Tại đây, 2 điểm thắc mắc lớn nhất đã được nêu ra: liệu có phải Tập đoàn Thiên Thanh đứng sau chương trình tín dụng này để bán vật liệu xây dựng và quá trình giải ngân sẽ được triển khai như thế nào?
Ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB nhấn mạnh, đây là chuỗi sản phẩm khép kín 4 nhà (Ngân hàng người mua - Chủ đầu tư, Nhà thầu - Nhà tổ chức cung ứng, sản xuất vật liệu xây dựng - Ngân hàng người bán) do BIDV khởi xướng từ 2012.
Cụ thể ở đây là vật liệu xây dựng được điều tiết, cung ứng đúng mục đích, có sự phối hợp của một ngân hàng. Trong chuỗi này có 2 điểm then chốt để thành công: Một là, cần nhà trung gian để tổ chức, cung ứng vật liệu xây dựng, là cầu nối những nhà thầu, chủ đầu tư với nhà sản xuất vật liệu, qua đó sử dụng chiết khấu số lượng lớn để giảm giá thành; Hai là, nhờ nhà trung gian tổ chức, toàn bộ khối lượng vật liệu xây dựng có được thị trường lớn để luân chuyển tốt hơn.
Bên cạnh đó, năng lực của một ngân hàng, về bản chất không giải quyết được tất cả các vấn đề mà cần hợp lực với nhau. Các ngân hàng vừa mong muốn tăng trưởng trưởng tín dụng, nhưng cũng quan ngại lớn về rủi ro nợ xấu. Do đó, các ngân hàng chỉ có thể bắt tay nhau bởi cấu trúc khép kín, an toàn, đối trừ tiền trực tiếp, đi đúng mục đích, dự án được xây dựng, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát không đi vòng vèo… như gói sản phẩm tín dụng khép kín 4 nhà đã nói trên.
“VNCB tài trợ tăng mới thêm 10.000 tỷ đồng (so với 31/12/2013) thông qua các hình thức: cho vay ngắn hạn cung ứng vật liệu xây dựng, quay vòng trong năm 2014, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước… Phần còn lại sẽ được tài trợ bởi ngân hàng chuyên ngành xây dựng nước ngoài đã có ký kết và các NHTM khác như MB, NCB, SCB, Navibank, DongABank”, ông Mai cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, về bản chất, chương trình tín dụng liên kết 4 nhà là chương trình tín dụng thông thường, không có ưu đãi về lãi suất, nguồn vốn do NHTM tự huy động để cho vay, không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Việc cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng các điều kiện tín dụng thông thường của khách hàng, khả năng huy động vốn của ngân hàng và thỏa thuận của VNCB với các ngân hàng khác trên cơ sở đảm bảo các quy định của pháp luật liên quan đến toàn bộ quá trình liên kết.
“Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các NHTM thực hiện cho vay thông qua chuỗi liên kết 4 nhà cũng như nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm tín dụng mới hiệu quả, có độ an toàn cao nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường, giảm nợ xấu. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực đôn đốc các NHTM thống nhất để tiến tới ký kết thỏa thuận khung về việc hợp tác triển khai thí điểm sản phẩm tín dụng 4 nhà”, ông Mạnh nói.
Nhận định về lo ngại của thị trường rằng đứng sau chương trình tín dụng này để bán vật liệu xây dựng, ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) chia sẻ, Tập đoàn Thiên Thanh trên thực tế không sản xuất vật liệu xây dựng mà tham vọng trở thành đầu mối, nhà tổ chức cho thị trường vật liệu xây dựng. Do đó, thị trường vật liệu nói chung sẽ được kích hoạt tốt hơn.
Về phía Ngân hàng Xây dựng, ông Mai chia sẻ, hiện trên thị trường cũng không còn ngân hàng tập trung chuyên ngành nữa, mà hầu hết là đa năng. Trong khi đó, là thị trường ngách, nhưng thị trường xây dựng cũng rất lớn với sản lượng năm 2013 khoảng 770.000 tỷ đồng, nên để hỗ trợ thị trường thành công thì không riêng một ngân hàng nào làm nổi. Điểm hay ở gói hỗ trợ này là tạo dựng một cuộc chơi tập trung, mời gọi các ngân hàng khác vào “cuộc chơi”, tạo nên “đòn bẩy” đối với thị trường ngách.
“Câu chuyện ở đây không phải bài toán con kiến hay con voi, mà con kiến sẽ làm gì và con voi làm gì trong nhiệm vụ của mình và nhiều khi con kiến có thế mạnh hơn con voi”, ông Mai nói.