Sẻ chia nỗi khổ của DN
Theo cảm nhận của cộng đồng DN, có nhiều điều lắng lại sau những chia sẻ chân thành, thẳng thắn của Thủ tướng Chính phủ với khu vực DN dân doanh, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2014 vừa diễn ra. Những chia sẻ này đã khích lệ tinh thần kinh doanh của DN trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, như nhìn nhận của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.
“DN dân doanh đang đứng trước một giai đoạn rất khó khăn, khi nhiều DN phải rời bỏ thị trường. Số lượng DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động trong mấy năm gần đây rất lớn…”, ông Lộc quan ngại, đồng thời dẫn ra các con số: năm 2013 cả nước có 60.737 DN giải thể, ngừng hoạt động, tăng 11,9% so với năm trước đó. Quý I/2014, số DN giải thể hoặc đăng ký tạm dừng hoạt động, hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 16.745 DN, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước…
“Sự khó khăn của DN có nhiều lý do, nhưng có nguyên nhân như cộng đồng DN phản ánh là cải cách thủ tục hành chính về thuế và hải quan chưa đạt yêu cầu, người dân nộp thuế khó khăn quá. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân…”, Thủ tướng Chính phủ thẳng thẳn, đồng thời cam kết sẽ chỉ đạo các bộ, ngành khắc phục tình trạng này, để không còn tình trạng cấp trên cải cách mạnh mẽ, nhưng càng xuống cấp dưới thì tinh thần cải cách càng vơi đi, nếu không muốn nói là không thực hiện cải cách gì cả.
Vẫn với tinh thần sẻ chia nỗi khổ của DN, Thủ tướng cho rằng: Hiến pháp và pháp luật đã quy định rõ, DN được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, nhưng thủ tục lập DN và đăng ký kinh doanh trên thực tế DN vẫn còn phải “xin” nhiều quá. Chính phủ đang quan tâm chấn chỉnh phẩm chất, đạo đức của cán bộ phục vụ dân và DN. Khó khăn của người dân và DN, có khi không phải do thủ tục, mà do đạo đức, phẩm chất của cán bộ. Hẹn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và DN, mà mỗi lần chỉ thêm dấu chấm, dấu phẩy, thì đó không phải do thủ tục...
“Phân công tôi làm lãnh đạo DN chắc tôi không làm, bởi làm chủ tịch, tổng giám đốc DN khó quá…”, Thủ tướng nói thêm như một lời sẻ chia với những khó khăn, thách thức mà lãnh đạo DN phải đối mặt hàng ngày trong quá trình chèo lái DN, nhất là trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay.
“Xử lý dứt điểm…”
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh như vậy, khi nói về hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc mà cộng đồng DN nêu ra tại Hội nghị. Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo ngay sau hội nghị này, Văn phòng Chính phủ sẽ tập hợp và chuyển tất cả kiến nghị của các DN tới từng bộ, ngành, địa phương để xử lý dứt điểm. Đồng thời, Thủ tướng còn yêu cầu các Bộ trưởng theo thẩm quyền được giao cần tập trung chỉ đạo xử lý, trả lời tất cả các kiến nghị của DN theo hướng, những kiến nghị đúng quy định của pháp luật, thì hết sức ủng hộ, tạo thuận lợi tối đa cho DN.
Người đứng đầu Chính phủ còn giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ các đề xuất, kiến nghị mà cộng đồng DN nêu ra tại Hội nghị, cũng như hơn 300 kiến nghị mà VCCI đã tập hợp, để xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.
Chính phủ đang dồn sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng đảm bảo quyền tự do, quyền dân chủ của người dân trong hoạt động kinh tế. Tiếp tục rà soát chính sách, để tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế, cũng như tránh gây phiền hà cho DN do các hoạt động thanh tra, kiểm tra diễn ra chồng chéo. Tinh thần cải cách này đang được cụ thể hóa trong quá trình xây dựng các dự thảo luật quan trọng như: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Phá sản sửa đổi… Cùng với tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để giảm thời gian, chi phí cho DN, Chính phủ cũng sẽ triển khai thêm các giải pháp để hỗ trợ khu vực DN dân doanh cải thiện khả năng tiếp cận vốn, đất đai… vốn đang gặp nhiều khó khăn.