Tại thị trường Mỹ, giá trị thỏa thuận M&A quý I/2020 được đánh giá giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 252 tỷ USD. Trên toàn cầu, giá trị M&A trong quý I giảm từ 964 tỷ USD xuống còn 698 tỷ USD. Tại châu Á, con số này giảm 17%, xuống 142,9 tỷ USD, theo Refinitiv.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay số thương vụ M&A nổi bật chỉ đếm trên đầu ngón tay, như vụ Mitsubishi và Nomura Real Estate công bố mua 80% cổ phần giai đoạn 2 của dự án Vinhomes Grand Park của Vinhomes (VHM).
Một vài thương vụ khác đến từ nhà đầu tư Thái Lan như Công ty Năng lượng Thái Lan Super Energy Corporation dự kiến chi không quá 456,7 triệu USD để đầu tư vào cụm 4 dự án Nhà máy điện tại tỉnh Bình Phước; Tập đoàn đa ngành của Thái Lan - SCG - tuyên bố sẽ mua cổ phần CTCP Bao bì Biên Hoà (SVI); Tập đoàn Stark của Thái Lan mua lại 100% vốn tại CTCP Cáp điện Thịnh Phát và CTCP Kim loại màu và nhựa đồng Việt (Dovina)…
Vốn ngoại vào Việt Nam năm 2020 sẽ ở mức nào đang là câu hỏi ngỏ khi trên sàn, khối này trở lại với xu hướng bán ròng sau một số phiên mua ròng ở mức nhỏ. Hiện tại, danh mục đầu tư do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ chưa tới 30 tỷ USD, trong đó ước tính khoảng 10 tỷ USD do các nhà đầu tư mang tính ngắn hạn nắm giữ và gần 20 tỷ USD do các nhà đầu tư trung và dài hạn nắm giữ.
Trong các giải pháp tăng sức hấp dẫn vốn ngoại vào doanh nghiệp Việt Nam, hai giải pháp được kiến nghị nhiều nhất và chờ đợi nhất là nới room và phát triển công cụ cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR).
Tuy nhiên, cả 2 giải pháp này vẫn đang trong giai đoạn bàn thảo tại dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp. Nếu được Quốc hội thông qua, 2 dự Luật trên sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021, nên khả năng thực thi cần thêm 1-2 năm sau thời điểm này.