỏi công nghệ cao, tính bảo mật, an toàn dữ liệu?
Chúng tôi vẫn đang nỗ lực dựa trên các công cụ hợp pháp nhằm phát triển dự án này. Việt Nam là quốc gia có nguồn nhân sự giỏi công nghệ thông tin, họ rất giỏi, nhưng đôi khi nhiều điều mới dừng ở ý tưởng, vì sợ làm sai luật. Đó là điều đáng tiếc.
Phát triển blockchain thì HVA có thể lựa chọn tự phát triển, hoặc đi mua, vì thế giới đã có nhiều.
Về vấn đề công nghệ cũng như các yếu tố đảm bảo kinh doanh khác, HVA có đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có uy tín và kinh nghiệm. Chúng tôi đã làm đề án chi tiết cho dự án, thành lập Hội đồng xếp hạng tín nhiệm… Hiện chúng tôi đã giới thiệu dự án IZIchain (website: izichain.io), công nghệ blockchain nền tảng cho việc xây dựng thị trường tài sản số và cũng là công nghệ cho việc kết nối nguồn vốn toàn cầu. Nếu mọi việc thuận lợi, đến quý I/2019, HVA bắt đầu phát triển mảng này sau khi tổ chức huy động vốn.
Ngày 12/4/2018, HVA có Công văn số 23/2018/CV-HVA đính kèm Đề án thị trường giao dịch tài sản số gửi tới Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt đề án.
Ngày 11/5/2018, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4327/VPCP-ĐMDN chuyển kiến nghị của HVA đến Ngân hàng Nhà nước để xem xét, xử lý và trả lời doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Ngày 31/5/2018, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 4018/NHNN-TT có ý kiến về vấn đề này. Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn thông qua số hóa tài sản (IBO) như HVA đề cập là hoạt động huy động vốn từ nguồn tiền của các nhà đầu tư trên thị trường thông qua việc chào bán các token (được HVA phát hành trên nền tảng blockchain), tỷ lệ sở hữu token tương ứng với quyền lợi của nhà đầu tư đối với dự án.
Hoạt động này khá giống với hoạt động huy động vốn, gọi vốn từ phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO), các token được phát hành có chức năng giống chứng khoán, có vai trò như một loại giấy tờ có giá trị hứa hẹn đem lại lợi tức cho nhà đầu tư. Bởi vậy, đề án của HVA có thể sẽ liên quan nhiều hơn đến hoạt động trên thị trường chứng khoán và chịu sự quản lý là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (thuộc Bộ Tài chính).
Ngoài ra, IBO có bản chất là hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo. Trong Chỉ thị 10/CT-TTg, Bộ Tài chính được giao làm đầu mối phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO). Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Văn phòng Chính phủ chuyển kiến nghị của HVA cho Bộ Tư pháp nghiên cứu, xử lý.